(TNO) Ít người có thể tận mắt nhìn thấy rõ bộ chuông cổ độc đáo được lắp đặt bên trong hai tháp chuông nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (tọa lạc trên khuôn viên tuyệt đẹp ở Công xã Paris, quận 1, TP.HCM).
Chuông sol còn gọi là chuông nhất với đường kính 2,25m, cao 3,5m, nặng 8.785kg
|
P.Launey đã nhận xét về bộ chuông này: “Cả vùng Viễn Đông, không nơi nào có thể sánh được, và ngay cả ở Pháp, nhiều nhà thờ cũng phải ghen tị!”.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn có tên chính thức là Vương cung Thánh đường Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn, là nhà thờ mẹ của Giáo phận TP.HCM, nơi cử hành những thánh lễ quan trọng của giáo phận TP.HCM và Giáo hội Công giáo.
Tháp chuông khi mới khánh thành có mái bằng (cao 36,6m) nhưng đến năm 1895, kiến trúc sư Gardes thiết kế thêm phần mái nhọn vươn lên cao như ngày nay (nâng tổng chiều cao lên trên 60 m). Độ cao này tương đương với tòa nhà gần 30 tầng nhưng đường dẫn từ mặt đất lên đỉnh tháp chuông chỉ có cầu thang bộ làm bằng đá, gỗ và sắt với độ dốc rất lớn.
Từ đỉnh tháp chuông có thể nhìn thấy phần lớn không gian phố phường Sài Gòn.
Bộ chuông gồm 6 quả chuông nặng tổng cộng gần 30 tấn gắn trên 2 tháp được đánh giá không chỉ độc đáo nhất khu vực Đông Nam Á mà còn khiến cả thế giới phải ghen tị.
Chất liệu chuông bằng đồng, do hãng đúc chuông Bolley chế tác vào năm 1879 tại Pháp với những đường nét họa tiết trên chuông rất tinh xảo và mỗi quả chuông đều có đường nét hoa văn khác nhau. Bộ chuông được phối âm độc đáo với các cung: sol, la, si, do, re, mi.
Chuông sol còn gọi là chuông nhất với đường kính 2,25m, cao 3,5m, nặng 8.785kg; chuông la: chuông 2 với đường kính 1,9m, nặng 5.931kg; chuông si: chuông 3 với đường kính 1,7m, nặng 4.184kg; chuông do: chuông 4 với đường kính 1,69m, nặng 4.315kg; chuông re: chuông 5 với đường kính 1,45m, nặng 2.194kg; chuông mi: chuông 6 với đường kính 1,25m, nậng 1.646kg.
Sáu quả chuông được thiết kế 2 phần: phía bên phải tháp chuông từ ngoài nhìn vào (phía Bưu điện TP.HCM) gắn 4 chuông sol, do, re và mi. Phía bên trái (phía Hội trường Thống nhất) gắn 2 chuông la và si. Giàn treo tháp chuông được thiết kế độc lập nên khi cùng lúc 6 quả chuông được đổ vang, độ rung tạo ra không ảnh hưởng đến tháp chuông. Ở mặt tiền của tháp chuông có gắn một đồng hồ cổ lớn có đường kính 2m vẫn đang hoạt động bình thường.
Bộ chuông độc đáo này được vận hành bằng điện và có sự hỗ trợ hệ thống đạp bằng chân để tạo lực đẩy khi bắt đầu khởi động đối với những quả chuông có trọng lượng lớn. Độ vang của chuông có thể lan xa ở khoảng cách 10 km.
Một điểm đặc biệt khác là phần móng nhà thờ rất kiên cố. Trải qua hơn 135 năm sử dụng nhưng không có dấu hiệu nghiêng lún hay bị nứt tường dù nhà thờ tọa lạc độc lập trên vị trí xung quanh có mật độ phương tiện lưu thông rất lớn. Tuy nhiên, trải qua hàng trăm năm tồn tại, một số hạng mục của tháp chuông bị hư hỏng, xuống cấp.
Theo quan sát của Thanh Niên Online, mái tôn của tháp chuông không bị gỉ sét nhưng một số điểm đã bị hở khiến nước chảy vào nhà thờ mỗi khi trời mưa. Do đó, để bảo vệ sự bền vững của công trình kiến trúc độc đáo này, Tòa Tổng giám mục Giáo phận TP.HCM đang chuẩn bị tiến hành kế hoạch trùng tu quy mô lớn, dự kiến bắt đầu từ quý 3 năm 2015.
