Khai thác kho báu văn hóa truyền thống

Nguyên Vân
Nguyên Vân
15/04/2020 06:08 GMT+7

Văn hóa truyền thống được xem như kho báu để các nghệ sĩ tìm về, khai thác, kết hợp để giới thiệu lại một cách mới mẻ, hợp thời và thú vị trong các sản phẩm nghệ thuật.

Từ tranh Đông Hồ đến cải lương...

Không khó để thấy gần đây, nhiều sản phẩm âm nhạc, tác phẩm điện ảnh sử dụng chất liệu đặc trưng của văn hóa dân tộc đã tạo được sự quan tâm nhất định, thậm chí gây chú ý hơn hẳn khi giới thiệu ra thị trường.

Trong thời đại mà robot biết sáng tác nhạc, vẽ tranh hay viết kịch bản, rõ ràng chỉ có một thứ không thể nào bị nhận xét là vay mượn, đạo nhái, đó chính là văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia, bởi bản sắc là duy nhất

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh
Trong đó, đáng kể là loạt MV của ca sĩ Hoàng Thùy Linh: mới nhất có Kẻ cắp gặp bà già, rồi Duyên âm, Tứ phủ, Để Mị nói cho mà nghe hay trước đó là Bánh trôi nước. Xem các MV này, ấn tượng để lại mạnh mẽ chính là cách nữ ca sĩ cùng ê kíp lồng ghép vào câu chuyện âm nhạc các chất liệu văn hóa truyền thống, nhất là văn hóa dân gian như: tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, nhân vật văn học Thúy Kiều gặp Kim Trọng, hình ảnh Mẫu Thượng Ngàn (MV Kẻ cắp gặp bà già); các trò chơi dân gian và thành ngữ, tục ngữ VN (trong Duyên âm); văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu dân gian (được lấy cảm hứng cho MV Tứ phủ); văn hóa vùng Tây Bắc cùng các nhân vật trong tác phẩm văn học nổi tiếng VN: Vợ chồng A Phủ, Chí Phèo, Lão Hạc, Vợ nhặt... (trong Để Mị nói cho mà nghe - MV đoạt hầu hết giải thưởng quan trọng của các giải âm nhạc trong năm 2019)... Theo Hoàng Thùy Linh: “Văn hóa truyền thống của VN rất phong phú, trong đó có nhiều điều hay còn chưa được khai thác. Tôi muốn kết hợp những điều đẹp đẽ đó trong âm nhạc của mình, tạo nên những không gian hữu hình khi lắng nghe. Vì tôi tin rằng người Việt sẽ luôn rung cảm với văn hóa Việt. Bánh trôi nước là thành công lớn đầu tiên giúp tôi và ê kíp mạnh dạn hơn trên con đường này”.
Khai thác kho báu văn hóa truyền thống

Song lang, tên phim đặt theo một loại nhạc cụ trong dàn nhạc tài tử và cải lương

Ảnh: TL

Tuy không phải là ca sĩ tiên phong hay duy nhất sử dụng yếu tố dân gian, chất liệu văn hóa dân tộc cho các MV để kết hợp chất nhạc hiện đại (trước đó có MV Tình yêu màu nắng của Đoàn Thúy Trang gắn với hình ảnh đậm nét văn hóa vùng Tây Bắc, Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau hay Bùa yêu trong dự án Việt Nam - Việt Nam của Bích Phương tái dựng đám cưới truyền thống của người Dao cùng các trò chơi dân gian vùng cao…), nhưng có thể nói Hoàng Thùy Linh là ca sĩ thể hiện nó một cách hiệu quả, tạo được sức hút với khán giả.
Cùng với âm nhạc, một số phim gần đây có sử dụng chất liệu từ nghệ thuật cải lương (Song lang - đạo diễn Leon Quang Lê), từ trò chơi dân gian lô tô - loại hình tổng hợp của nhiều thể loại thơ, vè, nhạc bolero, cải lương… (Lô tô - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh) hay khai thác văn hóa lịch sử thời Nguyễn, nhất là yếu tố cổ phong (Phượng khấu - Huỳnh Tuấn Anh)... đều tạo được sự quan tâm, tranh cãi và tìm hiểu về các loại hình ấy. Tiếp sau Phượng khấu, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh dự kiến triển khai phim nhiều tập về Phật hoàng Trần Nhân Tông. Trong đó, yếu tổ cổ phục - phục trang thời nhà Trần cũng là phần quan trọng trong các khâu chuẩn bị cho phim.

Người Việt sẽ giỏi nhất khi nói về văn hóa Việt

Khi thực hiện dự án Việt Nam - Việt Nam, ca sĩ Bích Phương chia sẻ lý do rằng công chúng dễ dàng tìm nghe/xem những MV bắt tai, sản phẩm nằm trong top thịnh hành mang màu sắc Hàn hay Âu - Mỹ, nhưng dường như rất khó để thấy một MV mang màu sắc và thông điệp hướng tới cội nguồn, tìm về văn hóa dân tộc. Trong khi đó, như nhìn nhận của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: “Trong thời đại mà robot biết sáng tác nhạc, vẽ tranh hay viết kịch bản, rõ ràng chỉ có một thứ không thể nào bị nhận xét là vay mượn, đạo nhái, đó chính là văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia, bởi bản sắc là duy nhất”.
Theo Huỳnh Tuấn Anh: “Ở góc độ người làm văn nghệ, tôi cho rằng một quốc gia có 3 nguồn tài nguyên: thiên nhiên, con người và văn hóa - lịch sử. Tài nguyên thiên nhiên khai thác mãi cũng cạn, con người thì phải “trồng” cả 100 năm, còn văn hóa - lịch sử là kho báu mà ta không phải đóng thuế, không sợ bị vi phạm bản quyền, là nguồn vốn tự có nhanh nhất để khởi nghiệp, để bước từ cửa nhà ra thế giới. Tìm về văn hóa - lịch sử dân tộc chính là con đường ngắn, thông minh nhất của người làm nghệ thuật nếu biết sử dụng, tận dụng”. Anh nhìn nhận mình không phải là đạo diễn duy nhất khai thác câu chuyện văn hóa - lịch sử, “chỉ là tôi sớm nhận ra quy luật tất yếu của thị trường, khi người ta không còn gì để bắt chước, để remake (làm lại), chúng ta phải quay về văn hóa bản địa. Điều này ban đầu là sự chuyển mình mang tính sống còn, nhưng dần dà biết đâu chúng ta sẽ khơi dậy niềm tin vững chắc rằng: văn hóa dân tộc chính là kho báu”.
Còn ca sĩ Hoàng Thùy Linh chia sẻ: “Không thể khẳng định đây có phải là chuyện mà người khác “nên hay không nên làm”, vì mỗi nghệ sĩ đều có lựa chọn, cảm quan khác nhau, nhưng tôi tin rằng đặc trưng văn hóa bản địa là yếu tố thu hút khán giả, nhất là khán giả nước ngoài. Bên cạnh việc thưởng thức âm nhạc, thưởng lãm hình ảnh thì họ rất quan tâm đến văn hóa. Và tất nhiên, một người Việt sẽ giỏi nhất khi nói về văn hóa Việt. Đó cũng là điều khiến tôi luôn phải rất tỉnh táo khi thực hiện các sản phẩm, để những gì mình cho họ thấy phải là những điều văn minh và có tính dân tộc”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.