Sự kiện văn hóa tuần qua: Triển lãm tư liệu, ra mắt sách về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh

21/05/2023 07:35 GMT+7

Sáng 19.5, tại Đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình, Q.1) diễn ra cùng lúc triển lãm tư liệu và giao lưu ra mắt sách Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng (NXB Chính trị quốc gia Sự thật) về cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự kiện triển lãm những tư liệu quý về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức, diễn ra từ ngày 19 - 21.5, cung cấp cho người tham quan những thông tin khái quát nhất về cuộc đời cách mạng của Bác. Triển lãm kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2023); 112 năm Bác ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 - 5.6.2023).

Triển lãm gồm 2 gian, một gian trưng bày ảnh có kèm các chú thích, tập trung vào các cột mốc quan trọng trong cuộc đời của Bác gắn liền với cách mạng; đó là sự kiện Bác đọc Tuyên ngôn độc lập năm 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ, những hình ảnh Bác cùng với chiến sĩ dựng tạm lều tranh trên chiến trường...

Sự kiện văn hóa tuần qua: Triển lãm tư liệu, ra mắt sách về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Gian trưng bày ảnh tư liệu về cuộc đời Bác

THẾ SANG

Những bức ảnh đen trắng chứa đựng ngồn ngộn tư liệu quý về chân dung Hồ Chủ tịch, người cha già của dân tộc, một vị lãnh tụ xuất sắc và đồng thời, cũng qua những bức ảnh ấy, người tham quan thấy hiện lên một chân dung rất đỗi bình dị, mộc mạc của Bác.

Gian còn lại, nằm gần sân khấu chính của Đường sách, trưng bày nhiều sách, tài liệu viết về Bác, đó là nguồn sách của NXB Trẻ và NXB Chính trị quốc gia Sự thật. Có thể điểm qua các tựa như Hành trình theo chân Bác của Trần Đức Tuấn (NXB Trẻ), Đặc sắc văn hóa Hồ Chí Minh của Nguyễn Gia Nùng (NXB Trẻ), Khắc sâu lời Bác của Nguyễn Văn Khoan (NXB Trẻ), Đường Bác Hồ đi cứu nước của GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú (NXB Chính trị quốc gia Sự thật), Hồ Chí Minh nhà văn hóa kiệt xuất của GS. Song Thành (NXB Chính trị quốc gia Sự thật)...

Cũng trong buổi sáng 19.5, NXB Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức giao lưu, ra mắt cuốn Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng của GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú, một trong những quyển sách viết về Bác được xuất bản rất nhiều lần, tính cả lần này là 22.

Ngoài thay áo mới cho sách, tác giả đã bố cục lại bản thảo, bổ sung thêm 5 bài viết, trong đó có bài Bông Huệ thơm viết về bà Lê Thị Huệ - bạn của Bác Hồ trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước. Ở ấn bản mới nhất này, Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng được bổ sung, chỉnh sửa nhiều nhất so với các bản trước đó.

Nghề dệt thổ cẩm của người M'Nông là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 18.5, tại Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S'Tiêng sóc Bom Bo (H.Bù Đăng), Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Phước tổ chức lễ công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của người M'Nông tại xã Bù Gia Mập (H.Bù Gia Mập) và các xã Đồng Nai, Thọ Sơn, Phú Sơn, Đắk Nhau (H.Bù Đăng).

Sự kiện văn hóa tuần qua: Triển lãm tư liệu, ra mắt sách về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 2.

Phụ nữ M'Nông tỉnh Bình Phước với nghề dệt thổ cẩm truyền thống

X.T

Đồng bào dân tộc M'Nông ở Bình Phước hiện có trên 10.000 người (chiếm 1,1% dân số của tỉnh). Nghề dệt thổ cẩm của người M'Nông là nghề thủ công truyền thống được tích lũy kinh nghiệm và phát triển qua nhiều thế hệ, thể hiện kỹ thuật qua đôi bàn tay khéo léo, sáng tạo của người phụ nữ để phục vụ nhu cầu cuộc sống.

Dệt thổ cẩm đòi hỏi phải có năng khiếu, kỹ năng, nắm rõ kỹ thuật dệt. Bên cạnh đó, phải nhận biết và khai thác đúng các nguyên liệu từ thiên nhiên như lá cây, vỏ cây rừng để tạo ra chất liệu nhuộm màu, tạo hình hoa văn. Với giá trị tiêu biểu, nghề dệt thổ cẩm của người M'Nông tỉnh Bình Phước đã được Bộ VH-TT-DL công nhận đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1838 ngày 4.8.2022.

Hàng loạt nhà phố cổ Hội An rao bán với giá triệu USD

Rất nhiều ngôi nhà nằm trong trung tâm phố cổ Hội An (TP.Hội An, Quảng Nam) đã treo bảng rao bán với giá tương đương triệu USD.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên những ngày giữa tháng 5, tại các tuyến đường như Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi... ở phố cổ Hội An, nhiều nhà cổ treo bảng rao bán nhà. Hầu hết những căn nhà rao bán đều nằm ở vùng lõi phố cổ. Trước đại dịch Covid-19, nhà nào cũng được sử dụng để buôn bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ cho du khách hoặc cho thuê để kinh doanh. Thời gian gần đây, dù du lịch đã phục hồi, lượng khách đến Hội An rất đông, song nhiều chủ nhà vẫn không "cầm cự" được sau các đợt dịch nên đưa lên sàn rao bán nhiều căn nhà trong phố cổ.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Triển lãm tư liệu, ra mắt sách về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 3.

