Khát vọng rồng ở Long Vân khánh hội

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
24/12/2023 07:18 GMT+7

Sáng 25.12, tại TP.HCM, chào đón Xuân Giáp Thìn 2024, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM và các nhà sưu tập tư nhân khai mạc trưng bày chuyên đề 'Long Vân khánh hội - hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam', gửi gắm những điều tốt lành và mong ước một năm rồng sắp đến thật hạnh phúc.

Rồng là con vật không có thật nhưng lại là sản phẩm tinh thần thật, tồn tại trong các nền văn hóa theo chiều dài lịch sử, trở thành một biểu tượng văn hóa mang những ý nghĩa khác nhau. Hình tượng rồng Việt hiện diện đa dạng trong mọi mặt đời sống xã hội, từ kiến trúc, trang phục, đồ mỹ thuật ứng dụng cho đến sinh hoạt lễ hội.

Rồng từ thời Lý đến nhà Nguyễn

Đầu tiên, xuất hiện tại trưng bày có nhóm hiện vật gốm sứ đặt hàng thời Nguyễn với các loại hình bát, đĩa, bình, thố… đại diện của hai đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị. Hình tượng rồng được thể hiện một cách đa dạng trong các đề tài ngư long hý thủy biểu trưng cho sự may mắn, thăng tiến và đề cao giáo dục trọng dụng nhân tài trị quốc, trong đó rồng tượng trưng cho vua, cá tượng trưng cho các hiền tài vượt qua các kỳ thi; đề tài lưỡng long chầu nhật, long phụng, long vân với ý nghĩa về sự may mắn, phát triển…

Khát vọng rồng ở Long Vân khánh hội- Ảnh 1.

Đĩa Cá hóa long - Gốm Chu Đậu, thế kỷ 15

Q.TRÂN

Nhóm hiện vật gốm sứ đặt hàng thời Lê - Trịnh với các hiệu đề quen thuộc như Khánh Xuân Thị Tả, Khánh Xuân Thị Hữu, Nội phủ…, rồng được thể hiện với các đề tài Long vân khánh thọ, Long hàm thọ, với ý nghĩa chúc thọ và sự trường tồn.

Đặc biệt rồng trên long bào được thêu 9 con xen kẽ với những vầng mây theo dạng "long vân đại hội", trong đó 2 con ở thân trước và thân sau là dạng phi long (rồng bay) với mặt rồng nhìn chính diện được thêu bằng chỉ bóng và chỉ kim tuyến đại. Bên cạnh đó, hình ảnh 9 con rồng đều là rồng 5 móng, biểu tượng cho quyền lực tuyệt đối của vị trí "cửu ngũ chí tôn".

Trưng bày cũng đưa nhóm nội dung quản lý xã hội, văn phòng tứ bửu gồm có ấn triện, sách phong hay còn gọi là kim sách, mũ mão và trang sức như kim khánh, kim bội, tiền thưởng trang trí hình rồng. Kim sách triều Nguyễn là một loại thư tịch cổ đặc biệt, thường được làm bằng vàng, bạc hoặc bạc mạ vàng để ghi lại sắc mệnh, chiếu dụ vua ban về các việc chính sự, lễ nghi triều đình. Một trong những hiện vật là sách phong của vua Tự Đức cho Phú Bình Công tức Nguyễn Phúc Miên Áo, bên ngoài chạm đề tài Long vân sơn thủy.

Khát vọng rồng ở Long Vân khánh hội- Ảnh 2.

Đĩa Long Phụng, hiệu đề Nội phủ thị hữu thế kỷ 18

Q.TRÂN

KHÁT VỌNG DÂN TỘC MẠNH MẼ

Điểm nhấn của trưng bày lần này là hiện vật đĩa gốm Chu Đậu Cá hóa longLong mã - thể hiện khát vọng vươn lên, chinh phục khó khăn trong cuộc sống của người Việt. Sự tích cá hóa long mang ý nghĩa để trở thành rồng, cá chép phải vượt qua các thử thách với bản lĩnh kiên cường. Ngoài ý nghĩa đó, cá hóa long còn mang ý nghĩa về sự thành công và may mắn trong thi cử. Đề tài Long mã có sự kết hợp rồng và ngựa. Rồng thường ở trên trời cao, lúc ẩn lúc hiện trong mây, cai quản khắp trời biển. Trong khi đó, ngựa là con vật đời thường, chạy nhanh trên mặt đất. Vì vậy, long mã - ngựa hóa rồng là con vật mang trong mình đầy đủ sự kết hợp âm - dương, không gian - thời gian, long mã chạy là biểu hiện cho vũ trụ vận động, đồng thời tượng trưng cho thánh nhân.

Khát vọng rồng ở Long Vân khánh hội- Ảnh 3.

Quốc sủng gia khánh (Nước vẻ vang, nhà hạnh phúc) gỗ thếp vàng, năm 1933

Q.TRÂN

Trong cung đình, rồng được trang trí trên trang phục của vua, đồ ngự dụng, vật phẩm ban tặng hay trang trí trong cung điện với ý nghĩa khẳng định sức mạnh, quyền lực tuyệt đối của người đứng đầu đất nước. Hình tượng rồng được quy định một cách chặt chẽ trong các bố trí, bố cục và đề tài thể hiện, trong đó rồng 5 móng là biểu tượng của vương quyền, vua chúa. Các hình tượng rồng 4 móng, 3 móng tùy theo phẩm trật của quan lại mà phân bổ.

Các hiện vật về rồng trong tín ngưỡng tôn giáo gồm lư hương bát nhang kim loại và gốm Thổ Hà, Bát Tràng với các đề tài Lưỡng long chầu nhật, Long hàm Thọ, Long vân nhằm chuyển tải mong ước mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Các đề tài hóa rồng cũng được sử dụng trong các loại hình hiện vật như chân đèn trúc hóa rồng, sen hóa rồng mang tính tả thực cao vừa thể hiện tính nghiêm trang nhưng đồng thời cũng thể hiện tính dân gian gần gũi. Trên các ngai thờ, hình tượng rồng được thể hiện oai nghiêm uốn lượn trong mây, thể hiện vai trò sức mạnh về sự bảo hộ, che chở người dân trong cuộc sống.

Trưng bày diễn ra từ ngày 25.12.2023 đến 31.3.2024.

Khát vọng rồng ở Long Vân khánh hội- Ảnh 4.

Lư hương - thế kỷ 19

Q.TRÂN

Khát vọng rồng ở Long Vân khánh hội- Ảnh 5.

Chuông - năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800)

Q.TRÂN

Ở phương Đông, rồng gắn liền với lịch sử phát triển, biểu tượng của nguồn gốc dân tộc, vương quyền, sức mạnh siêu nhiên, sự may mắn, thịnh vượng. Tại Việt Nam, qua các giai đoạn phát triển, rồng trở thành biểu tượng xuyên văn hóa, biểu tượng Việt Nam trong kết nối với khu vực và thế giới hướng đến tương lai phát triển và hội nhập, và còn là biểu tượng chiến thắng mọi hoàn cảnh và vươn cao vị thế đất nước. Đó là những gì mà nhà tổ chức muốn gửi gắm đến công chúng ở trưng bày rất quy mô này.

TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.