Khát nước giữa... mùa mưa!

21/11/2018 07:14 GMT+7

Trong khi tỉnh Khánh Hòa đối mặt lũ dữ thì hàng loạt hồ chứa thủy điện và thủy lợi tại nhiều tỉnh ở miền Trung lại trơ đáy ngay trong mùa mưa lũ.

Bộ TN-MT vừa có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Phú Yên và TP.Đà Nẵng về việc đảm bảo nguồn nước cấp cho hạ du trong mùa cạn năm 2019.
Mọi năm, dòng sông phía dưới đập thủy điện Sông Tranh luôn đầy nước. Năm nay, khô cạn do thiếu mưa ẢNH: HỮU TRÀ
Mọi năm, dòng sông phía dưới đập thủy điện Sông Tranh luôn đầy nước. Năm nay, khô cạn do thiếu mưa ẢNH: HỮU TRÀ
Mực nước chết trong mùa lũ
Theo đó, hiện nay trên các lưu vực sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh và lưu vực sông Ba đang trong thời kỳ mưa lũ. Tuy nhiên, từ đầu mùa lũ đến nay, trên các lưu vực sông trên không có mưa, lũ dẫn đến hầu hết các hồ chứa lớn, quan trọng đều có mực nước rất thấp. Thậm chí, một số hồ đang ở mực nước chết.
Theo số liệu tổng hợp sơ bộ, đến nay lượng nước tích được của các hồ đạt tỷ lệ rất thấp (chỉ từ 20 - 45%), nếu so với yêu cầu lượng nước tối thiểu vào đầu mùa cạn cũng mới chỉ đạt 35 - 50%. Cùng với đó, theo nhận định xu thế thủy văn các tháng cuối năm thì lượng mưa trên khu vực Trung bộ và Tây nguyên có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 50%. Vì vậy, nếu từ nay đến cuối năm tình hình mưa lũ không có những đột biến đáng kể thì nguy cơ thiếu nước ngay trong mùa lũ vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp đến cuối năm 2018 và sang đầu năm 2019 cũng sẽ rất nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Sơn, Phó giám đốc Công ty thủy điện Sông Bung, cho hay vì lượng nước về hồ quá ít nên từ ngày 16.10 - 14.11, thủy điện Sông Bung 4 (thượng nguồn sông Vu Gia) đã tách khỏi thị trường và ngừng phát điện. “Nếu vẫn phát điện cùng lúc xả nước thì khả năng thiếu nước 2019 trầm trọng hơn”, ông Sơn nói.
Liên quan việc đảm bảo nguồn nước trong mùa cạn 2019, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành đề nghị UBND các tỉnh, thành trên các lưu vực sông tại miền Trung - Tây nguyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình mưa lũ trên lưu vực, dòng chảy trên sông, dòng chảy đến hồ...; ưu tiên việc tích nước của các hồ chứa. Bên cạnh đó, rà soát cụ thể yêu cầu sử dụng nước từ nay đến cuối mùa lũ ở hạ du các hồ chứa và có phương án bố trí kế hoạch, thời gian lấy nước phù hợp nhằm hạn chế các hồ phải xả nước để cấp nước cho hạ du trong mùa mưa lũ để nâng cao khả năng tích nước của các hồ chứa (trong trường hợp không có lũ về), bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và dự trữ nguồn nước cho mùa cạn cuối năm 2018 - đầu năm 2019. (Hoàng Sơn)

