(TNO) Lạ lùng thật sự, vì chương trình của nghệ sĩ Hồng Nga chỉ gói gọn trong phòng trà Nam Quang, không quảng cáo, thông tin báo chí gì cả, vậy mà khán giả ùn ùn đi xem đến nỗi không đủ vé bán. Và khán giả đã ưu ái nghệ sĩ theo cách mà họ từng làm đối với cải lương.
Hồng Nga là cô đào độc lẳng nổi tiếng của cải lương từ thời còn trẻ măng đóng chung với NSƯT Thanh Sang.
Nay bà đã hơn 60 tuổi nhưng hơi ca và diễn xuất vẫn mạnh mẽ, hấp dẫn lạ kỳ. Cho nên mỗi lần bà xuất hiện là khán giả bị chinh phục.
Bà đã mấy lần làm live show, nhỏ có, lớn có, nhưng đặc biệt lần nào cũng dùng toàn bộ tiền lãi trao tặng nghệ sĩ nghèo.
|
Lần này cũng vậy, đêm 1.2.2013 tại phòng trà Nam Quang, 155 triệu đồng đã được dành cho những đồng nghiệp khốn khó của bà tại Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ, Ban Ái hữu Nghệ sĩ, Chùa Nghệ sĩ.
Bà mỉm cười: “Tôi tri ân khán giả và đồng nghiệp đã ủng hộ tôi, thì tôi mới hoàn thành tâm nguyện”.
Có đi xem mới thấy tấm lòng khán giả thật dễ thương. Giá vé 600.000 đồng thời buổi này không phải là lớn nhưng cũng không nhỏ, vậy mà họ đến mua và chăm chú thưởng thức từng làn hơi vọng cổ.
Vậy đã là tri âm với nghệ sĩ rồi. Nhưng họ còn quan tâm tới nghệ sĩ một cách trực tiếp, khiến khán phòng nóng lên, sôi nổi trong một thứ tình cảm gì đó thật gần gũi, khó nói.
Khi NSƯT Diệu Hiền xuất hiện với câu vọng cổ Tần Quỳnh khóc bạn và Nhuỵ Kiều tướng quân, cả rạp vỡ òa tiếng vỗ tay, xuýt xoa thán phục. Và mấy chục phong bao màu hồng đã trao tận tay nghệ sĩ Diệu Hiền.
Đó là tiền lì xì, cũng có thể gọi là hỗ trợ, vì khán giả biết rất rõ Diệu Hiền bị bệnh nặng cả chục năm nay hoàn cảnh rất khó khăn.
Đến lượt danh hài Vũ Đức bước ra sân khấu cũng vậy, anh được khán giả lên tận sàn diễn trao tặng những phong bao hồng cảm động.
Vũ Đức bị tai biến não, đi đứng nói năng đều giảm sút, không biểu diễn được nữa. Hồng Nga mời anh đến để khán giả có cơ hội hỗ trợ. Đôi bên tay bắt mặt mừng vì đã rất lâu không gặp lại.
Cải lương là như thế. Có một sự giao thoa lạ lùng giữa nghệ sĩ và khán giả. Người ta không chỉ đến xem vở diễn, mà còn đến “thăm” nghệ sĩ của mình.
Hát bội ngày xưa có cây quạt để khán giả kẹp tiền vào đó mà thưởng cho nghệ sĩ hát hay, hoặc nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn, thì cải lương cũng có những phong bì và thùng từ thiện đặt ngay trước sân khấu để khán giả làm nghĩa cử đẹp.
Cải lương vốn cảm xúc trực tiếp, là gần gũi thân tình, nên cư xử với nhau không cần giữ kẽ. Có thể ai đó chưa quen, hoặc lấy cách nghĩ, cách nhìn hiện đại mà đánh giá, nhưng cải lương vẫn tồn tại như thế, và đẹp trong cái tình nghệ thuật mang một chút hơi hướm quê nhà…
Hoàng Kim
>> Cải lương rút ngắn
>> Trao giải giọng ca cải lương giải Cao Văn Lầu
>> Cải lương vào phòng trà
>> Cải lương sống trên internet
>> Cải lương loay hoay làm mới
>> Chuyên thi hát cải lương - Mong cơ hội đổi đời
Bình luận (0)