Bao cao su, gel bôi trơn giả trị giá hơn 6 tỉ đồng
Theo đó, Viện cấp cao 3 đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ án Trương Chí Thành và đồng phạm phạm tội “sản xuất, buôn bán hàng giả” theo hướng: sửa một phần bản án sơ thẩm, không áp dụng điều 54 bộ luật Hình sự (BLHS) khi quyết định hình phạt đối với bị cáo Trần Xuân Nam, Đặng Lê Duy; tăng hình phạt đối với 2 bị cáo này và bị cáo Trương Chí Thành. Đồng thời, kháng nghị cũng đề nghị hủy một phần bản án về xử lý vật chứng để xét xử lại theo hướng tiêu hủy toàn bộ bao cao su giả...
Theo bản án sơ thẩm, Trương Chí Thành mua công cụ, phương tiện, máy móc, bao bì, nhãn mác để sản xuất và buôn bán bao cao su giả, gel bôi trơn giả các nhãn hiệu nổi tiếng trên thị trường (Durex, K-Y); thuê bị cáo Nguyễn Thị Lệ Uyên, Trần Xuân Nam sản xuất bao cao su và gel bôi trơn giả; thuê bị cáo Đặng Lê Duy trông coi và giao hàng. Khi ra thành phẩm, ban đầu Thành bán cho khách hàng có nhu cầu, sau đó chỉ bán cho bị cáo Phạm Thanh Truyền.
Đến ngày 29.5.2019, lực lượng công an phát hiện và bắt quả tang các bị cáo đang thực hiện hành vi phạm tội và tiến hành lập biên bản. Kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP.HCM xác định tất cả vật chứng thu giữ đều là hàng giả, và theo kết quả định giá tài sản, toàn bộ hàng giả tương đương số lượng hàng thật là gần 6,4 tỉ đồng.
Xử sơ thẩm hồi tháng 1.2021, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Trương Chí Thành 8 năm tù về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả”; Phạm Thanh Truyền 7 năm tù, Đặng Lê Duy 3 năm tù cùng về tội “buôn bán hàng giả”; Trần Xuân Nam, Nguyễn Thị Lệ Uyên cùng 3 năm tù về tội “sản xuất hàng giả”.
Tuy nhiên, sau khi kiểm sát hồ sơ, Viện cấp cao 3 kháng nghị cho rằng cấp sơ thẩm xử phạt các bị cáo nhẹ, không nghiêm; có vi phạm về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và vi phạm quy định về xử lý vật chứng.
Đề nghị tăng hình phạt
Cụ thể, về hình phạt đối với bị cáo đầu vụ Trương Chí Thành, theo Viện cấp cao 3, Thành phạm tội với tổng giá trị hàng giả tương đương với hàng thật là gần 6,4 tỉ đồng, gấp hơn 12 lần số tiền định khung hình phạt tại điểm a khoản 3 điều 192 BLHS (từ 500 triệu đồng trở lên, khung hình phạt từ 7 - 15 năm tù); hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, xâm phạm đến chính sách quản lý thị trường của nhà nước, đồng thời xâm phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng và người sản xuất hàng thật. Vì vậy, cần tăng hình phạt đối với Thành để có sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm nói chung.
Về quyết định hình phạt dưới mức khung thấp nhất của khung hình phạt đối với Trần Xuân Nam, Đặng Lê Duy, theo Viện cấp cao 3, hai bị cáo này là người giúp sức tích cực cho Thành và là người trực tiếp thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả; 2 bị cáo chỉ có một tình tiết giảm nhẹ là “thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải”, không đủ điều kiện áp dụng điều 54 BLHS về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng. Nhưng cấp sơ thẩm áp dụng khoản 1 điều 54 BLHS để xử 2 bị cáo 3 năm tù (thuộc khoản 1 điều 192 BLHS), dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là trái pháp luật và vi phạm nghiêm trọng, trong khi 2 bị cáo bị xét xử theo khoản 3, khung hình phạt từ 7 - 15 năm tù.
Đối với bị cáo Nguyễn Thị Lệ Uyên, theo Viện cấp cao 3, bị cáo này có 2 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 điều 51 BLHS, đủ điều kiện áp dụng khoản 2 điều 54 BLHS (xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật - PV). Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt, bản án sơ thẩm lại áp dụng khoản 1 điều 54 đối với Uyên là trái pháp luật.
Giải quyết vụ án không triệt đểVề vật chứng, theo Viện cấp cao 3, trong vụ án, CQĐT thu giữ nhiều vật chứng là công cụ, phương tiện, máy móc... dùng để sản xuất bao cao su, gel bôi trơn giả và nhiều sản phẩm là bao cao su, gel bôi trơn giả. Nhưng bản án không đề cập đến việc xử lý đối với số vật chứng này là giải quyết vụ án không triệt để, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giải quyết vụ án hình sự.
|
Bình luận (0)