• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Bạn cần biết Tiện ích Liên hệ
Theo dõi báo trên
Thời trang nghề & nghiệp

Khăn rằn mang lại bình an và may mắn

23/03/2021 19:00 GMT+7

Không chỉ gắn bó với người nông dân Nam bộ lam lũ ngoài ruộng, ngày nay, khăn rằn còn là quà tặng lưu niệm; là phụ kiện thời trang duyên dáng và đầy phong cách của giới trẻ.

Khăn… cầu an
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu lịch sử, chiếc khăn rằn vốn có nguồn gốc từ văn hóa của người Khmer Nam bộ. Chiếc khăn rằn sơ khai chỉ đơn giản với sọc caro đen - trắng, về sau này, khăn rằn được biến tấu thêm 2 màu cơ bản là sọc caro trắng - đỏ và sọc xanh - trắng. Lý giải về nguồn gốc của khăn rằn, người ta cho rằng, những sọc caro ô vuông đặc trưng xuất phát từ tín ngưỡng của người Khmer theo đạo Hindu thờ vị thần bảo tồn Vishnu. Thần Vishnu luôn cưỡi trên mình rắn thần Naga bảy đầu nhưng lại là vị thần hiền hòa, đôn hậu luôn che chở cho con người. Vì lòng tôn kính thần Vishnu, người Khmer đã dệt ra chiếc khăn Krama (giống như khăn rằn - PV) với những ô caro tựa như vô vàn chiếc vảy trên bộ da của rắn thần Naga bảy đầu. Người ta tin rằng khi có chiếc khăn Krama bên mình cũng giống như có thần Vishnu và rắn thần Naga ở bên che chở và mang lại sự may mắn, bình an cho bản thân.
Dệt khăn rằn thủ công rất công phu và phải trải qua nhiều công đoạn mới ra thành phẩm. 
 
Ở Nam bộ, sự giao thoa về văn hóa đã dần đưa chiếc khăn rằn trở thành vật dụng mà cả dân tộc Khmer, Kinh, Hoa và Chăm đều sử dụng. Với người Kinh, khăn rằn cùng với áo bà ba, nón lá trở thành bộ ba gần như luôn đi cùng. Cách sử dụng khăn rằn cũng hết sức đa dạng. Không chỉ để phụ nữ che nắng, che mưa, lau những giọt mồ hôi cơ cực, khăn rằn còn để những cô gái trẻ làm duyên, làm dáng. Những phụ nữ đứng tuổi như cô Ba, cô Sáu, dì Bảy thì thường quấn khăn rằn sọc đỏ - trắng trên đầu. Những thiếu nữ chưa chồng thì thường chọn khăn rằn sọc xanh - trắng tươi tắn hơn để choàng cổ, vắt hờ qua vai.
Khăn rằn đi cùng với áo bà ba tôn lên vẻ đẹp duyên dáng, mộc mạc của người con gái miền Tây. 
 
