Theo sử sách, năm 1328, đề đốc Thủy quân Lê Văn Đạt (thời nhà Trần) là người đã phát hiện ra các hòn đảo có yến làm tổ ở vùng biển Bình Khang (đảo yến ngày nay). Ông được suy tôn là Thủy tổ nghề yến sào Việt Nam.
Kế nghiệp Thủy tổ là An phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang, Đinh trưởng Bích Đầm cùng con gái Lê Thị Huyền Trâm, Đại đô đốc Thủy quân Tây Sơn - đảm nhiệm sứ mệnh bảo vệ, phát triển các đảo yến. Trong đó, mọi người không quên khắc ghi ngày 10.5 âm lịch năm 1793 - thời điểm Đại đô đốc Lê Thị Huyền Trâm cùng cha và các tướng sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền và các đảo yến. Từ đó, người dân suy tôn bà là Đảo Chủ Thánh Mẫu và lập miếu thờ trên đảo Yến.
Ông Nguyễn Anh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Yến Sào Khánh Hòa (đơn vị tổ chức Lễ hội), cho biết để tưởng nhớ đến công đức lớn lao của Thủy tổ, Thánh Mẫu và các vị tiền bối đã sáng lập, phát triển ngành nghề yếu sảo, Công ty vững tin tiếp bước trên con đường mà các vị tiền hiền, tiền bối đã tâm huyết xây dựng.
Với ý nghĩa đó, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Công ty Yến Sào Khánh Hòa luôn nêu cao trách nhiệm phải gìn giữ, phát huy, tôn tạo giá trị truyền thống của ngành nghề, phát triển ngành nghề yến sào ngày càng vững mạnh.
Hàng năm, Lễ hội Yến Sào được tổ chức vào ngày ngày 10.5 âm lịch. Đây là dịp để cán bộ công nhân viên công ty, cựu cán bộ các thế hệ của Yến Sào Khánh Hòa và các tỉnh thành cả nước gặp gỡ, ôn lại truyền thống ngành nghề yến sào, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tạo sự đoàn kết trong toàn ngành nghề yến sào.
Qua quá trình xây dựng và phát triển, Yến Sào Khánh Hòa đã tạo dựng được thương hiệu uy tín trong nước và vững bước vươn ra tầm thế giới. Hiện nay với hơn 40 dòng sản phẩm cao cấp, Yến Sào Khánh Hòa đã có mặt tại 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng hơn 1.000 nhà phân phối, đại lý trong và ngoài nước.
Bình luận (0)