Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề Lời Người ánh dương dẫn lối do Bộ Công an chỉ đạo thực hiện nhân kỷ niệm 75 năm công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy; 75 năm Ngày truyền thống xây dựng lực lượng công an nhân dân (11.3.1948 - 11.3.2023) và đón nhận các phần thưởng của Nhà nước.
Chương trình được thực hiện với sự chỉ đạo nghệ thuật và kịch bản của ThS Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam; có sự tham gia trình diễn của các ca sĩ, nghệ sĩ kịch nói, nghệ sĩ múa như: NSƯT Thanh Tâm, ca sĩ Khánh Linh, Đông Hùng, Lâm Bảo Ngọc, Khắc Tiệp, Lê Tuân, Kim Long, Đăng Hòa, NSƯT Hoàng Yến, NSƯT Phi Điệp, nhóm Dòng thời gian cùng tập thể nghệ sĩ Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM, Nhà hát kịch Công an nhân dân, Maison de dance, Muse Academy.
Chương trình gồm 3 chương. Chương 1 với chủ đề "Dưới bóng cây cách mạng", gợi lại chặng đường lịch sử và sứ mệnh người công an cách mạng, từ bức thư Bác Hồ gửi đồng chí Hoàng Mai năm 1948 với 6 điều dạy tư cách người công an nhân dân đã dẫn đường cho lực lượng xây dựng và trưởng thành, bằng các ca khúc như: Bác Hồ một tình yêu bao la, Bài ca Hồ Chí Minh, Dưới bóng cây cách mạng.
Chương 2 là vở nhạc kịch Vinh quang trên vai những người anh hùng - là điểm nhấn của toàn bộ chương trình.
Vở nhạc vũ kịch ca ngợi hình tượng những người anh hùng lực lượng vũ trang công an Việt Nam đã sống, chiến đấu, hy sinh theo 6 điều Bác Hồ dạy trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; khắc họa một phần nhỏ không gian lịch sử dân tộc thời kháng chiến chống Mỹ xoay quanh hoạt động cách mạng của đại tá Tô Quyền, nguyên Phó ban An ninh tỉnh Tây Ninh, trong chiến dịch "Quyết tử giữ Gò Dầu" và "Trận càn Junction City" năm 1967.
Biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ: "Trong không khí kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, tôi vinh dự được Cục Công tác Đảng và công tác chính trị (Bộ Công an) mời với vai trò tác giả kịch bản và tổng đạo diễn cho lễ kỷ niệm 75 năm 6 điều Bác Hồ dạy lực lượng vũ trang công an nhân dân.
Được có cơ hội sáng tác về Bác nên tôi luôn đi tìm những thủ pháp nghệ thuật gần gũi nhất, giản dị nhất, đời nhất, mộc mạc nhất, dễ nhớ mà đầy đủ, đúng như tinh thần ở bức thư Bác Hồ gửi cán bộ, chiến sĩ công an năm 1948".
Cũng thông qua chương 2, nghệ sĩ Tuyết Minh muốn khắc họa hình tượng cao quý, sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ công an nhân dân trên mọi mặt trận.
Chương 3 là "Lời Bác ánh dương dẫn lối" gồm các tác phẩm: Công an nhân dân khắc ghi lời Bác, Hoa Đá, Ta sẽ hồi sinh, Người chiến sĩ của lòng dân và Việt Nam trong tôi là, cùng với những phóng sự ẩn dụ nghệ thuật, phỏng vấn những giáo sư, nhà nghiên cứu khoa học trong lực lượng công an có nhiều công trình nghiên cứu về học tập tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh; những tấm gương trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tại những điểm "nóng", vị trí chiến lược về an ninh...
Sự chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, hội nhập của công an nhân dân trong nước và quốc tế; sứ mệnh và hình ảnh của công an nhân dân nói riêng, hình ảnh đất nước, con người, dân tộc Việt Nam nhân văn nói chung với bạn bè quốc tế qua việc công an Việt Nam có mặt tham gia cứu nạn sau thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ…
Chương trình diễn ra khoảng 100 phút, trong đó 45 phút cho nghệ thuật và 55 phút cho phần lễ chính theo nghi thức cấp Nhà nước của Bộ Công an.
Các ca từ trong chương trình giúp người xem hiểu thêm về trang sử vàng truyền thống 75 năm xây dựng lực lượng công an nhân dân Việt Nam, tạo nên những cảm xúc đẹp đẽ, tự hào về những người anh hùng vũ trang nhân dân bình dị và thầm lặng.
Bình luận (0)