“Khán giả phải được ăn cái mà họ thích”

29/06/2013 03:10 GMT+7

Ông Trần Văn Hùng - Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư điện ảnh Vina (Vinacinema) đã nghẹn ngào phát biểu tại Hội nghị góp ý Dự thảo đề án chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vào sáng 28.6.

13 ý kiến sâu sắc, thiết thực đã được đóng góp trong hội nghị tổ chức tại TP.HCM với nội dung đa dạng và tranh cãi.

Mong vé xem phim hạ giá

Ông Trần đã bật khóc khi nói tới vùng sâu, vùng xa nơi phim ảnh vẫn chưa có điều kiện được đưa xuống đầy đủ. Theo ông Hùng: “Khán giả phải được ăn cái mà người ta thích, chứ không phải ăn cái mà người khác bắt ăn” và cần phải nhanh chóng phổ cập phim chiếu đồng loạt trên toàn quốc, điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ số hóa. Ông cũng cho biết 47 rạp phim trên tổng dự kiến là 55 rạp đã được số hóa, 8 tỉnh hiện đã sử dụng kỹ thuật số cho đội phim lưu động và Vinacinema đảm bảo phim truyện Việt Nam sẽ được trình chiếu.

 
Bộ phim Mùi cỏ cháy chỉ được tặng cho tỉnh Quảng Trị, chưa có điều kiện được chiếu rộng rãi cả nước - Ảnh: T.L

NSND - đạo diễn Đào Bá Sơn cho rằng cần phải tập trung phát triển hệ thống rạp. Ông dẫn chứng giá vé xem phim hiện nay ở nước ta là quá cao, chỉ có thể phục vụ giới trung lưu. “Rất cần hệ thống rạp đầu tư vừa phải, giá vé trung bình chỉ khoảng từ 10.000 - 20.000 đồng để dân nghèo đều có thể xem phim”, ông đưa ý kiến.

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên cũng nhất trí rằng thị trường điện ảnh Việt Nam không chỉ phục vụ cho các đô thị lớn. “Làm sao để công bằng cho các địa phương. Một nền điện ảnh Việt chỉ mạnh khi các chân rết mạnh. Các tỉnh, địa phương vẫn rất thích phim Việt Nam, bản thân tôi cũng vậy. Các địa phương vẫn dành quỹ đất để làm rạp nhưng làm rạp như thế nào, quản lý như thế nào để hiệu quả, cân đối với nhiều thứ khác? Vấn đề đầu tư cho các rạp ở tỉnh là cấp thiết nhưng có phim để chiếu hay không lại là một vấn đề”, ông nói.

Đào tạo ở nước ngoài

Đạo diễn Lê Hoàng đề nghị nên tập trung trước hết vào việc đào tạo nhân tài điện ảnh ở nước ngoài và cần hạn chế đầu tư vào kỹ thuật hiện đại đồng bộ (trừ rạp phim) để tránh lãng phí và không sử dụng hết công suất. “Nếu không đi học ở nước ngoài thì chúng ta sẽ mãi quanh quẩn trong ao làng cả về mặt tư duy lẫn sáng tạo. Cần phát triển chiến lược về con người, đào tạo ít nhất 10 người/năm tại các nền điện ảnh tiên tiến như Nga với mức học phí điện ảnh khá rẻ, trung bình chỉ 10.000 USD/năm”.

Đạo diễn Đào Bá Sơn lại cho rằng cần kíp gửi người đi nước ngoài (đặc biệt là Hàn Quốc) học ngành sản xuất phim vì đây là một mắt xích quan trọng góp phần phát triển điện ảnh. Bên cạnh đó, “muốn trò giỏi cần có thầy cô giáo giỏi”, cần nâng cấp bồi dưỡng đào tạo cho đội ngũ giáo viên điện ảnh và nâng cao lương giảng dạy.

Thiếu người quản lý chợ phim

Đại diện Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai ta thán: “Thị trường điện ảnh hiện nay như một cái chợ không người quản lý. Hơn 60% dân số cả nước không được xem phim như ở đô thị. Cần thành lập hiệp hội phát hành phim để thay cho hoạt động của FaFilm trước đây, cũng như mở rộng thêm nhiều dịch vụ khác”.

Ông Nguyễn Thái Hòa - Giám đốc Hãng phim Giải Phóng, cho rằng cần tăng thêm một bước về xã hội hóa điện ảnh bằng cách thành lập hiệp hội điều phối phim ở các nơi vì hiện nay phần lớn phim chỉ tập trung tại TP.HCM và Hà Nội.

Ngọc Bi

>> Nhiều "bom tấn" đổ bộ rạp phim Việt mùa hè
>> Chờ đợi gì phim Việt ?
>> Vì sao phim Việt thất thế trên sân nhà ?
>> Phim Viet Costas: Citizenship undefined đoạt giải nhất
>> Liên hoan phim Việt - Hàn lần thứ 1
>> Phim Việt thời thiếu vai để đời: Bỏ phí người tài!
>> Phim Việt thiếu vai diễn để đời
>> Vào mùa phim Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.