Là một huyện thuộc vùng bán sơn địa của tỉnh An Giang, ngoài địa hình núi đồi, Tri Tôn còn quyến rũ khách gần xa nhờ những cánh đồng đẹp như tranh vẽ.
|
Khung cảnh hoang sơ
Chúng tôi đến chùa Wat Phnum Tà Pạ (cách thị trấn Tri Tôn khoảng 2 km), đứng tại đền Phật Lớn, tựa người vào thành lan can, phóng tầm mắt về phía trước để thấy được bao quát khung cảnh núi non xen lẫn với đồng bằng. Phía sau chùa, theo con đường lót đá xanh chẻ, trét xi măng, luồn giữa hai hàng cây mua, bằng lăng đến mùa trổ bông tím ngắt, chúng tôi tiếp tục leo lên đồi Tà Pạ. Ngọn đồi này hiện cao khoảng 20 m. Xưa kia, nó cao đến trên trăm mét, sau thời gian dài khai thác đá, chỉ còn lại ngọn đồi Tà Pạ với độ cao “khiêm tốn” như vậy. Nhưng may mắn thay, bàn tay phá núi của con người đã để lại một ngọn đồi đẹp hoang sơ với những vách đá cao như tường thành có nhiều vạch ngang dọc như vết khắc thời gian; cột đá cao lêu khêu in trên nền trời xanh bao la; những tảng đá màu gan gà hình thù quái dị… Trong khoảng đất này có một hồ sâu chừng 7 m, nước lúc nào cũng xanh ngăn ngắt. Ở đây, vào mùa khô, gió núi thổi tan cái nóng bức của mặt trời. Mùa mưa, khí hậu mát mẻ, dễ chịu bao phủ không gian trầm mặc.
Cánh đồng lúa mênh mông dưới chân núi Tô hùng vĩ - Ảnh: Phương Kiều |
Thú vị hơn cả là đứng trên đồi Tà Pạ, trải rộng tầm mắt về phía trước quan sát cánh đồng rộng mênh mông dưới chân đồi, nơi thì xanh mướt màu lúa đương thì con gái, nơi thì vàng óng ả một vùng lúa đang chờ gặt, có chỗ lại vàng ươm những chân rạ... Trên cánh đồng bao la đó, mấy chòm cây thốt nốt lay động ngọn lá trong ánh nắng mặt trời chói chang. Tất cả đều nằm dưới chân ngọn núi hùng vĩ xanh ngắt cây rừng. Đó là núi Tô, cao 614 m, chu vi 14.375 m. Thật ra núi Tô bao gồm cả đồi Tà Pạ. Đây là một trong bảy ngọn núi thuộc dãy “Thất Sơn hùng vĩ”. Buổi chiều, khi hoàng hôn buông xuống, khói bếp nhà ai trên sườn núi mờ tỏa trong khói lam dâng lên từ cánh đồng. Buổi sáng tinh mơ cũng vậy, mây hay khói quyện trắng trên đầu núi… Nhìn về núi Tô, rõ mồn một tảng đá lớn nằm trơ trọi giữa màu xanh của núi rừng. Tảng đá ấy là Vồ Hội, một điểm linh thiêng, vì tương truyền có dấu chân tiên in trên đó.
Độc đáo ruộng “trên”
Ruộng Tà Pạ có diện tích khoảng 50 ha, với trên 100 hộ đồng bào dân tộc Khmer trồng lúa. Từ hàng trăm năm nay, người Khmer chỉ làm lúa 1 vụ, gọi là lúa mùa. Ngày nay, người ta canh tác 2 hoặc 3 vụ trên 4 dạng ruộng: ruộng trên, ruộng triền bưng, ruộng co bưng và ruộng bưng. Ruộng trên là loại ruộng canh tác trên triền núi, trồng lúa đặc vụ. Tri Tôn là mảnh đất không ngập vào mùa nước nổi, kết cấu đất pha cát bao quanh chân núi nên trồng được loại lúa này. Lúa đặc vụ Tà Pạ gồm 3 loại: nếp than, Nàng Nhen và lúa Sóc. Đặc điểm của lúa Sóc và lúa Nàng Nhen không giống các loại lúa cao sản hiện nay. Hai loại lúa này chịu hạn tốt, ít bị sâu bệnh, không sử dụng phân vô cơ, chủ yếu dùng phân trâu bò, không phun thuốc bảo vệ thực vật, phát triển nhờ nước mưa… Nhờ vậy mà hạt gạo từ lúa Sóc và lúa Nàng Nhen có thân thon, mảnh, bóng, trắng, tỷ lệ tấm thấp, không bị gãy vỡ trong quá trình xay xát. Khi nấu chín, hạt cơm nở đều theo chiều dài, nguyên vẹn, có vị ngọt dịu, thoảng mùi thơm của đất đai vùng Bảy Núi.
“Trong tương lai, Tri Tôn sẽ đầu tư khai thác du lịch tại đây”, ông Đỗ Minh Trí, Phó chủ tịch H.Tri Tôn, cho biết. Đó là một việc làm nhằm tránh lãng phí tài nguyên du lịch của vùng đất này. Ngoài tham quan ruộng bậc thang ở Tà Pạ, du khách còn có dịp đến viếng chùa, hồ trên đồi Tà Pạ, xem lễ hội đua bò Bảy Núi, thưởng thức gạo đặc sản, món cháo bò độc đáo thơm mùi trái trúc... Giữa không gian yên bình, khung cảnh nơi đây sẽ tạo cho du khách những ấn tượng khó quên.
Phương Kiều
>> Về Tri Tôn thưởng thức gỏi sầu đâu
Bình luận (0)