Khát vọng ngang tầm thế giới?

28/12/2015 10:53 GMT+7

Sự kỳ vọng ở những cuộc thi hoa hậu quốc tế, sự thỏa mãn về các ‘giải thưởng quốc tế’ của ca sĩ, diễn viên… cho thấy chưa khi nào khát vọng ‘ngang tầm thế giới’ kiểu này lại được người ta thể hiện mạnh mẽ đến thế.

Sự kỳ vọng ở những cuộc thi hoa hậu quốc tế, sự thỏa mãn về các ‘giải thưởng quốc tế’ của ca sĩ, diễn viên… cho thấy chưa khi nào khát vọng ‘ngang tầm thế giới’ kiểu này lại được người ta thể hiện mạnh mẽ đến thế.

Những cuộc thi hoa hậu quốc tế vừa qua khiến nhiều người Việt 'nín thở' hồi hộp và hy vọng... về một sự rang danh cho đất nước - Ảnh: ReutersNhững cuộc thi hoa hậu quốc tế vừa qua khiến nhiều người Việt 'nín thở' hồi hộp và hy vọng... về một sự rang danh cho đất nước - Ảnh: Reuters
“Chân dài” hay “não sâu”?
Mới đây, bài viết trên Facebook của du học sinh Nguyễn Siêu về thói “cuồng” hoa hậu của người Việt đã gây nên những cuộc tranh luận sôi nổi trên các phương tiện thông tin và cộng đồng mạng. Nhiều người bị “chạm nọc”, tự ái, nhưng cũng có rất nhiều người giật mình vì anh chàng sinh viên chuyên ngành truyền thông và điện ảnh còn trẻ măng này lại có tư duy chững chạc của một nhà báo giỏi.
Ở một mức độ khá cực đoan, chàng sinh viên này phê phán không nương nhẹ tính “phù phiếm” trong sự kỳ vọng về ngôi vị hoa hậu của hai thí sinh “gà nhà” của nước ta. Thật tình thì kỳ vọng của các “fan” lần này là có cơ sở bởi hai thí sinh của chúng ta cũng có “chân dài miên man”, thân hình “bốc lửa”, dung nhan sắc sảo và trí tuệ thì không đến nỗi nào. Gì thì gì, chứ “nhất thế giới” về một mặt nào đó thì cũng là “nhất thế giới”, dù đó là “chân dài” hay “não sâu”…
Một thí sinh đoạt vương miện hay được xếp ở thứ hạng cao của các cuộc thi hoa hậu quốc tế có lẽ cũng phần nào thể hiện tầm phát triển của kinh tế - giáo dục một đất nước. Kinh tế không phát triển, lấy đâu ra nguồn tiền nuôi dạy để các cô gái được “ăn trắng mặt trơn”, được thường xuyên đi thẩm mỹ viện để có sắc vóc xinh đẹp và có đủ trí tuệ để vượt qua các phần thử thách “kinh khủng” nhất, phần thi ứng xử…?
Giải thưởng “thuộc địa”
Khát vọng “ngang tầm thế giới” là chính đáng, thế nhưng có nên chọn lựa giữa những đường ngang ngõ tắt dễ dãi phù phiếm của các cuộc thi mang tính giải trí, hay những đại lộ gian truân khổ ải của tri thức trí tuệ mà hầu hết các nước phát triển đã trải qua…?
Chỉ trong vòng một hai năm nay, “bỗng dưng” các ca sĩ, người mẫu, diễn viên Việt Nam đồng loạt đoạt các giải thưởng quốc tế mang “tầm cỡ châu lục”, như Mỹ Tâm, Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương, Đông Nhi, Trương Ngọc Ánh, Ngọc Trinh, và mới đây nhất là Đàm Vĩnh Hưng. Không ít các phương tiện truyền thông tung hô ca ngợi, thế nhưng cũng nhiều “nhà mạng” đang thi nhau tranh cãi về tính “chính danh” của các giải thưởng này.
Xem lại nguồn gốc của các giải thưởng, người ta có thể thấy đa số chúng xuất phát từ một địa chỉ: Hàn Quốc. Điều này cho thấy đất nước “mới nổi” này đang có ý định vượt lên trên tất cả các nước khác để trở thành một “đại ca” của châu Á về văn nghệ (mà nếu dùng từ ngữ một cách dễ dãi hơn thì là “văn hoá”). Người ta dễ có cảm giác các giải thưởng nghe rất kêu này được “anh Hai” Hàn Quốc rộng rãi ban phát cho các nghệ sĩ Việt Nam.
Đó có lẽ cũng là một hệ quả tất yếu của thói “cuồng” Hàn lưu diễn ra nhiều năm gần đây. Người Hàn, trong quá trình mở rộng và giành ảnh hưởng thị trường ở các nước đang phát triển như nước ta, hẳn phải có cả một kế hoạch gây ảnh hưởng về văn nghệ. Đối với họ, một vài giải thưởng “quốc tế” trao cho các nghệ sĩ Việt Nam không phải là chỉ để “tôn vinh” các nghệ sĩ này mà còn là để nâng cao tiếng tăm của các đơn vị trao giải của họ…
Khát vọng và hiện thực…
Nhớ thời bao cấp, dù muôn vàn khó khăn về kinh tế nhưng vẫn có nhiều người làm rạng danh đất nước qua những cuộc thi về trí tuệ, học thuật, và cả nghệ thuật quốc tế. Với những cái tên đáng tự hào như Lê Bá Khánh Trình, Lê Tự Quốc Thắng, Ngô Bảo Châu, Đặng Thái Sơn…, nhiều người thời đó lạc quan nghĩ rằng người Việt vốn giàu tính trí tuệ, ắt sẽ mau chóng vượt qua khó khăn để sánh ngang tầm thế giới về mọi mặt.
Ít ai để ý được rằng truyền thống hiếu học ấy vẫn chưa mai một trong thời kỳ mới. Chẳng hạn, tổng kết các cuộc thi học thuật năm nay, bộ Giáo dục và đào tạo cho biết là chưa có năm nào kể từ năm 1974 mà các đoàn dự các cuộc thi Olympic quốc tế lại đoạt nhiều huy chương và giải thưởng như năm nay. Cụ thể như môn toán, chúng ta có hai huy chương vàng, ba huy chương bạc; vật lý có ba huy chương vàng, hai huy chương bạc…
Thế nhưng những thông tin này dường như chìm nghỉm giữa muôn vàn thông tin “phù phiếm” khác. Đọc thống kê về các từ khoá tìm kiếm nhiều nhất trên hệ thống Google năm nay, người ta sẽ thấy có đến chín trong số mười từ có liên quan đến giải trí, và cụ thể hơn là có nhiều từ liên quan đến các bài hát mang phong cách ảnh hưởng của nhạc Hàn Quốc.
Khát vọng “ngang tầm thế giới” là chính đáng, thế nhưng có nên chọn lựa giữa những đường ngang ngõ tắt dễ dãi phù phiếm của các cuộc thi mang tính giải trí, hay những đại lộ gian truân khổ ải của tri thức trí tuệ mà hầu hết các nước phát triển đã trải qua…?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.