Khảo cổ học “nhón chân” vào thế giới phẳng

29/09/2012 03:05 GMT+7

“Nhìn lại một năm, khảo cổ học va chạm nhiều hơn với những vấn đề kinh tế xã hội và nhất là những vấn đề quốc tế”, PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ nói bên lề Hội nghị thông báo khảo cổ học diễn ra ngày 27 và 28.9 tại Hà Nội.

Chùm câu chuyện di sản thế giới

PGS-TS Tống Trung Tín không giấu tự hào: “Nhìn lại năm qua, khảo cổ học như là những câu chuyện hết lớp này đến lớp kia về di sản văn hóa thế giới”.

Tại di sản của 1.000 năm Hà Nội, cuộc khai quật khu vực xung quanh nền điện Kính Thiên được thực hiện để làm rõ hơn khuôn mặt toàn diện của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Khai quật do Viện Khảo cổ học phối hợp với Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội tiến hành trên quy mô nhỏ nhưng bước đầu đã phát lộ nhiều dấu tích quan trọng như nền sân gạch thời Lê, thành bậc chạm rồng… Cạnh đó, sân nền lát gạch vuông thời Nguyễn cũng được tìm thấy. Một Kính Thiên phức tạp và phong phú hiển hiện dần.

Khảo cổ học “nhón chân” vào thế giới phẳng 
Tàu đắm ở Bình Châu (Quảng Ngãi) nhắc lại khoảng trống khảo cổ học dưới nước tại Việt Nam  - Ảnh: PGS-TS Nguyễn Đình Chiến cung cấp

Di sản UNESCO Thành nhà Hồ cũng liên tiếp có phát hiện khảo cổ mới. Không chỉ là kiến trúc với con đường lát đá dài rộng Hoàng Gia mà còn cả dấu tích của động vật giúp hình dung phần nào cuộc sống.

Một di sản khác, hiện đang đưa vào “tầm ngắm” làm hồ sơ di sản văn hóa thế giới là thành Cổ Loa cũng có nhiều phát hiện về kiến trúc. Những cấu trúc thành và hiện vật thu được cho thấy một chính thể kiểu nhà nước bản địa và địa phương đã xuất hiện trong giai đoạn Đông Sơn trước khi nhà Hán đến đô hộ. Sự bề thế của công trình phòng thủ này cũng cho thấy đây chắc chắn phải là trung tâm chính trị ở một cấp độ cao, với lực lượng quân sự hùng mạnh và sự quản lý kiểu nhà nước, tập trung hóa cao.

 

“Vắng mặt 13 bảo tàng Tây Bắc vì trùng ngày với Lễ hội văn hóa vùng này, Hội nghị thông báo khảo cổ học năm nay vẫn có khoảng 500 báo cáo, tăng gần 100 bài so với năm ngoái. Đặc biệt, số báo cáo tăng này chủ yếu ở các địa phương. Điều đó cho thấy, khảo cổ học đang đóng góp quan trọng trong việc giúp địa phương hoạch định các phương án bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, xếp hạng và phát huy giá trị của di tích, di sản”.

TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam

Sau khảo cổ học lịch sử, khảo cổ học thời đại đá cũng bắt tay vào làm hồ sơ di sản văn hóa thế giới. Đó là khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình). Từng chỉ được nhấn mạnh vào thế mạnh thiên nhiên khi làm hồ sơ di sản, giờ đây, chính các chuyên gia nước ngoài đã tư vấn rằng, Tràng An không thể trở thành di sản nếu thiếu nghiên cứu, khẳng định cuộc sống con người ở đó. Hồ sơ Tràng An lên đường sang tới UNESCO cách đây vài ngày cũng là nhờ sự dốc sức của nhóm chuyên gia đứng đầu là PGS-TS Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ. Năm nay, có tới 4 báo cáo về khu danh thắng này tại Tiểu ban Đá của hội nghị. 

Đường dài với địa phương

Bước chân ra thế giới không chỉ bằng các hồ sơ di sản, khảo cổ học Việt Nam năm qua tiếp tục mở cửa cho các nhà khảo cổ học nghiên cứu Việt Nam. TS Nishimura Masanari cũng tham gia khảo cổ ở Tràng An, Ninh Bình. Nhóm nghiên cứu thành Cổ Loa làm việc với nhóm chuyên gia đại học từ Mỹ…

Nhưng đường dài của khảo cổ học vẫn là chuyện tiếp xúc với địa phương để nhìn nhận vấn đề của họ. Bởi di tích khảo cổ, trước, trong và sau khi đào vẫn là của địa phương, sống với dân địa phương. Thấy rất rõ có những phát hiện tại địa phương như bia đá cổ tại Bắc Ninh có tới 4 báo cáo nghiên cứu, chiếm gần nửa buổi thảo luận tại Tiểu ban Khảo cổ học lịch sử. Vì thế, việc đẩy mạnh khảo cổ học cộng đồng (gần như người dân làm khảo cổ) là việc làm cần tiếp tục sau những nền móng ban đầu. “Chúng tôi vẫn tiếp tục các chương trình khảo cổ học cộng đồng mà Hội Khảo cổ học đã phối hợp thực hiện”, TS Giang Hải - Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết.

Có lẽ vấn đề nan giải nhất với khảo cổ học năm qua chính là thế bị động của khảo cổ học dưới nước. Ngoài tàu đắm, “to chuyện” nhất là tàu Bình Châu (Quảng Ngãi), năm qua khảo cổ học phát hiện một loạt tàu khác như tàu trên sông Lô, tàu trên sông Mã. Tuy nhiên, việc thực hiện khảo cổ học dưới nước hiện rất khó khăn. Các nghiên cứu tàu của chúng ta cũng chưa dày. Còn nhớ, năm 2005, khi khai quật Hoàng thành Thăng Long, một con tàu (chứ không phải thuyền độc mộc) đã được tìm thấy. Tuy nhiên, do điều kiện bảo quản và nghiên cứu chưa thuận, con tàu này đã được lấp, bảo tồn khẩn cấp, chỉ lưu lại ảnh chụp tỷ lệ tương ứng. “Chúng tôi vẫn chỉ đang ở giai đoạn xúc tiến thành lập bộ phận nghiên cứu khảo cổ học dưới nước”, TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết.

Trinh Nguyễn

>> Nhà thờ Giáng sinh trở thành di sản thế giới
>> Phiến quân Hồi giáo Mali phá hủy di sản thế giới
>> Đưa dân ca xứ Nghệ thành di sản thế giới
>> Các địa điểm được đề nghị công nhận di sản thế giới tại Palestine
>> Hội Gióng trở thành Di sản thế giới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.