Ở mặt trận Khe Sanh, anh viết: “Thầy mẹ nghe đài có lẽ cũng thấy chiến công lẫy lừng ở Khe Sanh, song không thể ngờ rằng trong đó có bàn tay con tham chiến” (26.6.1968). Khe Sanh là một thung lũng hẹp, trải dài chưa tới 10 km, được mệnh danh là “Điện Biên Phủ thứ hai” với núi rừng trùng điệp vây quanh, nhìn từ trên cao xuống như một “lòng chảo” lớn. Tổng thống Mỹ Johnson và Tham mưu trưởng liên quân Mỹ tại Việt Nam đặc biệt quan tâm đến “lòng chảo” này vì nó án ngữ và kiểm soát con đường chuyển quân từ Bắc đi sâu vào Nam hoặc sang Lào. Luôn có trên 10.000 quân thường trực ở đó, cùng một lực lượng lớn hỗ trợ tác chiến từ xa, song vẫn bị thất thủ sau trận tiến công vây hãm kéo dài suốt hơn nửa năm, từ tháng 1 đến 7.1968. Vòng đai che chắn Khe Sanh gồm 3 cụm cứ điểm quan trọng đều bị phá vỡ, trong đó có Tà Cơn (với sân bay dã chiến) là nơi Bùi Kim Đỉnh cùng đồng đội tiến đánh vào những giờ phút quyết liệt nhất: “Thọ biết không, mình đang ở miền tây Khe Sanh! Nơi mà tên tuổi đã lừng vang. Trong lòng mọi người đều khắc sâu cái tên Khe Sanh trìu mến” - và cũng đầy ắp gian truân nơi ấy: “Người đau ê ẩm, mệt nhừ. Vai phồng rộp. Các tế bào hai bên mông sát ra, rát như phải bỏng... Thực phẩm thì chỉ có muối trắng”. Chiến trận kết thúc, quay về, nhìn quanh chẳng thấy ai ra đón, vì “ở khu rừng hoang vắng này thì làm sao có được một người dân? Những lúc như thế, ai chả nhớ quê hương! Ai chả nhớ gia đình! Ai chả nhớ bè bạn!” (29.6.1968).
|
Về Thành cổ Quảng Trị, đây là một di tích xây từ năm 1824 với 4 cửa ra vào, bên ngoài có hào sâu bao bọc. Năm 1972, trong suốt 81 ngày đêm tấn công và chiếm giữ Thành cổ, quân giải phóng phải chịu đựng số lượng bom đạn trút xuống có sức công phá bằng 8 quả bom nguyên tử do Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki ở Nhật năm 1945, nên báo chí phương Tây thời ấy gọi Thành cổ Quảng Trị là chiếc “cối xay thịt người” hiện đại. Trước ngày chiến trận nổ lớn, Bùi Kim Đỉnh sớm có mặt trên vùng núi A Rinh tỉnh Quảng Trị: “Đất Quảng Trị ơi, trong chiều rực nắng - Tiếng bom gào và đạn xé không trung” (10.3.1971), ghi nhận: “bom và pháo vẫn cứ ùng oàng liên tục - một chiến trường ác liệt có lẽ vào loại nhất Đông Dương... Nào là B52, nào là chất độc hóa học, nào là bom bi, pháo binh các cỡ và đủ các loại máy bay, mìn lá” (13.3.1971). Anh viết: “Quảng Trị này có bao giờ ngớt tiếng nổ đâu?” (15.3.1971) và “đêm nay tại đây một số dân công hỏa tuyến đi cáng thương. Họ lầm lũi đi trong đêm tối. Chúng mình không lên tiếng (đang chốt im trong rừng) kể ra cũng thấy thương tâm, song biết làm sao? Đêm dài vô cùng... (19.3.1971). Những lúc mặt trận tạm yên tĩnh, anh ngước nhìn lên, thấy “ánh nắng chiều ở đất Quảng Trị xuyên qua các kẽ lá vàng, tâm hồn ta lại man mác. Lại nhớ người thương...” (26.3.1971). “Cảnh chiến trận nắng lửa, mưa bùn biết thế nào mà nói trước được” (1.4.1971). Một tuần sau, trời chuyển mùa: “mây đen lại kéo đến dày đặc, tiết trời ong ả lạ lùng - nắng và nóng. Bất chợt một trận mưa đá dữ dội đổ xuống núi rừng. Cây cối bị thương bởi B52 (lúc này mới) ào ào đổ. Thế là ở đây đã có 2 trận mưa đá mở màn cho mùa mưa rồi chăng? Mỗi khi mưa, cuộc sống hầm hố cực nhọc không sao tả được” (7.4.1971). Đến 10.4.1971, khi “tiếng bom gào, đạn réo đã ngớt”, thì nghe “họ (cấp chỉ huy) nói dối là (đơn vị chuyển) vào Huế, nhưng ta đã biết thừa là ra ngoài”. Song tin phổ biến như thế vì “trong phép dụng binh có quyền nói dối!” (12.4.1971). Hai tiếng “ra ngoài” ở đây có nghĩa là chuyển quân “ra Bắc”, đóng tạm ở Quảng Bình. Nhưng không bao lâu, anh cùng đơn vị nhận lệnh bất thần quay vào Nam, hướng về Thành cổ Quảng Trị, để rồi không bao giờ được trở lại đất Bắc...
