Rất thuận lợi vì đã có sẵn mặt bằng
Tại buổi làm việc của Ban Quản lý dự án 7, Bộ GTVT (chủ đầu tư) với UBND tỉnh Long An về tiến độ mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương mới đây, đơn vị tư vấn đã đề xuất phương án mở rộng tuyến cao tốc nối TP.HCM với Long An và Tiền Giang lên 8 làn xe, 2 làn khẩn cấp với tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng, dự kiến khởi công vào 2025 và hoàn thành sau 2 năm. Thông tin này đang làm nức lòng người dân bởi tiếng là cao tốc song tốc độ thực tế của con đường này chẳng khác gì so với đường quốc lộ.
Đưa vào khai thác từ tháng 2.2010, cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 61,9 km theo quy hoạch là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120 km/giờ, mặt cắt ngang tuyến chính 8 làn cơ giới và 2 làn dừng xe khẩn cấp. Việc đưa vào khai thác tuyến cao tốc này giúp thời gian đi từ TP.HCM tới Tiền Giang được rút ngắn chỉ còn khoảng 30 phút, thay vì 90 phút như trước đó. Thế nhưng từ 2019 khi tuyến đường dừng thu phí, lượng xe đi qua tăng khoảng 30%, với hơn 50.000 lượt xe mỗi ngày đêm khiến cao tốc thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn. Cơ quan quản lý đã phải giảm tốc độ tối đa từ 120 km/giờ xuống còn 100 km/giờ, tốc độ tối thiểu từ 80 km/giờ chỉ còn 60 km/giờ. Theo đơn vị tư vấn, khi mở rộng, cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ đạt tốc độ thiết kế 120 km/giờ, tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 200 ha đã được giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 1.
Tại buổi làm việc, tỉnh Long An kiến nghị chủ đầu tư sớm chỉnh trang, sửa chữa 2 nút giao cao tốc tại TP.Tân An và H.Bến Lức đã bị xuống cấp. Đồng thời, địa phương này cũng đề nghị khi mở rộng cao tốc cần có đường kết nối với H.Thủ Thừa bởi nơi đây có khu, cụm công nghiệp quy mô hàng nghìn héc ta.
Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM đánh giá việc mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương là vô cùng cấp bách. Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đi qua địa phận TP.HCM, tỉnh Long An và Tiền Giang là một phần của dự án đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ. Đây là tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía tây của TP.HCM kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ.
Hiện nay, lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến rất lớn. Quy mô đầu tư giai đoạn 1 của tuyến chính và các tuyến nối được tính toán cách đây hơn 10 năm đến nay không đáp ứng với sự gia tăng của phương tiện và nhu cầu đi lại của người dân, thường xuyên ùn tắc giao thông đặc biệt là các dịp lễ, tết, cuối tuần, không đảm bảo cho việc kết nối vùng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương giai đoạn này khá thuận lợi bởi giai đoạn 1 đã đầu tư tuyến chính 4 làn xe cơ giới và 2 làn dừng xe khẩn cấp; tuyến nối Bình Thuận - Chợ Đệm và Tân Tạo - Chợ Đệm đã đầu tư 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, đồng thời đã giải phóng mặt bằng theo mặt cắt ngang quy hoạch.
Kỳ vọng cao tốc TP.HCM - Trung Lương mở rộng
Ngoài ra, TP.HCM đang tập trung, ưu tiên nguồn lực cho 2 dự án gồm phối hợp với các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai đầu tư đường Vành đai 3 TP.HCM; phối hợp với tỉnh Tây Ninh đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Vì thế, khi mở rộng tuyến cao tốc này chỉ cần bố trí vốn thực hiện thi công, xây lắp, còn mặt bằng đã có sẵn. "Khi hoàn thành, dự án được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải từ các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ đi TP.HCM, vùng Đông Nam bộ và các tỉnh, thành cả nước", lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM nhấn mạnh.
Xóa nỗi ám ảnh tuyến cao tốc "rùa bò"
Vui mừng trước thông tin mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương, ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh, cho biết nhu cầu vận chuyển hàng hóa giữa TP.HCM và khu vực miền Tây rất lớn. Giai đoạn trước, mỗi tháng, riêng Công ty Lâm Vinh nhận chạy hàng trăm chuyến hàng chở gạo, hàng xuất khẩu, nhập khẩu về miền Tây đi qua tuyến đường này. Tuy nhiên, hầu hết tài xế đều ám ảnh bởi tuyến đường nhỏ hẹp, tuy là cao tốc nhưng không thu phí nên không được bảo trì, bảo dưỡng cẩn thận, chất lượng đường kém, cực kỳ nguy hiểm.