Cánh đàn ông mỗi khi đi ruộng thì dùng khăn rằn đen - trắng cột ngang trán vừa ngăn mồ hôi làm cay mắt vừa giữ cho búi tóc không rơi xuống mặt lúc lao động. Khăn còn được đàn ông cột ngang hông để gọn gàng tà áo, thắt chặt lưng quần; chiếc khăn rằn cột ngang người còn để giắt nông cụ như búa, liềm, lưỡi hái… Ở nhà, chiếc khăn rằn còn làm khăn tắm; các bà mẹ trẻ dùng làm võng, địu con, quấn đắp giữ ấm cho trẻ… Có lẽ cũng vì mang ý nghĩa cầu an lành, may mắn nên khăn rằn được mọi tầng lớp sử dụng; không chỉ gắn bó với người dân lao động lam lũ mà cũng là vật dụng gần gũi của giới nhà giàu có, những địa chủ, trung lưu…
Quà tặng và phong cách thời trang
Theo ông Phạm Thanh An, Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt choàng Long Khánh, xã Long Khánh A, Hồng Ngự, Đồng Tháp, một trong những địa chỉ dệt khăn rằn lớn nhất ĐBSCL hiện nay, chính những sọc caro đặc trưng của khăn rằn đã tạo nên vẻ đẹp giản dị và không lỗi thời cho khăn rằn. Đặc biệt, với ý nghĩa biểu trưng Nam bộ, hiện khăn rằn còn là quà lưu niệm rất được yêu thích. Còn nhớ, trong cuộc thi Miss Grand International 2018, á hậu Bùi Phương Nga đã dành tặng khăn rằn cho tất cả thí sinh khác như một món quà truyền thống gửi tới bạn bè quốc tế. Ngày nay, trong các sự kiện giao lưu quốc tế, khăn rằn cùng với áo dài, nón lá cũng thường xuyên xuất hiện như một hình ảnh của truyền thống, văn hóa. Trong các hoạt động văn hóa, du lịch, nghệ thuật biểu diễn, các cuộc thi ở khắp các tỉnh, thành ĐBSCL, khăn rằn cũng dường như không thể thiếu.
Mang ý nghĩa biểu trưng Nam bộ nên hiện nay khăn rằn là một trong những món quà lưu niệm miền Nam được yêu thích. 
Ông An cũng chia sẻ, quy trình để làm ra chiếc khăn rằn truyền thống cũng rất công phu, qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là xả những cuộn chỉ lớn thành những búi nhỏ, sau đó cho chỉ vào nồi nhuộm màu rồi phơi trên giàn. Tiếp đến là công đoạn lên bột hồ cho chỉ, quấn chỉ vào những con thoi đưa lên khung dệt rồi mới dệt thành những tấm vải khăn rằn. Công đoạn cuối cùng mới là cắt khăn rằn thành từng chiếc lẻ. “Nhờ chất hồ quện vào sợi chỉ mà việc dệt khăn trở nên dễ dàng hơn. Khi sử dụng, bột hồ khiến khăn hơi cứng nhưng càng sử dụng, qua vài lần giặt, khăn sẽ trở nên mềm mại hơn”, ông An nói.
Bà Huỳnh Thị Hồng Sen, chủ cửa hàng quà tặng miền Tây chuyên bán các sản phẩm khăn rằn (Khu du lịch Căn nhà Màu tím, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ), cho biết gần đây, khăn rằn đã có sự cách tân mạnh mẽ, không chỉ về hình thức, màu sắc mà chất liệu sợi chỉ để dệt khăn cũng đa dạng hơn.
Ở miền Tây, khăn rằn bán ra thị trường hiện có thể chia làm 3 loại là khăn truyền thống, khăn Nam bộ và khăn Campuchia (giống như khăn Nam bộ thường dệt bằng chỉ nhập khẩu từ Campuchia - PV). “Khăn truyền thống thì dệt mỏng, sợi thường chỉ 35% cotton nên khăn sẽ hơi cứng, chiều dài khăn thường từ 1,3 - 1,7 m, ngang 40 - 60 cm, giá bán trên thị trường 15.000 - 30.000 đồng/cái. Đây chính là loại khăn xưa kia thường được người dân sử dụng khi đi ruộng, làm đồng, ngày nay thì được dùng nhiều làm đạo cụ trình diễn. Còn khăn rằn Nam bộ và khăn rằn Campuchia là 2 loại cao cấp hơn thường dệt bằng chỉ 100% cotton, chiều dài khăn thường là 1,6 m, ngang 40 - 60 cm, giá bán từ 40.000 - 60.000 đồng/cái. Điểm nổi trội của hai loại khăn này là vải mềm, mát, dệt dầy hơn nên thường được dùng để làm quà cũng như để sử dụng hằng ngày”, bà Sen cho biết. Bên cạnh sự cách tân về chất liệu và màu sắc hiện nay, vải khăn rằn còn được biến tấu để may áo dài cách tân cho cả nam và nữ, may cà vạt, băng đô cài tóc, may nón vành rộng, đầm, giỏ xách, giỏ quải, túi xách tay...
Có lẽ, hiếm có phụ kiện mang giá trị truyền thống nào có sự cách tân đa dạng vừa giữ được nét đẹp xưa vừa thích nghi tốt với nhu cầu sử dụng như khăn rằn. Vậy nên cũng thật dễ hiểu khi khăn rằn ngày nay đã vượt qua giá trị sử dụng thông thường để trở thành quà lưu niệm ý nghĩa, là phụ kiện thời trang đầy phong cách được yêu thích.
Ảnh: Đình Tuyển
Top
Top