(TNO) Ngày 27.1, tại Nhà khách Quốc hội số 165 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM, ông Trần Khắc Tùng – Giám đốc Trung tâm ICS đã công bố kết quả khảo sát sơ bộ tình hình cộng đồng người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (LGBT).
Một đôi đồng tính nữ tham gia hoạt động của cộng đồng LGBT trong ngày 27.1 - Ảnh: Như Lịch
|
Theo ông Tùng, có 44% (trên tổng số 3.214 người LGBT tại Việt Nam tham gia khảo sát) khẳng định xã hội hiện nay “thay đổi nhiều và tích cực” khi đánh giá về cộng đồng LGBT; 37% người LGBT tự tin sống thật hơn; 20% cho rằng Nhà nước và chính phủ bắt đầu nhìn nhận cộng đồng này; 10% cho là có nhiều hoạt động chính thống cho người LGBT.
Mặc dù vậy, vẫn còn 47% người LGBT cho biết họ vẫn còn chịu sự kỳ thị ngoài xã hội, 44% bị kỳ thị trong trường học, 39% bị kỳ thị trong gia đình, 21,4% bị kỳ thị ở nơi làm việc. Bên cạnh đó, có 33% nhìn nhận họ đã không tìm được ai hỗ trợ; gần 10% có ý nghĩ “thà chết còn hơn” trong một khoảng thời gian khá dài, 23% chán nản, tuyệt vọng; 20% thấy căng thẳng, mệt mỏi; 47% không biết rõ có nhiễm HIV/AIDS và 46% không biết rõ có nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục hay không, vì chưa đi xét nghiệm bao giờ…
Mạng lưới phụ huynh và người thân cộng đồng LGBT VN (gọi tắt là PFLAG) chính thức ra mắt ngày 27.1 - Ảnh: Như Lịch
|
Đặc biệt, có đến 75% người LGBT được khảo sát cho rằng họ cần dịch vụ tư vấn tâm lý; 67% cần dịch vụ hỗ trợ pháp lý; 61% cần những buổi gặp mặt kết nối ở địa phương; 59% cần những sự kiện công cộng về LGBT, 52% có nhu cầu chia sẻ, tập huấn kiến thức…
Dịp này, Mạng lưới phụ huynh và người thân cộng đồng LGBT Việt Nam (gọi tắt là PFLAG) đã chính thức ra mắt với thông điệp “Lan tỏa yêu thương, hướng đến bình đẳng”, nhằm góp xóa bỏ kỳ thị, vận động quyền bình đẳng của người LGBT và gia đình họ.
Bình luận (0)