Trong giai đoạn 2019 - 2025, thị trường các sản phẩm từ nha đam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7,6%/năm.
Tại Việt Nam,cây nha đam được trồng nhiều nhất tại tỉnh Ninh Thuận với diện tích khoảng 350 ha chủ yếu ở các phường Mỹ Bình, Văn Hải, Văn Sơn (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) và huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Bắc. Cuối năm ngoái, nhiều diện tích trồng nha đam ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm bị ngập nước gây thiệt hại nặng. Do đó vào thời điểm này, nhiều nông dân cho biết giá thu mua nha đam lên cao tới mức 2.800 đồng/kg. Trung bình cây nha đam cho thu hoạch 10 lần mỗi năm với lợi nhuận từ 300 - 600 triệu đồng/ha/năm.
Sở dĩ bà con nông dân có đầu ra và thu nhập ổn định từ cây nha đam nhờ có doanh nghiệp đầu tư thu mua chế biến để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận đã triển khai mô hình sản xuất chuyên canh cây nha đam tại xã Bắc Sơn (huyện Thuận Bắc) nhằm giúp bà con địa phương nâng cao thu nhập với sự tham gia của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (G.C Food) cho biết: "Công ty chọn đầu tư vào cây nha đam vì là loại cây có nhiều ứng dụng trong cuộc sống và dung lượng thị trường tương đối lớn. Hiện G.C Food có dây chuyền chế biến nha đam hiện đại và công suất (200 tấn lá nha đam/ngày) lớn nhất Việt Nam. Sản phẩm xuất khẩu đi 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ…".
Cũng theo ông Thứ, đối thủ lớn nhất của công ty trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan. Tuy nhiên, G.C Food đặt mục tiêu trong 3 năm tới sẽ trở thành nhà cung cấp sản phẩm nha đam lớn nhất khu vực và 10 năm tới sẽ đạt doanh thu 100 triệu USD/năm, là nhà sản xuất nha đam lớn nhất thế giới. "Ngoài thế mạnh hiện tại là các sản phẩm thực phẩm, chúng tôi đang nghiên cứu và chuẩn bị đầu tư sang lĩnh vực hóa mỹ phẩm. Năm 2023 chúng tô đã ký hợp đồng cả năm với các đối tác nên không lo thiếu đơn hàng, mà lo nhất là thiếu nguyên liệu sản xuất. Ngoài vùng nguyên liệu tự đầu tư sản xuất, thời gian qua công ty liên kết với 200 hộ nông dân và hợp tác xã địa phương xây dựng vùng nguyên liệu trên diện tích 130 ha. Trong năm nay dự kiến phát triển lên 200 ha để tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho nhà máy"- ông Thứ nói.
Bình luận (0)