Nếu đi trên trên QL 1 theo hướng từ bắc vào nam, khi qua khỏi TT.Hà Lam (H.Thăng Bình, Quảng Nam) khoảng 3 km nhìn về phía tay phải, khách lữ hành sẽ thấy ngay một thân cây lớn đang sải nhánh chính về hướng tây, mọc ngay điểm giao nhau của QL 1 và QL 14E. Đây chính là địa danh ngã ba Cây Cốc.
Cây đa sộp khổng lồ mọc tại ngã ba Cây Cốc (điểm giao của QL 1 và QL 14E) ẩn chứa nhiều câu chuyện tâm linh kỳ bí |
hoàng sơn |
Lần hỏi, những người dân địa phương cho biết, mặc dù tên ngã ba là Cây Cốc nhưng thân cây khổng lồ đang hiện hữu là cây đa sộp. Thân cây có chu vi khoảng 7-8 người ôm, cao chừng 20 m. Cây đa có nhiều nhánh lớn với vô số rễ phụ quấn vào nhau như búi tóc.
Cây đứng vững chủ yếu nhờ vào bộ rễ lớn đâm thẳng xuống đất. Nếu để ý kỹ sẽ thấy, bên trong thân cây đa sộp có một số chỗ bị bộng. Ông Nguyễn Công Bá (61 tuổi, nhà gần ngã ba), cho biết: "Đó chính là dấu tích của cây cốc. Ngày xưa, cây đa là loài cây tầm gửi mọc trên thân cây cốc. Lâu dần, cây đa lớn chèn ép cây cốc. Và rồi cây đa "nuốt chửng" cây cốc vào thời điểm từ năm 1975 trở đi".
Nhánh chính của cây đa vươn về hướng tây |
hoàng sơn |
Nhiều người già ở TT.Hà Lam cho hay, ngày xưa tại khu vực này là một gò đất cao có trên chục cây cốc mọc tự nhiên. Thế rồi, trong thời kỳ Pháp thuộc, người dân kéo đến sinh sống đã đốn hạ dần dần để làm nhà, chỉ còn lại 4 cây cốc. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, phía địch đã cho mở đường và cho giữ lại cây cốc ở bên lề.
Đến tháng 3.1975, lúc này cây cốc lay lắt sống vì bị cây đa sộp bao phủ gần hết. Một hôm, ngã ba Cây Cốc bị phía quân địch không kích. Rocket được máy bay phóng ra trúng thẳng vào thân cây cốc. Gốc cây cháy 3 ngày 3 đêm không tắt nên người dân phải mang nước ra dập. Dù vậy, cây đa vẫn sống và sinh trưởng mạnh mẽ cho đến ngày nay và viết nên "số phận" kỳ lạ.
Gốc đa có đường kính rất lớn với khoảng 7-8 người ôm |
hoàng sơn |
Người dân sinh sống gần ngã ba Cây Cốc đều nhắc đến 2 chữ linh thiêng khi đề cập đến cây đa sộp. Không biết từ khi nào, gốc đa trở thành nơi người dân dâng hương để cầu an, đưa ông Công ông Táo hay đặt cả tượng Phật để nhang khói… Ngày rằm, mùng 1 Âm lịch hằng tháng, nhiều người tìm đến để thắp nhang mong bình an.
Ông Nguyễn Ngọc Thành (69 tuổi, Khối phố trưởng Khối phố 9, TT.Hà Lam) cho biết thêm, cách đây khoảng 30-40 năm, sau khi khảo sát để mở rộng QL 1, người ta chọn phương án đốn hạ cây đa sộp để con đường được thẳng một lối.
Người dân tin có thần cây cư ngụ ở gốc đa nên thờ tự, nhang khói đàng hoàng |
hoàng sơn |
Nhưng cả 2 lần mang máy cưa đến để cắt gốc đa thì cả 2 lần đều không thành. "Lần thứ nhất, máy hỏng. Lần thứ 2 thì lưỡi đứt. Nghe cư dân địa phương kể nhiều câu chuyện liên quan đến cây đa, nhận thấy điềm không lành nên người ta đã chọn phương án mở đường về hướng đông nhằm tránh gốc đa sộp", ông Thành nói.
Kể từ đó trở đi, cây đa vốn dĩ đã sống qua bom đạn khiến nhiều người kinh ngạc nay lại càng được tôn kính vì những điều tâm linh kỳ bí, không muốn tin cũng phải tin.
Thanh Niên xin giới thiệu loạt ảnh xung quanh cây đa sộp nhuốm màu huyền bí này.
Hai lần nỗ lực triệt hạ nhưng cây đa không hề hấn gì, còn máy cưa thì bị hỏng nên sau đó việc đốn hạ phải dừng lại |
hoàng sơn |
Cành đa lớn nhất tỏa bóng mát, trở thành nơi nghỉ ngơi lý tưởng cho khách đi đường khi đến ngã ba Cây Cốc |
hoàng sơn |
Phần lõi gốc đa sộp bị rỗng. Đây là dấu tích cho thấy ngày xưa cây cốc từng tồn tại và bị cây đa "nuốt chửng" |
hoàng sơn |
Rễ phụ sum xuê, đan chằng chịt vào nhau rồi cắm xuống đất làm cho gốc đa ngày càng đứng vững |
hoàng sơn |
Quá trình sinh trưởng đã hàng chục năm qua, gốc đa đang bị cây tầm gửi xâm hại nghiêm trọng |
hoàng sơn |
Người dân xem cây đa là một điểm đến tâm linh của địa phương vì tin vào những điều huyền bí không thể lý giải được |
hoàng sơn |
Tượng Phật nằm trong lòng cây dần được rễ cây bao phủ |
hoàng sơn |
Nếu còn sống, cây cốc trông như thế nào?
Dẫn chúng tôi đến khối phố 8 (cách ngã ba Cây Cốc khoảng 400 m đường chim bay) để chiêm ngưỡng cây cốc còn sót lại tại khu vực TT.Hà Lam (H.Thăng Bình, Quảng Nam), ông Nguyễn Công Bá cho biết, cây cốc này có tuổi đời khoảng 200 năm tuổi và cùng thời với cây cốc ở ngã ba cùng tên.
Cây cốc có tuổi đời 200 năm tuổi còn sót lại ở TT.Hà Lam |
hoàng sơn |
Theo quan sát, thân cây cốc này không cao, chỉ chừng 5 m. Tuy nhiên, cây có rất nhiều nhánh và tán rất rộng. Cây có dáng đứng bề thế, vững chãi. Mùa này, cây đang cho lá sum suê nên cho bóng rất mát.
Từ cây cốc này, người ta có thể hình dung được cây cốc trong lịch sử ở ngã ba Cây Cốc trông như thế nào |
hoàng sơn |
Cây cốc này mọc gần một ngôi miếu được dân gian truyền tụng rất linh thiêng. Tại ngôi miếu này còn sót lại nền gạch, bờ tường cũ của ngôi miếu đã xây dựng khoảng 100 năm trước đó.
Bình luận (0)