Tuyến đường đã dễ xảy ra tai nạn, lại bí bách chỉ trong 4 làn xe, quá nhỏ hẹp nên mỗi lần có va chạm là tài xế phải xếp hàng dài nhiều kilômét, ùn tắc nghiêm trọng. Vì thế, rất nhiều tài xế xe tải chở hàng đã phải chọn giải pháp đi đường quốc lộ như Công ty Lâm Vinh, tuy tốc độ chậm hơn, nhiều giao cắt, nhiều phương tiện nhưng an toàn hơn. Thậm chí, đôi khi đi quốc lộ còn nhanh hơn nếu cao tốc có tai nạn, kẹt xe.
"Cao tốc TP.HCM - Trung Lương mà mở rộng lên 8 làn xe thì quá tuyệt vời. Thời gian đi nhanh hơn, doanh nghiệp vừa tiết kiệm được thời gian, nhiên liệu, chi phí, vừa tăng được tần suất, tối ưu hóa hoạt động vận tải. Không chỉ cao tốc TP.HCM - Trung Lương mà các tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận hay TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây… cũng vậy, càng sớm mở rộng bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu. Hạ tầng giao thông phía nam hiện đã quá bí bách rồi. Đường sá thông thoáng, thuận lợi sẽ mở đường cho giao thương, vận tải phát triển", ông Lâm Đại Vinh đánh giá.
Anh Nguyễn Hữu Vinh, tài xế xe cứu thương từ thiện ở TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), cũng "thở phào" khi nghe tin tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương sắp mở rộng lên 8 làn xe. Hằng ngày chở bệnh nhân lên TP.HCM cấp cứu, thường xuyên bắt gặp các xe dân sự chạy vào làn dừng khẩn cấp, điều anh Vinh trông mong nhất là tuyến đường sau khi mở rộng sẽ được siết chặt quản lý, xóa triệt để tình trạng xe máy chạy vào đường cao tốc, người đi bộ vượt ngang tuyến chính. "Đường mở rộng, hạn chế tối đa nguy cơ gây tai nạn thì xe mới dám chạy nhanh, mới phát huy hết được lợi ích của đường cao tốc", anh Vinh nói.
Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM Hà Ngọc Trường cũng đề nghị cần xem xét kỹ quá trình thực hiện, đẩy nhanh được khâu nào, rút ngắn được khâu nào thì phải làm triệt để, mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương càng sớm càng tốt. Theo ông Trường, hiện tất cả hệ thống tín hiệu cảnh báo, đảm bảo an toàn ở hai bên cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã bị hư hỏng, trong thời gian chờ mở rộng cần cấp bách tăng cường các hệ thống tín hiệu. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm vào các đoạn đường tránh nạn để các phương tiện gặp sự cố có chỗ tạm dừng chờ cứu hộ. Đồng thời, tăng cường các biện pháp kiểm soát các loại xe, không để xe có khuyết điểm, hư hỏng chạy vào đường cao tốc, đặc biệt là các loại xe tải. Phải kiểm soát chặt chẽ, và phạt thật nặng những hành vi vi phạm như đi bộ, xe máy chèn vào đường cao tốc trong khi chờ mở rộng.
TP.HCM khởi công đường Vành đai 3 vào ngày 18.6
UBND TP.HCM vừa thông qua kế hoạch tổ chức "Lễ khởi công dự án xây dựng đường Vành đai 3 - Đoạn qua TP.HCM" vào ngày 18.6. Theo báo cáo của Sở GTVT, Sở TN-MT, các địa phương và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban Giao thông - chủ đầu tư dự án), đến nay đã có tổng cộng 335/410 ha đất cần thu hồi phục vụ thi công đường Vành đai 3 được 4 địa phương thu hồi để bàn giao cho chủ đầu tư (đạt tỷ lệ 81.5%, cao hơn so với mục tiêu đặt ra là 70% vào 15.6).
Đặc biệt, có những địa phương có tỷ lệ thu hồi - bàn giao đất rất cao, vượt chỉ tiêu như H.Hóc Môn đạt 93%, H.Bình Chánh đạt 86%. Bên cạnh yêu cầu về mặt bằng đã được đảm bảo, công tác đấu thầu lựa chọn các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát… cũng đang được triển khai đúng theo tiến độ, đảm bảo các đơn vị sẽ triển khai đồng loạt công tác thi công trên địa bàn 4 địa phương ngay sau lễ khởi công, hướng tới mục tiêu thông xe toàn tuyến Vành đai 3 vào cuối năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2026.
H.Mai
Tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận cũng cần sớm triển khai mở rộng
Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, đề xuất: "Không chỉ cao tốc TP.HCM - Trung Lương, tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận cũng cần sớm triển khai thực hiện mở rộng giai đoạn 2 để vận hành thông suốt toàn tuyến cao tốc từ TP.HCM đi miền Tây. Mau chóng hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc theo đúng quy hoạch với tầm nhìn dài hạn về quy mô là giải pháp bền vững để giảm thiểu tai nạn giao thông, xóa bỏ hình ảnh những tuyến cao tốc rùa bò".
Bình luận (0)