Sáng 19.5, tại TP.Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang long trọng tổ chức lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ và quảng trường Hồ Chí Minh.
Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và địa phương...
Tượng đài Bác Hồ và quảng trường Hồ Chí Minh tọa lạc P.Dương Đông, TP.Phú Quốc, với tổng diện tích 7,45 ha. Theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, công trình có ý nghĩa chính trị, văn hóa và lịch sử sâu sắc, đặc biệt là nơi tôn vinh công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã được UNESCO vinh danh "anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới".
Đối với miền Nam, Bác Hồ luôn có tình cảm yêu thương đặc biệt sâu nặng. Trong trái tim Người luôn có một miền Nam thành đồng Tổ quốc, đi trước về sau... Từ ý nghĩa đó, tỉnh Kiên Giang đã đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan T.Ư chọn "Miền Nam trong trái tim tôi" làm chủ đề cho công trình tượng đài Bác Hồ và phù điêu tại Phú Quốc.
Tượng đài Bác Hồ được thể hiện bằng ngôn ngữ điêu khắc tập trung diễn tả, khắc họa hình tượng vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới với sự giản dị, chan hòa, gần gũi. Tượng Bác đặt tay phải lên ngực trái thể hiện ý nghĩa tình cảm sâu nặng của Bác Hồ dành cho đồng bào miền Nam qua câu nói "Miền Nam trong trái tim tôi".
Quảng trường nơi đặt tượng đài Bác Hồ với quy mô 7,45 ha tại khu vực trung tâm đô thị, thương mại - dịch vụ, cảng biển hành khách quốc tế, khu hành chính tập trung mới của thành phố Phú Quốc - nơi sinh hoạt vui chơi, giải trí của người dân trên đảo.
Tượng Bác được đúc bằng hợp kim đồng, tổng chiều cao 20,7 m (trong đó; thân tượng cao 18 m, đế tượng cao 0,3 m và bệ tượng cao 2,4 m). Phía sau lưng tượng đài là bức phù điêu hai mặt, chạm nổi, dài 63 m, nơi cao nhất 10,8 m, nằm trên bệ cao 1,2 m. Phù điêu gồm 484 tấm đá trắng ghép lại với nhau. Bên cạnh đó, kết hợp với đền thờ, nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà đón tiếp, sân quảng trường và nhiều hạng mục khác tạo thành một quần thể công trình có ý nghĩa chính trị, văn hóa to lớn và sâu sắc, mang tầm quốc gia và quốc tế.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, cho biết Đảng bộ và nhân dân tỉnh Kiên Giang sẽ làm tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy giá trị của công trình hiệu quả, thiết thực, để nơi đây trở thành điểm đến của tất cả người dân trong nước và bạn bè quốc tế khi đến với Phú Quốc, Kiên Giang, đến với Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa tin tưởng và mong rằng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Kiên Giang và TP.Phú Quốc sẽ luôn tự hào, trân quý, quan tâm giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị của công trình tượng đài Bác Hồ và quảng trường Hồ Chí Minh thật tốt, xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân, của Đảng và Nhà nước. Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cũng lưu ý, cần quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Phú Quốc gắn với sự phát triển của tỉnh Kiên Giang, vùng ĐBSCL, của miền Nam và cả nước.
Bình luận (0)