Một thủy điện khác trên sông Vu Gia là A Vương cũng đang thiếu nước nghiêm trọng. Ông Ngô Xuân Thế, Phó tổng giám đốc Công ty CP thủy điện A Vương, cho biết từ năm 1977 đến nay, lượng nước về hồ hiện ở mức thấp nhất.
Thủy điện lớn khác nằm trên thượng nguồn sông Thu Bồn là Sông Tranh cũng đón lượng nước thấp kỷ lục. Ông Vũ Văn Lân, Phó giám đốc Công ty thủy điện Sông Tranh, cho biết: “Lưu lượng nước về hồ tháng 10.2018 là 70 m3/giây, bằng 27% trung bình nhiều năm. Tháng 11, trong khi giữa mùa lũ lưu lượng về còn thảm hơn, với 43,5 m3/giây, chỉ bằng 10% trung bình nhiều năm. Sau 45 năm, năm nay nước về thấp kỷ lục”, ông Lân ngao ngán.
Nỗi lo chung của nhiều tỉnh
Đến nay, lẽ ra tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đón một vài cơn lũ so với chu kỳ hằng năm, nhưng bao người dân cố đô vẫn “dài cổ” ngóng chờ. Bởi ngoại trừ những đợt lũ dữ, đột biến gây thiệt hại sản xuất, nguy hiểm cho con người thì các cơn lũ còn lại mang nhiều giá trị, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. “Năm nay lũ hầu như không xảy ra khiến không chỉ ít phù sa vun bồi sau lũ, mà lo nhất là chuột và sâu bọ. Cùng với đó, tình hình này e mùa vụ tới nguồn nước cũng rất căng, nhất là cho nông nghiệp”, ông Nguyễn Cường (45 tuổi), một chủ nông trại ở xã Quảng Lợi, H.Quảng Điền, lo lắng.
Nỗi lo về những đợt lũ không xuất hiện theo đúng chu kỳ cũng đã khiến các hồ chứa thủy điện, thủy lợi tại Thừa Thiên-Huế có nguy cơ “trơ đáy”. Đài khí tượng thủy văn tỉnh cho hay từ đầu mùa mưa đến nay, ở hai huyện miền núi của tỉnh lượng mưa rất thấp. Các hồ thủy điện, thủy lợi trọng điểm đều nằm trong mực nước chết.
Ngày 17.11, tại hồ chứa nước Phú Vinh - nơi cung cấp phần lớn nước sinh hoạt và sản xuất cho TP.Đồng Hới (Quảng Bình), chúng tôi ghi nhận mực nước xuống thấp kỷ lục, trơ chân các cống đập; nhân viên vận hành cho biết mực nước thấp hơn bình quân hằng năm khoảng 5 m. Hiện nguồn nước sản xuất nông nghiệp vụ đông - xuân 2018 - 2019 không đảm bảo, có khoảng 3.360 ha diện tích không đủ nước tưới. Theo Đài khí tượng thủy văn Quảng Bình, từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa ở các trạm chỉ đạt 60% tổng lượng mưa trung bình nhiều năm, riêng tháng 10 chỉ đạt 36% so với trung bình nhiều năm.
Cùng cảnh ngộ, tỉnh Quảng Trị vừa chỉ đạo ban hành một loạt giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh năm 2018 - 2019. Hiện nay, tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh là 1.300 mm, đạt 53% so với trung bình các năm. Vì thế, 16 hồ đập lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đều có mức trữ nước rất thấp, có hồ lượng nước tích trữ đạt chưa đến 30%. Ông Lê Quang Lam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Trị, nhận định nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước ngay từ đầu vụ đông xuân năm 2018 - 2019 đang hiện hữu.
Dự báo, năm nay với hiện tượng El Nino, nguy cơ hạn hán ở các tỉnh miền Trung là rất cao. Từ nay đến cuối năm 2018, chỉ có 1 - 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, nhưng ít có khả năng ảnh hưởng đến đất liền...
Nguy cơ mất trắng vụ Đông Xuân
Theo ông Vũ Văn Lân, với tình hình hiện nay, thủy điện Sông Tranh đã chủ động xin ý kiến các cơ quan để giảm phát điện nhằm tích nước cho năm 2019. “E rằng Hội An sẽ nhiễm mặn rất nặng, thậm chí là cả khu vực H.Duy Xuyên. Chúng tôi báo cáo xin ý kiến Quảng Nam lập kế hoạch điều tiết cho năm 2019, đặc biệt phục vụ tưới tiêu khu vực hạ du, tiết kiệm nước tối đa để vụ đông xuân 2019 có nước đổ ải, chứ nguy cơ vụ đông xuân sắp tới mất trắng”, ông Lân cảnh báo.
Đồng quan điểm, ông Ngô Xuân Thế thông tin thêm theo quy trình vận hành liên hồ, hôm 15.11, thủy điện A Vương đã được tích nước. Tuy nhiên, nếu không có văn bản của các cấp có thẩm quyền thì thủy điện vẫn phải thực hiện lệnh điều độ của hệ thống điện. Tình hình thiếu nước để điều tiết trong mùa khô sắp tới sẽ rất gay gắt, căng thẳng.
Vừa qua, tại cuộc làm việc với Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT), các chủ hồ chứa thủy điện lớn trên địa bàn Quảng Nam cũng đồng loạt kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có văn bản để có phương án tích nước sớm tại các hồ. Trong trường hợp năm 2019 hạn hán khốc liệt, ngành thẩm quyền cần có chỉ đạo vừa vận hành vừa xả nước phù hợp.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), lúc 13 giờ ngày 20.11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) cách bờ biển miền Trung Philippines khoảng 300 km về phía đông đông nam. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 25 km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 13 giờ ngày 22.11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,5 độ vĩ bắc và 115,0 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 80 km về phía đông. Vùng tâm bão, sức gió mạnh nhất đạt cấp 8 - 9, giật cấp 11. Khu vực từ Quảng Ngãi trở vào đến Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ là những tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão.
Bên cạnh đó, không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão dự báo gây mưa to đến rất to từ Quảng Trị trở vào đến Bình Thuận, khu vực các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, phần phía bắc của các tỉnh miền Đông Nam bộ. Mưa lớn được dự báo nhiều khả năng sẽ kéo dài liên tục từ ngày 23 - 28.11, trọng tâm mưa lớn sẽ là các tỉnh từ Quảng Trị trở vào đến Bình Thuận với tổng lượng mưa có thể lên tới 300 - 500 mm. (Phan Hậu)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.