Khát vọng hòa bình là gì trong trái tim người trẻ?

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
23/07/2022 07:00 GMT+7

Họ là những người chưa đi qua chiến tranh, nhưng không hẳn họ không có ý niệm về hòa bình. Những người trẻ luôn có góc nhìn mới mẻ, đa chiều. Đó là một trong những điều mà chương trình nghệ thuật Khát vọng hòa bình hướng đến.

Thanh Niên đã tìm gặp một số người trẻ “có tiếng tăm” ở Quảng Trị để hỏi họ, hòa bình, khát vọng hòa bình là gì?

“Hòa bình có thể là sự an yên trong tâm hồn, nhưng như thế là chưa đủ”

Đó là ý kiến của Kiến trúc sư Hồ Huy, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Quảng Trị kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ tỉnh Quảng Trị. Rằng khi đã trải qua hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và cuộc chiến bảo vệ biên giới với nhiều mất mát đau thương, hơn ai hết, người Việt Nam rất hiểu giá trị của hòa bình.

Kiến trúc sư Hồ Huy

Nguyễn Phúc

“Tôi thuộc thế hệ trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên trong thời gian dài không có tiếng súng, nên càng dễ tập trung vào việc phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống. Thật may mắn khi buổi sáng dậy thể dục, chạy quanh công viên thành phố, hít thở không khí trong lành, nhâm nhi một tách cà phê thơm, mang nhiều năng lượng cho ngày mới. Tất nhiên, hòa bình có thể là sự an yên trong tâm hồn, nhưng như thế là chưa đủ. Nhiều cuộc đấu tranh không có tiếng súng đang xảy ra từng ngày từng giờ: tai nạn giao thông, xả rác nơi công cộng, sự ô nhiễm của không gian mạng xã hội… cần những người trẻ chung tay góp sức. Thế giới ngày càng kết nối với nhau chặt chẽ, thế hệ trẻ Việt Nam cần phải biết bày tỏ quan điểm về các sự kiện đang diễn ra gây ảnh hưởng đến hòa bình thế giới: chiến sự Ukraine, hòa bình cho Trung Đông hay cuộc chiến bằng chứng pháp lý ở Biển Đông”, kiến trúc sư Hồ Huy bày tỏ quan điểm.

Cũng theo kiến trúc sư Hồ Huy, chứng kiến các chàng trai ở những làng quê nghèo Việt Nam, sang các bản làng châu Phi dạy người dân cách trồng trọt, chăn nuôi… nâng cao đời sống giáo dục, y tế… càng tin rằng, không cần những công trình vĩ mô, phát minh để đời... mà lan tỏa tình yêu thương, chính là lan tỏa hòa bình.

Người trẻ thắp hương ở nghĩa trang Trường Sơn

NGUYỄN PHÚC

“Hòa bình trước hết là đánh thức tính thiện trong mỗi người”

Trong khi đó ý niệm về hòa bình với nhà văn trẻ Hoàng Công Danh nhưng đã tạo được nhiều dấu ấn trên văn đàn với các tác phẩm: Cõng nhau trong một cõi người, Trong cơn say níu sợi dây đứt, Khói sẽ làm mắt tôi cay, Con tin Stockholm Chuyến tàu vé ngắn… lại cho rằng hòa bình trước hết là đánh thức tính thiện trong mỗi người.

Nhà văn Hoàng Công Danh

NVCC

“Tôi sinh ra lúc hòa bình nhưng người thân tôi có người mất trong chiến tranh. Bởi vậy cảm nhận về hòa bình thường được đúc kết qua gia đình và những điều mình đã học. Thêm nữa, tôi từng có thời gian học tập ở Belarus, nơi giáp ranh với Ukraine và Nga. Theo dõi tình hình bên đó đang xung đột căng thẳng, lại ước ao hòa bình cho vùng đất mình từng gắn bó”, Hoàng Công Danh đã mở đầu như vậy.

Anh cho rằng người Việt mình nói "an cư lạc nghiệp" là bao hàm cả ước vọng hòa bình ở trong ấy. Có hòa bình mới mong thái bình, thịnh vượng. Khát vọng chính đáng ấy chưa bao giờ ngưng trong lòng những người dân lương thiện ở khắp nơi, không riêng gì đất nước nào, địa phương nào. Tuy nhiên, những nơi từng xảy ra những bi thương chiến tranh thì tiếng vọng sẽ lớn hơn, vậy nên thông điệp hòa bình từ Quảng Trị theo tôi sẽ có sức ảnh hưởng lớn đến quốc tế.

“Quảng Trị có vị thế đặc biệt là thông thương theo nhiều hướng, cửa ngõ kết nối với Lào và các nước Đông Nam Á, lại nằm giữa đất nước trên trục Bắc Nam, từng là nơi chia cắt đôi miền. Bên cạnh địa chính trị là yếu tố tâm linh và nhân văn nơi mảnh đất này. Một điều nữa, là đạo Phật có mặt ở đây rất sớm, Quảng Trị cùng với cố đô Huế là hai nơi Phật giáo phát triển, hòa nhập tích cực vào đời sống. Mà quan niệm của đạo Phật là tính thiện, bất bạo động, là không sát sanh, đấy chẳng phải là tiền đề cho hòa bình?”, Hoàng Công Danh nhấn mạnh.

