Khám phá búp bê như bùa 'ma thuật' cầu mưa nắng ở Nhật Bản

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
09/04/2022 15:00 GMT+7

Ở Nhật Bản có loại búp bê trông giống hệt những con ma bằng khăn giấy mà trẻ em Mỹ làm trong ngày Halloween , người ta treo chúng trên cửa sổ hay mái hiên nhà để cầu mưa cầu nắng.

Loại búp bê đó chính là Teru teru bōzu, thường được làm thủ công bằng giấy hoặc vải trắng, nhiều người cho rằng đây là loại bùa có sức mạnh ma thuật, mang lại thời tiết tốt hoặc ngăn chặn trời mưa.

Teru teru bōzu rất phổ biến trong thời kỳ Edo (1603-1868) ở Nhật Bản. Người ta thường buộc chúng với nhau bằng dây rồi treo thẳng đứng trên mái hiên nhà để cầu trời nắng, nếu treo ngược đầu búp bê xuống thì có nghĩa là cầu trời mưa.

Khi treo ngược đầu Teru teru bōzu có nghĩa là cầu mưa. Lúc này búp bê được gọi là furefure bozu hay ameame bozu hoặc chơi chữ bằng cách nói ngược là ruterute bōzu.

i.redd.it

Trong quyển Kiyu shoran (Hi Du Tiếu Lãm, 1830) của Nobuyo Kitamura và bộ Nihon Kokugo Daijiten (Đại từ điển Quốc ngữ Nhật Bản) đều có miêu tả về Teru teru bōzu.

aucview.com, amazon.co.jp

Người ta thường gọi Teru teru bōzu là nhà sư Phật giáo, vì loại búp bê này không có tóc trên đầu, trông giống như đầu trọc của một nhà sư. Nhưng có một lý do quan trọng hơn, vào thời cổ đại các nhà sư Phật giáo Nhật Bản đóng vai trò như những người tạo ra mưa.

Khi bị hạn hán, người dân cầu xin trời đất cho mưa xuống để thuận lợi mùa màng. Vì thế, các vị thiên hoàng (Ten'nō) hoặc tướng quân (shōgun) đã ra lệnh cho các nhà sư Phật giáo cầu mưa. Có rất nhiều truyền thuyết kể rằng các nhà sư cấp cao của Phật giáo đã thành công trong việc kiểm soát mưa.

Trong quyển Kiyu shoran (Hi Du Tiếu Lãm, 1830), tác giả Nobuyo Kitamura viết rằng khi treo Teru teru bōzu lên và nguyện cầu trời nắng, nếu ngày hôm sau thời tiết thuận lợi thì xem như thành công, người ta sẽ đổ một cốc rượu sake lên đầu Teru teru bōzu rồi thả chúng trôi trên song. Vào thời Edo ở Nhật Bản, các con sông được cho là kết nối với thế giới bên kia và vương quốc của các vị thần, vì thế việc gửi Teru teru bōzu xuống sông là trả nó về nhà giống như cách mà người ta thả nến và đèn lồng trôi sông trong lễ hội Obon ở Nhật Bản.

Búp bê Teru teru bōzu của Nhật Bản, thường được làm thủ công bằng giấy hoặc vải trắng, một loại bùa có sức mạnh ma thuật, khiến trời nắng hoặc mưa.

kcpinternational.com

Ngày nay, trẻ em Nhật thường làm Teru teru bōzu bằng giấy lụa hoặc bông rồi xâu chúng lại, treo trên cửa sổ để cầu trời nắng, thường là trước một ngày khi trường cho chúng đi dã ngoại ở trường. Và dĩ nhiên, treo ngược búp bê là cầu mưa. Đây là một đức tin hay kiểu mê tín rất phổ biến ở Nhật Bản.

Theo Nihon Kokugo Daijiten (Đại từ điển Quốc ngữ Nhật Bản), trong văn học thời Edo, loại búp bê này được gọi bằng nhiều tên khác nhau, chẳng hạn như "Teri Hina, Teru Houshi, Teru Teru Bozu, Teru Teru, Teru Teru Houshi, Teru Teru Bozu và Teru Teru Houshi".

Nguồn gốc của Teru teru bōzu

Theo phong tục dân gian Nhật Bản, Teru teru bōzu là một loại yêu quái (yokai), được gọi là Hiyoribo. Người ta cho rằng yêu quái này tượng trưng cho mùa hè, đến từ vùng núi thuộc tỉnh Hitachi-no-kuni (Thường Lục Quốc) ngày xưa. Hiyoribo mang lại thời tiết ấm áp, trời đầy nắng, người ta không thể nhìn thấy chúng vào những ngày mưa. Trong Gazu Hyakki Yakō (Họa đồ bách quỷ dạ hành), một bộ tranh minh họa yêu quái cổ điển nổi tiếng của Nhật Bản, nghệ sĩ Toriyama Sekien (1712-1788) giải thích rằng Hiyoribo chính là nguồn gốc của búp bê Teru teru bōzu. Ông cho rằng khi bọn trẻ treo Teru teru bōzu lên và nguyện cầu mưa nắng, thì điều đó có nghĩa là chúng đang thực sự cầu nguyện linh hồn của Hiyoribo.

Tuy nhiên, một số tài liệu cho rằng Teru teru bōzu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trễ nhất là từ triều đại nhà Đường đã có phong tục treo búp-bê-cô-gái làm bằng giấy, trên tay cầm cây chổi, với hy vọng mưa thuận gió hòa. Cô gái này được gọi là Tảo Tình Nương (掃晴娘), một nhân vật xuất hiện lần đầu tiên trong bài thơ cùng tên của Lý Tuấn Dân vào đầu thời nhà Nguyên (thế kỷ 13). Khi trời mưa không ngớt vào tháng sáu, người ta treo hình nhân cô gái này ở bên trái cổng và nguyện cầu trời nắng.

Tảo Tình Nương qua ảnh minh họa và búp bê thủ công ở Nhật Bản.

t.l

Thế rồi, cô gái búp bê dùng chổi quét mây, khiến trời quang đãng, ngập tràn ánh nắng. Phong tục này đã được ghi lại trong quyển Đế kinh cảnh vật lược (帝京景物略) và Cai dư tùng khảo (陔餘叢考) viết bằng Hán ngữ, và trong tác phẩm tiếng Nhật Sakakibara Danen (榊原談苑). Tùy theo địa phương, còn nhiều giả thuyết khác về búp-bê-cô-gái này ở Trung Quốc, có nơi tôn cô là nữ thần. Ở Nhật Bản cũng vậy, quyển Nhật ký ma thuật viết trong thời kỳ Heian (Bình An thời đại) đã mô tả rằng vị nữ thần này mặc bộ đồ kimono trong lúc cầu mưa thuận gió hòa, đây là nhân vật “biến thể” du nhập từ Trung Quốc để rồi về sau trở thành Teru teru bōzu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.