Khi anh ngã xuống, đồng đội có mặt trong giờ phút cuối cùng bên anh là Lê Diên Quynh, HT 647407 EA01, đã viết lá thư báo tử gửi cho bố anh là cụ Bùi Văn Vưu tại Hòa Bình, Thanh Miếu, TP.Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phú, kể lại hôm ấy trời mưa từ sáng sớm: “Chúng cháu ra sông Ba Lòng quan sát mực nước để báo cho đơn vị qua sông... Khi trời vừa tạnh mưa thì máy bay bay tới và thả bom. Chỉ có một loạt bom thôi, ba người bị thương, hai người bị nhẹ và một người bị nặng. Đỉnh bị nặng hơn cả... Một vết ở cổ tay phải chảy nhiều máu. Một vết ở bả vai lưng nhưng vào phổi, vết này nặng nhất... Chỉ có hai người thôi. Cháu và một cậu Hà Tây khênh về trận địa cao xạ và nhờ y sĩ ra cấp cứu. Đồng chí ấy tiêm thuốc và băng bó tiếp cho Đỉnh (...) Cháu khênh về trạm cứu thương. Dọc đường đi, Đỉnh kêu khó thở (vì không khí đã vào phổi qua vết thương)”. Anh trút hơi thở cuối cùng lúc 12 giờ 15 trưa 4.6.1972: “khi đi ngang qua thi hài Đỉnh thấy mắt anh đã nhắm - vì còn thương binh phía sau nên cháu chỉ kịp tìm cho anh Đỉnh một túi ni lông to (túi tử sĩ)”. Đồng đội tạm chôn anh tại cao điểm 38, cách Thành cổ Quảng Trị 8 km về phía tây, nằm gần sông Ba Lòng trên đường vào sân bay Ái Tử.
Ước nguyện sau cùng “Anh Đỉnh có tâm sự với gia đình về nguyện vọng sau ngày phục viên, xuất ngũ là trở về quê làm nghề dạy học. Do đó sau khi xuất bản quyển sách này, để thực hiện một phần lời nguyện ước năm xưa của anh, gia đình chúng tôi sẽ vận động thành lập quỹ khuyến học Bùi Kim Đỉnh nhằm tài trợ các suất học bổng cho con em cựu chiến binh nhiễm chất độc da cam, các trẻ mồ côi, khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn cũng như các học sinh nghèo vượt khó. Gia đình xin trân trọng cám ơn mọi sự cổ vũ, đóng góp của độc giả cùng các nhà hảo tâm tham gia chương trình, góp phần thực hiện nguyện vọng của anh còn dang dở. Xin trân trọng cám ơn lần nữa”. Bùi Hùng Tuấn - em trai út của Bùi Kim Đỉnh |
Giao Hưởng
>>Khát vọng sống và yêu - Kỳ 3: Sống chết trên đường 9
>> Khát vọng sống và yêu - Kỳ 2: Thư nhà của lính
>> Khát vọng sống và yêu: Những giấc mơ hoa và chiến trường đỏ lửa
>> Những bức thư tình không gửi được
Bình luận (0)