'Khát vọng hòa bình': Háo hức đợi chờ đêm diễn chính thức

24/07/2022 07:12 GMT+7

Những tiết mục nghệ thuật trong đêm tổng duyệt chương trình Khát vọng hòa bình diễn ra vào tối 23.7 tại quảng trường Giải phóng (TX. Quảng Trị , tỉnh Quảng Trị) đã khiến nhiều người rưng rưng xúc động.

Mặc dù hơn 20 giờ tối, buổi tổng duyệt chương trình nghệ thuật Khát vọng hòa bình mới diễn ra nhưng từ chiều, bà Ngô Thị Em (67 tuổi, trú tại P.2, TX.Quảng Trị) đã có mặt để tìm được chỗ ngồi cạnh sân khấu nhằm theo dõi trọn vẹn các tiết mục.

Hàng trăm người dân đổ về quảng trường Giải phóng (TX.Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) để theo dõi buổi tổng duyệt chương trình Khát vọng hòa bình

hoàng sơn

Là du kích tại H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) trong giai đoạn 1972-1973, bà Em hiểu rõ những mất mát, đau thương mà quân và dân ta đã trải qua. Bởi vậy, khi theo dõi những tiết mục tái hiện cảnh chiến đấu và hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, bà rất xúc động. Có đoạn, bà lén lấy vạt áo lau nước mắt.

Những diễn viên đặc biệt trong Khát vọng hòa bình: ‘Vui, tự hào khi được tham gia’

Người dân TX.Quảng Trị rất háo hức, đón đợi chương trình chính thức sẽ diễn ra vào tối 24.7

hoàng sơn

"Năm 1972, chiến trường Quảng Trị rất ác liệt, nhất là "mùa hè đỏ lửa" với 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã chứng kiến sự hy sinh của không biết bao xương máu của quân ta. Chương trình đã chạm đến những ký ức sâu thẳm trong tôi. Dù nhiều mất mát nhưng hào hùng biết bao", bà Em nói.

Từ người già đến thế hệ trẻ đều có chung cảm nhận chương trình nghệ thuật Khát vọng hòa bình mang nhiều ý nghĩa giáo dục truyền thống

độc lập

Nhiều người dân cho biết, sẽ đến xem chương trình Khát vọng hòa bình diễn ra chính thức vào tối 24.7

hoàng sơn

Đứng bên cạnh cùng vợ xem chương trình, ông Lê Bổng (69 tuổi) cứ tấm tắc khen chương trình rất ý nghĩa.

Đạo diễn 'Khát vọng hòa bình' xúc động nhớ về người ông đã hy sinh ở Quảng Trị


Theo ông Bổng, các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu, tỉ mỉ, giàu tính nghệ thuật... Ông cho biết, có những phân cảnh khiến người xem rất xúc động, từ hình ảnh chiến sĩ vượt sông chiến đấu cho đến người mẹ mòn mỏi tìm con…

Sống lại những ký ức hào hùng

Bà Lê Thị Nghĩa (65 tuổi, trú tại xã Triệu Lăng, H.Triệu Phong) nước mắt lưng tròng khi xem đến cảnh các chiến sĩ ngã xuống trong khi bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
"Tôi có một người anh hy sinh năm 1977 tại chiến trường Campuchia. Cứ mỗi lần xem thấy cảnh các anh chiến đấu anh dũng và hy sinh thân mình cho độc lập đất nước, tôi lại thấy xót xa, nhói lòng nhớ đến người anh của mình….", bà Nghĩa không kìm được xúc động.

Đêm ở quảng trường Giải phóng - nơi diễn ra chương trình Khát vọng hòa bình đông đúc người dân đến xem

hoàng sơn

Bà kể, năm 1972, khi ấy mới 13 tuổi, đang ở dưới hầm tránh trú bom đạn của kẻ thù, bà nghe mặt đất rung chuyển dữ dội vì đạn pháo, bom trút xuống Thành cổ Quảng Trị. Ngớt bom, từ hầm chui lên, bà Nghĩa đã nghe nhiều người kể về cảnh anh dũng hy sinh của các chiến sĩ giải phóng khi vượt sông tiến về Thành cổ Quảng Trị.

Nhiều người dân chăm chú xem đêm tổng duyệt từ đầu đến cuối

hoàng sơn

"Xem đến đoạn các anh ngã xuống dòng Thạch Hãn, tôi lại nhớ đến cảnh tượng quê hương cách đây 50 năm. Trong mưa bom bão đạn của quân thù, các anh đã không chút ngần ngại vượt sông để tiến công rồi hy sinh cho từng tấc đất của Thành cổ…", bà Nghĩa nói.

Ngồi bệt dưới đất để xem từ đầu đến cuối đêm tổng duyệt, cụ bà Nguyễn Thị Giang (75 tuổi, trú tại xã Hải Quý, H.Hải Lăng) cũng nhìn nhận chương trình Khát vọng hòa bình đã làm sống lại những ký ức, cảm xúc khi bà còn là du kích địa phương.

Xem chương trình với nhiều phân cảnh gây xúc động, bà Nguyễn Thị Giang nước mắt rưng rưng

hoàng sơn

Người dân Quảng Trị mong muốn lan tỏa thông điệp hòa bình đến thế hệ trẻ

"Đêm tổng duyệt đưa người xem từ cảnh chiến đấu nhiều bi thương nhưng hào hùng, đến khi chúng ta giành được hòa bình rồi mở ra một tương lai tươi sáng. Đúng là công nghệ ánh sáng hiện đại làm người xem thích mắt mà nhiều cảm xúc lắm…", bà Giang nhận xét.

Em Lê Nguyệt Minh Tâm chạy xe 20 km đến xem chương trình

hoàng sơn

Em Lê Nguyệt Minh Tâm (học sinh lớp 10, Trường THPT H.Hải Lăng) cũng chú ý đặc biệt đến công nghệ ánh sáng chiếu khiến sân khấu rất thu hút, tạo ấn tượng mạnh cho người xem. "Cùng với đó là hệ thống âm thanh hiện đại đã làm cho chương trình rất hấp dẫn. Qua Khát vọng hòa bình, em hiểu hơn những câu chuyện lịch sử, những hy sinh không gì có thể đong đếm được. Bởi vậy, thế hệ trẻ chúng em phải biết trân quý hòa bình mà lớp cha ông đi trước đã chiến đấu để có được...", Minh Tâm nói.

Những em bé được bố mẹ đến xem chương trình với mong muốn các em sẽ hiểu hơn về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc

hoàng sơn

Dù ở TT.Hải Lăng (H.Hải Lăng), cách sân khấu đến 20 km, nhưng Minh Tâm không ngại đường xa đến xem chương trình. Em cho biết rất háo hức và chờ đợi đêm diễn chính thức (24.7).
"Em sẽ kể về đêm tổng duyệt Khát vọng hòa bình và rủ bạn bè cùng đến xem", Minh Tâm nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.