Ý niệm hoà bình của người trẻ là khát khao cống hiến cho Tổ quốc

Còn với Cao Hải Vân, Bí thư Thành đoàn Đông Hà, người từng đạt giải Nhất tại Liên hoan báo cáo viên toàn quốc năm 2019 do T.Ư Đoàn tổ chức mỗi người mang một ý niệm về hai chữ “hòa bình”.

Bí thư Thành đoàn Đông Hà Cao Hải Vân

NVCC

Có người chỉ cần lặng ngắm một cánh chim bồ câu chao nghiêng trên bầu trời xanh thẳm, đã thấy một khung trời hòa bình. Có người chỉ cần êm ấm bên bữa cơm gia đình, liên tưởng tới bộ phim về chiến tranh mình vừa xem, cũng đã thấy ý nghĩa của hòa bình. Lại có người đứng trước những tấm bia ghi danh tuổi 18, đôi mươi san sát nhau ở nghĩa trang liệt sĩ, thấy trân quý hòa bình.
“Với riêng tôi, mỗi một tấc đất quê tôi, mỗi một di tích tôi đến, mỗi một bài ca cách mạng tôi hát, tôi đều thấy cái giá của hòa bình. Những tàn khốc của chiến tranh và khát vọng hòa bình của ông cha in đậm trong trái tim tôi qua từng thước phim, từng bức hình, từng di tích lịch sử. Ý niệm về hòa bình lớn thêm trong tôi theo từng năm tháng”, Vân cho biết.

Cô cũng tin rằng ý niệm về hòa bình với người trẻ, nên là khát khao giữ được những miền quê không tiếng súng mà cha ông phải đánh đổi máu xương, để trẻ thơ đi học, để người lớn đi làm, để đất nước đi lên. Đó là khát khao cống hiến cho Tổ quốc, để đất nước hùng cường, có cơ đồ, vị thế lớn, ngăn tất cả những nguy cơ của chiến tranh.

Máu xương cha ông đổ xuống cho hòa bình lớp trẻ

Nguyễn Phúc

Họ kỳ vọng được xem, được nghe gì ở Khát vọng hòa bình?

Kiến trúc sư Hồ Huy cho rằng Quảng Trị vừa kỷ niệm 50 năm giải phóng, Quảng Trị cũng “rục rịch” tổ chức Festival vì hòa bình. Chương trình nghệ thuật đặc biệt Khát vọng hòa bình nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27.7) tại Quảng trường Giải Phóng (Thị xã quảng trị) có ý nghĩa lớn đối với vùng đất này. “Tôi muốn được thấy chương trình làm toát lên rằng hòa bình không chỉ ở trong di tích, trong tâm khảm của những người lính năm xưa, những cựu chiến binh thả hoa trên sông cho các đồng đội của mình mà còn ở trong hành động của thế hệ trẻ, những người ở vùng đất ấy, tiếp nối thế hệ cha ông xây dựng đất nước mạnh về kinh tế, giàu về văn hóa, vững vàng hội nhập với thế giới”, Kiến trúc sư Hồ Huy nói.

Poster quảng bá chương trình nghệ thuật Khát vọng hòa bình

THANH LỘC

Trong khi đó, theo mạch nguồn của triết lý Phật giáo, nhà văn trẻ Hoàng Công Danh cho rằng về chương trình nghệ thuật Khát vọng hòa bình sắp diễn ra, sân khấu thực cảnh là một lĩnh vực thích hợp với sinh hoạt văn hóa văn nghệ hiện nay.
“Sân khấu thực cảnh mang đến nhiều cảm xúc bởi kết hợp cả lịch sử nơi diễn (cái thật) lẫn các phương thức biểu đạt (cái liên tưởng). Tôi mong sẽ được xem một chương trình hay, mong muốn qua nghệ thuật đánh thức được tính thiện trong mỗi người, bởi tính thiện trong mỗi người chính là giá trị bền vững của hòa bình”, Hoàng Công Danh kỳ vọng.

Phối cảnh chương trình Khát vọng hòa bình

Thanh Lộc

Riêng Cao Hải Vân, cô cho biết trong những ngày tháng 7 thiêng liêng hướng về 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, đang có rất nhiều chương trình tôn vinh khát vọng hòa bình chuẩn bị diễn ra. Cô đã được đọc những dòng giới thiệu về chương trình Khát vọng hòa bình trên Báo Thanh Niên, với một câu đáng chú ý: “Sẽ là một Khát vọng hòa bình rất khác”. Đây sẽ là chương trình của người trẻ, tôn vinh sự hy sinh, gửi thông điệp hòa bình thông qua các thủ pháp sân khấu và hiệu ứng công nghệ hiện đại.
“Tôi rất mong muốn tinh thần và khát vọng hòa bình của thế hệ trẻ sẽ được thể hiện bằng những công nghệ hiện đại nhất, kết hợp với cái tình trong những bài ca, điệu múa, để với những cách rất 'khác', ta vẫn thấy được một điều rất 'quen': Khát vọng hòa bình luôn đậm trong trái tim của những người con đất Việt”, Cao Hải Vân nhấn mạnh.

Khát vọng hòa bình là chương trình do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo, Báo Thanh Niên tổ chức, sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 24.7, tại Quảng trường TX.Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị), truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, có sự tham gia của các ca sĩ Thanh Lam, Tùng Dương, Đinh Hương, Đông Hùng, Bảo Trâm, Đinh Quang Đạt, nhóm The Wings, Thăng Long; MC Lê Anh - Hồng Nhung; tổng đạo diễn: Minh Trí; giám đốc âm nhạc: Dương Cầm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.