Ta đã thấy gì trong đêm nay
Cờ bay trăm ngọn cờ bay
Đường phố hôm nay sáng rực đèn
Sáng rực đèn trong làng trong xóm
Người đi như nước qua đê
Mặt đất ưu tư đã mở nụ cười
Hàng cây xanh thay áo mới
Người bước bước nhanh như rừng đi tới…
Đó là bài hát ra đời ngay giữa Sài Gòn, vào lúc cuộc chiến tranh thống nhất đất nước còn chưa kết thúc. Bài hát nói lên khát vọng hòa bình mãnh liệt của người Việt Nam, và trở thành một trong những ca khúc để đời của nhạc sĩ thiên tài Trịnh Công Sơn.
Có một dân tộc đã phải trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh, đã thấm thía bao nỗi khổ đau chết chóc, đã nghiến răng để sống còn, đã âm thầm chuẩn bị để bùng lên "Người bước bước nhanh như rừng đi tới" đón ngày hòa bình đầu tiên, ngay khi hòa bình chưa thực sự có mặt trên toàn cõi đất nước. Đó là dân tộc Việt Nam. Và đó là khát vọng qua bao nhiêu đời của người Việt, dù "Xương tan máu rơi lòng hận thù ngất trời" (Giải phóng miền Nam, Lưu Hữu Phước) vẫn quyết giành cho được Độc lập, Tự do và Hòa bình. Khát vọng ấy đã thấm vào máu từng người dân Việt, và mỗi người dân Việt đều thấm thía cái giá phải trả để có được nền hòa bình vô giá ấy.
48 năm đã trôi qua từ ngày 30.4.1975 ấy, ngày gương mặt hòa bình bừng sáng trên những đường phố Sài Gòn, đường phố Hà Nội, đường phố Huế và khắp vùng miền của đất nước... Đó là ngày chiến thắng của Hòa bình, sau 21 năm chiến tranh và chia cắt đất nước. Ngày đó, tại Đài phát thanh Sài Gòn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cầm đàn ghi ta và hát vang lên bài ca Nối vòng tay lớn. Đó là vòng tay đầy khát khao, đầy yêu thương của toàn dân tộc Việt chào đón ngày hòa bình đầu tiên, ngày đất nước thống nhất, ngày dòng sông Bến Hải không còn ngăn cách hai miền Nam - Bắc.
Sau 30 năm kể từ ngày 2.9.1945, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập trên quảng trường Ba Đình - Hà Nội, đất nước ta mới thực sự hòa bình, thống nhất. Dù sau đó còn bao gian lao hy sinh để giữ cho được độc lập và hòa bình, thì tài sản vô giá ấy của Việt Nam không bao giờ mất được.
Cách đây đúng 10 năm, vào tháng 7.2013, tôi đã lần thứ ba lên viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), nơi có 1.870 liệt sĩ quê từ 30 tỉnh thành trong cả nước chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất Vị Xuyên này vào năm 1984, trong những trận chiến ác liệt chống quân xâm lược từ phương Bắc. Thắp hương trên những ngôi mộ nhiều liệt sĩ tuổi đời mới 18, 20, tôi đã rơi nước mắt. Cái giá người Việt Nam chúng ta phải trả để có hòa bình thật không sao đo đếm được.
Chính vì thế, chúng ta quyết không để mất hòa bình, vì nó thuộc về quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. Đương nhiên, giữ hòa bình là không bao giờ để mất độc lập, không bao giờ chịu quay lại đời nô lệ, dù là nô lệ kiểu cũ hay nô lệ kiểu mới.
Độc lập và Hòa bình, với dân tộc chúng ta là hai giá trị vĩnh hằng.
Nhưng bây giờ, khi đất nước chúng ta đang phát triển mạnh mẽ, đang làm bạn chân thành với cả thế giới, thì khát vọng Việt Nam lại vươn cao hơn cùng kỳ vọng lớn lao về một đất nước hùng cường, một Việt Nam thịnh vượng.
Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, đó không chỉ là kỳ vọng về một đất nước văn minh, giàu mạnh, phồn vinh về kinh tế, mà còn là đất nước giàu bản sắc văn hóa, hiện đại, nghĩa tình, hạnh phúc, có vai trò ngày càng quan trọng và tích cực trên trường quốc tế. Chỉ có hùng cường và thịnh vượng thì Việt Nam mới bảo vệ được hòa bình, mới giữ vững nền độc lập, mới thực sự trở thành người bạn chân thành và mạnh mẽ với cả thế giới.
Tại Đại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên, Đảng ta đặt ra vấn đề khơi gợi, thúc đẩy khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, thực hiện mục tiêu Việt Nam hùng cường và thịnh vượng với các cột mốc cụ thể: 100 năm thành lập Đảng (năm 2030), 100 năm thành lập nước (năm 2045).
Có cột mốc cụ thể là để phấn đấu, nhưng phải có những kế hoạch cụ thể, những bước đi vững chắc cụ thể để biến hai cụm từ làm nức lòng cả dân tộc là Hùng cường và Thịnh vượng, hai cụm từ nhất định sẽ gia nhập vào hai cụm từ Độc lập và Hòa bình để thành một chuỗi: Việt Nam - Độc lập - Hòa bình - Hùng cường - Thịnh vượng. Vâng, để đi tới đích cuối cùng là Tự do và Hạnh phúc cho toàn dân tộc, cho mỗi người Việt Nam dù họ đang sống ở bất cứ đâu. Chúng ta nỗ lực phấn đấu là để con người Việt Nam có được tự do và hạnh phúc, có một cuộc đời không chỉ khá giả mà còn có văn hóa, không chỉ tỏa ra vượng khí mà còn tỏa ra văn minh.
Để được một dân tộc có văn hóa, một đất nước văn minh, một cộng đồng biết sống nghĩa tình, biết chia sẻ và yêu thương, biết giá trị cao cả của lòng nhân ái, là một hành trình phấn đấu lâu dài, căn cơ và triệt để mới có được. Việt Nam đang và sẽ phấn đấu theo hướng đó. Hùng cường là để bảo vệ Tổ quốc, thịnh vượng là để cho nhân dân, thì nhân ái là để cho từng phẩm chất nội tại của con người.
Xin hãy lấy cột mốc năm 2045, cách năm hiện tại 2023 là 22 năm để có thể phấn đấu hoàn thành tâm nguyện của Bác Hồ, của bao anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, của bao thế hệ người Việt Nam đã và đang phấn đấu. Một cột mốc có khoảng cách thời gian không quá dài, nhưng cũng không quá ngắn.
Bình tĩnh, tự tin, và đầy khát vọng.
Đó là cách sống của chúng ta hôm nay, để hướng tới ngày mai tươi sáng của đất nước.
Bình luận (0)