Khánh thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giúp TP.HCM đi TP.Cần Thơ trong 2 giờ

24/12/2023 13:32 GMT+7

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khánh thành giúp rút ngắn 50 km từ TP.HCM đến thủ phủ miền Tây so với hiện nay. Thời gian đi chỉ trong khoảng 2 giờ.

Mảnh ghép cuối cùng giúp hoàn chỉnh cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Ngày 24.12, tại Vĩnh Long, Bộ GTVT tổ chức lễ khánh thành dự án (DA) đầu tư xây dựng cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1. Tham dự có Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là DA thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, do Ban quản lý (BQL) DA Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Quy mô giai đoạn 1 hoàn chỉnh 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ.

Khánh thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giúp TP.HCM đi TP.Cần Thơ trong 2 giờ- Ảnh 1.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng các đại biểu cắt băng khánh thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

THANH DUY

DA có chiều dài 23 km, đi qua địa bàn 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp. Điểm đầu tại Km107+363 (P.Tân Hòa, TP.Vĩnh Long, Vĩnh Long), kết nối với DA cầu Mỹ Thuận 2; điểm cuối tại Km130+337 (TX.Bình Minh, Vĩnh Long), kết nối với QL1 tại nút giao Chà Và.

Xem nhanh 12h ngày 24.12: Khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 được khởi công vào tháng 1.2021, phân kỳ đầu tư 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Sau gần 3 năm thi công đã cơ bản hoàn thành, dự kiến sẵn sàng lưu thông tuyến chính vào 25.12.2023.

DA cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và DA cầu Mỹ Thuận 2 là hai mảnh ghép cuối cùng hoàn thiện tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn từ TP.HCM đến TP.Cần Thơ dài 120 km. Hai dự án đưa vào khai thác có nhiều ý nghĩa trong giảm thiểu ùn tắc, rút ngắn 50 km từ TP.HCM đi thủ phủ miền Tây, tương đương thời gian đi khoảng 2 giờ, thay vì 3,5 giờ như trước đây.

Khánh thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giúp TP.HCM đi TP.Cần Thơ trong 2 giờ- Ảnh 2.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dự kiến thông xe tuyến chính ngày 25.12.2023

THANH DUY

Đóng góp quan trọng nữa của cao tốc là giúp hoàn thiện tuyến hành lang giao thông trục dọc ĐBSCL. Qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, khu - cụm công nghiệp phát triển tốt hơn. Trong đó, tiềm năng bậc nhất là các tỉnh, thành Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Cần Thơ.

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, chia sẻ: " Đối với Vĩnh Long, 2 DA cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 khi đưa vào khai thác sẽ giúp tỉnh tạo ra dư địa, không gian phát triển mới, động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh thu hút mời gọi đầu tư; góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, 2 DA này còn có ý nghĩa lớn hơn khi trong thời gian tới, phối hợp các DA cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giúp Vĩnh Long tăng cường kết nối với các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển trong vùng".

Khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 - cầu dây văng do người Việt Nam thiết kế, xây dựng

Nâng vận tốc tối đa lên 90 km/giờ

Theo Bộ GTVT, nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư và năng lực khai thác DA, Bộ đã chỉ đạo các chủ đầu tư, các cơ quan chuyên môn rà soát, đánh giá ngay trong quá trình thực hiện DA và quyết định tốc độ khai thác tối đa tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là 90 km/giờ. Đồng thời, để đảm bảo khai thác đồng bộ toàn tuyến từ TP.HCM - Cần Thơ, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã chấp thuận nâng tốc độ tối đa tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận lên 90 km/giờ.

Khánh thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giúp TP.HCM đi TP.Cần Thơ trong 2 giờ- Ảnh 3.

Cao cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thiện giúp tuyến đường TP.HCM đi Cần Thơ rút ngắn thời gian đi chỉ còn 2 giờ

THANH DUY

Về phương án tổ chức giao thông trên cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cục Đường bộ Việt Nam quy định các phương tiện được lưu thông trên tuyến với vận tốc tối đa 90 km/giờ, tối thiểu 60 km/giờ. Các phương tiện lưu thông bảo đảm khoảng cách ghi trên biển chỉ dẫn là 100m.

Theo Bộ GTVT, mặc dù thời gian qua việc thi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ rất nỗ lực, huy động tối đa máy móc thiết bị và nhân lực, tập trung thi công 3 ca 4 kíp. Tuy nhiên, do khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, năng lực cung ứng nguyên vật liệu dẫn đến một số hạng mục đường gom, đường dẫn của DA chưa kịp hoàn thiện. Sau khi thông xe tuyến chính cao tốc, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo quyết liệt khắc phục khó khăn, hoàn thành các hạng mục còn lại và trạm dừng nghỉ để DA khai thác đồng bộ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.