Khám phá bí mật của vật thể bí ẩn ở rìa hệ mặt trời

16/02/2020 20:10 GMT+7

Thiên thể có hình dạng người tuyết, trước đây có tên Ultima Thule nhưng hiện đổi thành Arrokoth, đã trở thành vật thể xa xôi nhất của hệ mặt trời từng được con người thám hiểm.

Tàu du hành New Horizons của NASA đã bay ngang Arrokoth vào ngày 1.1.2019, có nghĩa là phi thuyền này phải mất hơn 3 năm kể từ khi đi ngang Pluto để đến được thiên thể ở rìa hệ mặt trời cách đó 1,6 tỉ km.
Vào thời điểm bay ngang, New Horizons chỉ cách mục tiêu khoảng 3.540 km, cho phép tàu du hành đo được kích thước của Arrokoth là 36 km. Thiên thể này là một trong các thành viên của Vành đai thiên thạch Kuiper ở phạm vi ngoài quỹ đạo của Hải Vương tinh.
Cho đến nay, dữ liệu được truyền về từ khoảng cách 6,6 tỉ km tiếp tục thay đổi nhận thức của giới khoa học về quá trình tượng hình của các hành tinh trong hệ mặt trời.
“Tốc độ truyền dữ liệu đặc biệt chậm vì khoảng cách quá xa”, theo một trong những tác giả nghiên cứu Will Grundy của Đài thiên văn Lowell ở Flagstaff, bang Arizona (Mỹ).

Hình ảnh cận cảnh của Arrokoth

NASA

Theo đội ngũ nghiên cứu, Arrokoth là cuộc khai quật tuyệt vời nhất mà nhân loại từng khám phá trong lịch sử hệ mặt trời. Nó được xem như một hóa thạch, bất biến qua nhiều tỉ năm, cũng giống như trường hợp côn trùng được bảo quản trong hổ phách, theo báo The Washington Post.
Theo phát hiện mới nhất, các nhà nghiên cứu xác định được Arrokoth thuộc nhóm các vi thể hành tinh, chỉ những phần còn sót lại sau khi hệ mặt trời tượng hình.
“Arrokoth cho chúng tôi biết về cách thức các vi thể hành tinh hình thành, từ đó giúp con người hiểu biết sâu hơn về quá trình hình thành của các hành tinh”, theo đồng tác giả nghiên cứu Alan Stern cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.