Khám phá tòa án tuyệt mật của Mỹ: Kỳ 2 - Tòa án không có tranh tụng

16/07/2013 08:00 GMT+7

(TNO) Từ người bảo vệ hiến pháp, Tòa án Giám sát Tình báo nước ngoài (FISC) đã bị chỉ trích là tiếp tay cho việc xâm phạm các quyền công dân kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001.

>> Khám phá tòa án tuyệt mật của Mỹ: Kỳ 1 - Tối cao Pháp viện thứ hai

Giáo sư luật hiến pháp Geoffrey R. Stone thuộc Đại học Chicago cho biết ông cảm thấy băn khoăn với ý tưởng FISC đưa ra phán quyết mà không nghe trình bày của bất kỳ ai ngoài chính phủ, bỏ qua hệ thống tranh tụng vốn là xương sống trong hệ thống tư pháp Mỹ. “Toàn bộ khái niệm đó đã biến mất trong quá trình này”, ông Stone nói với tờ New York Times.

Hậu khủng bố 11.9

Sau vụ khủng bố 11.9.2001, chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã cho FISC ra rìa bằng cách bí mật phê chuẩn chương trình nghe lén của NSA mà không cần lệnh tòa án trong khoảng 5 năm. Tờ New York Times đã phanh phui chương trình này vào năm 2005. Rốt cuộc, sức ép dư luận đã buộc Nhà Trắng dừng chương trình do thám không được tòa án phê chuẩn hai năm sau đó.

Nhằm thay thế cho chương trình do thám không thông qua tòa án, chính quyền Bush đã đề xuất một biện pháp tạm thời có tên gọi Đạo luật Bảo vệ nước Mỹ (PAA), vốn được Quốc hội thông qua năm 2007.

Theo đó, ngoài những quyết định của FISC, Quốc hội cũng trao cho Bộ trưởng Tư pháp và Giám đốc Tình báo Quốc gia quyền hạn thực hiện các hoạt động do thám rộng lớn hơn trong một năm, chủ yếu tập trung vào các liên lạc giữa nước Mỹ và nước ngoài.

Sau khi PAA hết hiệu lực, Đạo luật FISA Sửa đổi được thông qua năm 2008, đưa hoạt động do thám trở lại với sự giám sát của FISC kèm theo những phạm vi hoạt động rộng lớn hơn cho tòa án này. Vào năm 2012, Tổng thống Obama gia hạn Đạo luật FISA Sửa đổi thêm 5 năm nữa. Tuy nhiên, Những hoạt động do thám rộng lớn đó đã gây ra lo ngại về việc vi hiến.

Tranh cãi về Tu chính án số 4

Những hoạt động do thám rộng lớn đó đã gây ra lo ngại về việc vi hiến.
 Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush - Ảnh: Reuters

Vào tháng 2, chi nhánh tại Mỹ của Tổ chức n xá Quốc tế đã nộp đơn kiện lên tòa án liên bang. Tổ chức này lập luận quyền hạn do thám mở rộng của chính phủ Mỹ vi phạm Tu chính án số 4 của Hiến pháp Mỹ, vốn chống lại việc khám xét và giam giữ vô lý.

Đáp lại, Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper lập luận Tổ chức n xá Quốc tế không có tư cách khởi kiện bởi nhóm nhân quyền này không thể chứng minh họ là mục tiêu do thám. Tối cao Pháp viện đã đồng ý với ông Clapper và bác đơn kiện.

Với một trong những quyết định quan trọng nhất của mình, FISC đã mở rộng việc sử dụng nguyên tắc pháp lý được gọi là học thuyết “nhu cầu đặc biệt” với các trường hợp khủng bố và tạo ra một ngoại lệ với đòi hỏi của Tu chính án số 4 về sự cần thiết phải có lệnh khám xét và giam giữ.

Học thuyết "nhu cầu đặc biệt" được Tối cao Pháp viện thiết lập từ năm 1989 trong một phán quyết cho phép kiểm tra chất kích thích với những công nhân đường sắt, kết luận việc xâm phạm một chút quyền riêng tư được biện hộ bởi nhu cầu loại bỏ nguy cơ to lớn hơn với công chúng.

Theo nhiều chuyên gia pháp lý, việc diễn dịch như thế mang nhiều ý nghĩa, bởi FISC sử dụng một lĩnh vực pháp lý tương đối hẹp, dùng để biện minh cho việc kiểm tra tại sân bay hoặc kiểm tài xế say rượu, và áp dụng nó một cách bí mật cho lĩnh vực rộng lớn hơn là thu thập thông tin liên lạc để truy tìm các nghi can khủng bố.

Việc áp dụng ngoại lệ với Tu chính án số 4 hiện là một trong những chủ đề pháp lý hiện gây tranh cãi tại Mỹ sau những tiết lộ về chương trình do thám của NSA.

Ngoài ra, cũng có những nghi ngờ về trách nhiệm giải trình và sự độc lập của FISC. Theo tờ New York Times, toàn bộ 11 thẩm phán có nhiệm kỳ bảy năm hiện nay của FISC đều do Chánh án Tối cao Pháp viện John G. Roberts Jr. bổ nhiệm và 10 người trong số đó được đề cử bởi các tổng thống đảng Cộng hòa.

“Một người có thể thắc mắc hợp lý rằng liệu tiến trình này có thích hợp với một tòa án độc lập. Và liệu các chánh án vốn bổ nhiệm thẩm phán cho FISC có đưa ra quyết định đúng”, chuyên gia luật an ninh quốc gia Stephen I. Vladeck thuộc Đại học Mỹ ở Washington nói với đài phát thanh DW.

Các chuyên gia luật cũng nêu ra lo ngại về việc liệu hoạt động của FISC có đủ tính tranh tụng. Các yêu cầu được chính phủ trình ra FISC hiếm khi bị bác bỏ. Theo Trung tâm Thông tin Bí mật cá nhân Điện tử, nhánh hành pháp đã nộp 1.856 đơn yêu cầu do thám cho tòa án trong năm 2012 và không có đơn nào bị bác.

Ông Vladeck khuyến nghị bổ sung một luật sư đặc biệt vào FISC và trách nhiệm duy nhất của người này là tranh cãi mọi yêu cầu của chính phủ. Tuy nhiên, ông Vladeck cho rằng Quốc hội sẽ chẳng màng đến việc cải cách tòa án.

“Đây cũng chính là Quốc hội đã tái gia hạn Đạo luật FISA Sửa đổi vào năm ngoái mà không nháy mắt. Nên thật khó để tôi không bi quan”, ông Vladeck nói.

Sơn Duân

>> Edward Snowden có tài liệu gây 'ác mộng' cho Mỹ
>> Nam Mỹ phản ứng mạnh vụ Snowden
>> Edward Snowden xuất đầu lộ diện, xin tị nạn ở Nga
>> Edward Snowden sẽ tiếp xúc với các nhà hoạt động nhân quyền
>> Mỹ - Trung bất đồng sâu sắc về Snowden
>> Vụ Edward Snowden giảm nhiệt, WikiLeaks hụt tiền
>> Snowden xin tị nạn tại Venezuela
>> Edward Snowden: Tình báo Mỹ, Đức và nhiều nước khác “nằm chung giường”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.