Một ngôi nhà cổ ở đường Trần Phú được rao bán với giá 37 tỉ đồng

MẠNH CƯỜNG

Căn nhà cổ nằm trên đường Trần Phú, rộng hơn 165 m2 treo bảng bán nhà gần cả tháng nay, dù có nhiều người liên hệ mua nhưng do chưa được giá nên chủ nhân chưa bán. "Căn nhà cổ này được rao bán với giá khoảng 37 tỉ đồng, có tuổi đời hàng trăm năm, trải qua rất nhiều thế hệ gìn giữ, do ông ngoại để lại cho hai chị em tôi. Bản thân tôi hiện cũng đã nhiều tuổi, trong khi mọi người trong gia đình hầu hết đã định cư ở nước ngoài nên không có ai quản lý, chăm sóc. Dù bán thời điểm này sẽ bị lỗ nhưng đành phải chấp nhận bởi không có sự lựa chọn nào khác", chủ ngôi nhà nói.

Một căn nhà cổ có diện tích 107 m2 trên đường Nguyễn Thái Học cũng đang rao bán với giá 38 tỉ đồng. Chủ nhân ngôi nhà này cho biết nhà đang được cho thuê với giá gần 100 triệu đồng/tháng. "Giá ban đầu đưa ra là vậy nhưng cũng có trao đổi với người mua là có thể đi tham khảo giá thoải mái rồi thương lượng với nhau để thống nhất giá bán cuối cùng", người này nói.

Ngoài ra, căn nhà có diện tích khoảng 100 m2 trên đường Bạch Đằng, đoạn gần di tích Chùa Cầu, được báo giá hơn 50 tỉ đồng, tính ra hơn 500 triệu đồng/m2. Điều đáng nói, chỉ vài ngày trước đó căn nhà này còn được rao bán với giá 60 tỉ đồng. Hiện căn nhà này vẫn đang cho thuê để kinh doanh nhà hàng với giá cho thuê hơn 150 triệu đồng/tháng.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho rằng những căn nhà đang được rao bán ở trong vùng lõi phố cổ Hội An là thuộc sở hữu của một số "đại gia" hiện đang sinh sống ở TP.HCM, Hà Nội. Trải qua 2 năm dịch Covid-19, một số người vì các lý do khác nhau buộc phải rao bán, chứ thực chất không phải người dân Hội An bán nhà cổ. "Tuy nhiên, họ bán với giá "trên trời" nên rất khó mua. Nếu là người dân phố cổ rao bán, chúng tôi sẽ tiếp cận để tìm hiểu thông tin ngay... Địa phương không bao giờ khuyến khích việc bán nhà cổ", ông Sơn nói.

Ông Sơn cho biết trong phố cổ hiện nay có đến 30% chủ nhân là người ở TP.HCM, Hà Nội. Những người này mua nhà để cho thuê. Cũng chính vì điều này, nhiều ngôi nhà cổ bị cháy do không có người ở. Bên cạnh đó, 40% là người gốc Hội An nhưng ra nơi khác ở, còn nhà trong phố cổ thì cho thuê lại. Vì thế, phố cổ Hội An dần bị mất đi phần "hồn".

Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM

Sáng 15.5, Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về sự kiện Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM (lần 3), sẽ diễn ra tại Công viên văn hóa Đầm Sen (Q.11, TP.HCM) với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn.

Ông Mai Phúc - Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM, Trưởng ban tổ chức cho biết: "Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM được tổ chức thường xuyên nhằm tạo sự gắn kết trong cộng đồng bà con đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM và khu vực phía Nam, để mọi người cùng gặp gỡ chia sẻ tình thân".

Sự kiện văn hóa tuần qua: Triển lãm tư liệu, ra mắt sách về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 4.

Quang cảnh buổi gặp gỡ báo chí của Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM

NVCC

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM: "Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM còn là dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, ẩm thực, các sản phẩm của quê hương, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và mời gọi các nhà đầu tư, kết nối giữa tỉnh nhà với bà con đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM và khu vực phía Nam.

Theo đó, sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 2.6 - 4.6, tại Công viên văn hóa Đầm Sen (Q.11, TP.HCM) với nhiều hoạt động: Trưng bày, giới thiệu những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật của tỉnh Quảng Nam trong 25 năm qua (1997-2022), đồng thời phác họa định hướng sự phát triển của tỉnh Quảng Nam đến năm 2030. Ban tổ chức dự kiến có khoảng 20 gian trưng bày và số lượng người tham dự khoảng 100.000 người.

Theo ban tổ chức, với tầm quan trọng đặc biệt, chương trình Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM được chuẩn bị chu đáo, thiết thực nhưng đảm bảo tiết kiệm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn về phòng cháy chữa cháy, phòng chống dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm. Sự kiện luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM và các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan trong tỉnh.

Ngoài ra, Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM còn có các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến du lịch và giao lưu âm nhạc, trình chiếu phim, giới thiệu các địa điểm du lịch Quảng Nam. Chương trình cũng mời các đơn vị, doanh nghiệp du lịch quảng bá những tuyến đi mới, sản phẩm du lịch ưu đãi dành riêng đối cho du khách là đồng hương Quảng Nam khi về thăm quê hương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.