Hơn 20 năm gắn bó với nghề thêu, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng hiểu rõ sự tinh xảo và giá trị văn hóa mà nghề thủ công này mang lại. Tuy nhiên, chị cũng chứng kiến sự suy giảm rõ rệt trong sức sống của các làng nghề truyền thống.
Bàn với chồng (chủ thương hiệu Hằng Khoa Art, Nguyễn Thái Học, Hà Nội), chị quyết định mở workshop thực hành nghề ngay tại cửa hàng tranh của gia đình. Ban đầu chị mở các lớp ngắn hạn dành cho các bà nội trợ, công viên chức, sinh viên yêu thích nghệ thuật thủ công để gìn giữ nghề, lan tỏa tình yêu với nghệ thuật thêu tay.
Bên cạnh các lớp học phong trào là lớp học dành cho các "chuyên gia" như các nhà thiết kế (NTK), sinh viên chuyên ngành cần làm đồ án tốt nghiệp, chủ thương hiệu, công ty thời trang. Từ chỗ là những chuyên gia thuê thợ thêu làm hàng, các "ông, bà chủ" trở thành… học viên của những người "thợ làng".
NTK Tạ Thúy (thương hiệu áo dài Tạ Thúy, Long Biên, Hà Nội) cho biết, trước giờ vẫn đặt hàng thợ để thêu áo. Gần đây, nhu cầu khách hàng thay đổi, đòi hỏi những sản phẩm sống động hơn, tinh xảo hơn. Do đó, để đổi mới, chị Thúy tìm đến lớp học của nghệ nhân.
"Có nhiều khác biệt thú vị. Đầu tiên là sự tâm huyết của những người sinh ra đã sống trong bầu không khí làm nghề của làng nghề. Tiếp đến là sự kỹ lưỡng, tỉ mỉ, trau chuốt trong từng đường kim, mũi chỉ. Đặc biệt là sự tường tận gốc tích từng loại hoa văn, họa tiết - theo cách của những người thợ làng (mỗi một loại đều gắn với một câu chuyện văn hóa sống động). Điều đó khiến mình được tiếp thêm năng lượng sáng tạo và cảm hứng sáng tác", NTK Tạ Thúy chia sẻ.
"Cách chọn chỉ, phối màu của những người thợ lâu năm không chỉ chứa bao kinh nghiệm thực tế mà còn là tình yêu của họ với nghề. Nó khiến cho mỗi cánh hoa, chiếc lá thật hơn, sinh động hơn. Điều này khó có thể có được ở các lớp học hiện đại, công nghiệp", NTK Tạ Thúy nói tiếp.
Nghệ thuật thêu tay cổ hiện rất hút các bạn trẻ
ẢNH: HẰNG KHOA ART
Khơi nguồn cảm hứng
Được xem là điểm mới mẻ trong xu hướng thời trang gần đây, các lớp dành riêng cho những người hoạt động trong lĩnh vực thời trang chuyên nghiệp có mức học phí từ 700 đến hơn 1.000 USD. Không đơn thuần là nơi hướng dẫn kỹ thuật thêu tay, các lớp học này còn là cầu nối đưa các nhà thiết kế, chủ thương hiệu và những sinh viên chuyên ngành đến gần hơn với làng nghề cùng văn hóa địa phương.
Các học viên được học từ kỹ thuật thêu từ cơ bản đến nâng cao, được chia sẻ các bí kíp làm nghề của làng, được đi thực tế để khám phá phong tục, nề nếp sinh hoạt địa phương. Qua đó, họ hiểu thêm ý nghĩa sâu sắc của từng họa tiết, hoa văn truyền thống, ứng dụng tốt hơn trên sản phẩm cũng như làm cho sản phẩm có hồn hơn nhờ tính thực tế.
Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng, trang trí, đính kết thủ công là kỹ năng quan trọng của người làm nghề thời trang. Những lớp học này không chỉ là nơi học kỹ thuật mà còn giúp các bạn trẻ trong ngành khám phá nền tảng thẩm mỹ truyền thống, xây dựng nguồn cảm hứng bền vững cho con đường sáng tạo của mình.
ẢNH: NGHỆ NHÂN NGUYỄN THỊ HẰNG
Lớp học của các nghệ nhân, thợ làng nghề có kiến thức thực tế sinh động, bổ sung nguồn "cảm hứng sống"
ẢNH: QUẢNG HÀ
Với sinh viên chuyên ngành, nhất là những người đang hoàn thiện đồ án tốt nghiệp hoặc tìm kiếm hướng đi mới thì lớp học của các nghệ nhân là một trải nghiệm thực tế hữu ích. Họ không chỉ học kỹ thuật thêu mà còn được tham quan xưởng, nghe kể về lịch sử làng nghề và khám phá nét đẹp văn hóa truyền thống.
Chị Thu (thợ thêu thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chia sẻ: "Có nhiều bạn sinh viên trẻ qua người quen, qua thông tin online tìm về tận làng để học nghề từ chúng tôi. Không cần bàn ghế, sách vở, ngay tại các khung thêu chúng tôi dạy họ cách ứng dụng của từng hoa văn, họa tiết trên từng loại vải, theo từng kiểu thêu, mũi thêu khác nhau. Làm nghề đã hơn 20 năm, tôi thấy ngày càng có nhiều người tìm về làng để học. Họ muốn tận mắt thấy thực tế, tận mắt chứng kiến nhịp làm nghề nhộn nhịp của làng chúng tôi. Học thực tế tuy ít thời gian mà hiệu quả lại cao".
"Nhiều bạn trẻ Việt kiều, du học sinh ngành thời trang cũng tìm đến lớp học. Họ tranh thủ kỳ nghỉ về nước học rất say sưa. Tôi tin rằng kiến thức về văn hóa, mỹ thuật truyền thống mà mình đã tích lũy được và chia sẻ sẽ là nền tảng vững chắc để các bạn tự tin giới thiệu với bạn bè quốc tế", nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng bày tỏ.
Không đơn thuần là một khóa học, lớp học "ngàn đô" có đan cài phần thực hành tại làng nghề của các nghệ nhân còn là cầu nối văn hóa, giúp gìn giữ và phát triển giá trị của làng nghề thêu tay truyền thống giữa bối cảnh giao thoa của truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa địa phương và xu hướng quốc tế.