Cùng với trùng tu lại tháp chuông, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn còn được trùng tu phần mái ngói và nội thất nhà thờ. Quan điểm trùng tu của Tòa Tổng giám mục Giáo phận TP.HCM là giữ được vẻ đẹp nguyên thủy, không bị thay đổi kết cấu, hình dạng, màu sắc sau khi trùng tu. Thời gian trùng tu vì vậy có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm.
Theo tư liệu của Tòa Tổng giám mục Giáo phận TP.HCM, ngày 7.10.1877, giám mục Isidou Colombert cử hành nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Đức Bà (dài 93m, rộng 35m) và cũng chính ngài cử hành nghi thức khánh thành vào dịp lễ Phục sinh, ngày 11.4.1880.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn do kiến trúc sư người Pháp Bourad thiết kế, đồng thời trúng thầu thi công dựa trên sự mô phỏng kiến trúc nhà thờ Đức Bà Paris. Toàn bộ vật liệu xây dựng nhà thờ đều được nhập từ Pháp. Màu sắc ít thay đổi và mặt ngoài của vật liệu không đóng rêu.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn sau hơn 135 năm xây dựng và hiện hữu giữa vùng đất từng được mệnh danh là hòn ngọc viễn đông, từ lâu cũng đã trở thành một biểu tượng kiến trúc độc đáo của lịch sử hơn 300 năm của vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TP.HCM. Nhà thờ là sự kết hợp hài hòa 2 trường phái kiến trúc cổ điển châu Âu: roman (kiểu vòm cong tròn) và gothic (kiểu mái vòm vuốt nhọn). Sự kết hợp này thể hiện rõ nhất ở phần tháp chuông.
|
Quả lắc chuông sol
|
Thành chuông sol dày hơn gang tay
|
Bốn chuông sol, do, re và mi (thứ tự từ trái qua phải, dưới lên trên) trên tháp chuông phía Bưu điện TP.HCM
|
Chuông la - chuông 2 với đường kính 1,9m, nặng 5.931kg (bên trái) và chuông si - chuông 3 với đường kính 1,7m, nặng 4.184kg (bên phải) trên tháp chuông phía Hội trường Thống Nhất. Hai quả chuông này có gắn bàn đạp bằng chân để hỗ trợ khi vận hành chuông bằng motor điện
|
|
Đầu chuông đúc bằng gang để chống gỉ sét. Qua 135 năm sử dụng vẫn chưa có dấu hiệu nào của sự gỉ sét
|
Hình ảnh các quả chuông
|
|
|
|
Hoa văn trên mỗi quả chuông được chạm khắc tinh xảo và hoạt tiết không giống nhau, rất đa dạng
|
|
|
Phần chóp tháp chuông được kết cấu bằng thép, mái tôn được làm thêm vào năm 1895 (15 năm sau nhà thờ khánh thành)
|
Vật liệu sắt, thép, ốc vít, bulong đều nhập từ Pháp nên có độ bền rất cao
|
Mái tôn không gỉ sét nhưng một số điểm bị hở sau hơn 100 năm. Thép dây được dùng để buộc những điểm hở mới qua một vài năm đã gỉ sét gần đứt
|
|
Nhà thờ là sự kết hợp hài hòa 2 trường phái kiến trúc cổ điển châu Âu: roman (kiểu vòm cong tròn) và gothic (kiểu mái vòm vuốt nhọn). Sự kết hợp này thể hiện rõ nhất ở phần tháp chuông
|
|
|
|
Cầu thang bộ lên xuống tháp chuông. Độ cao tháp chuông tương đương với tòa nhà gần 30 tầng
|
|
Một số ô cửa và kính trên tháp chuông bị hư hỏng. Đây là lý do Tòa Tổng giám mục Giáo phận TP.HCM tiến hành trùng tu để bảo vệ sự bền vững của công trình kiến trúc độc đáo
|
Hệ thống điện, motor, dây xích truyền lực và trục tròn xoay của các quả chuông
|
Chuông sol (chuông nhất) vì quá nặng nên bây giờ ít được rung. Lớp bụi thời gian phủ lên mặt ngoài của chuông
|
Hệ thống giàn giáo bằng gỗ làm bệ gắn các quả chuông cũng ố vàng vì thời gian trên trăm năm
|
Phía trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là giao lộ Nguyễn Du và Đồng Khởi, cạnh bên là Bưu điện TP.HCM cũng có “tuổi đời” hơn 100 năm
|
Bình luận (0)