Khát vọng trẻ: Kể chuyện thời đại bằng âm nhạc

27/12/2014 05:17 GMT+7

Những bài hát xen lẫn nhau kể về câu chuyện thời đại với đủ cung bậc cảm xúc sẽ có trong chương trình Khát vọng trẻ lần thứ 8 do Báo Thanh Niên tổ chức (diễn ra lúc 20 giờ ngày 28.12, tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, VTC9 - Let's Việt).

Những bài hát xen lẫn nhau kể về câu chuyện thời đại với đủ cung bậc cảm xúc sẽ có trong chương trình Khát vọng trẻ lần thứ 8 do Báo Thanh Niên tổ chức (diễn ra lúc 20 giờ ngày 28.12, tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, VTC9 - Let's Việt).

Khát vọng trẻ: Kể chuyện thời đại bằng âm nhạc 1Ca sĩ Hồ Trung Dũng - Ảnh: Độc Lập
Bài ca được đặt hàng
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn thật vui khi bài hát Tổ quốc gọi tên mình do ông phổ nhạc từ thơ Nguyễn Trương Quế Mai được chọn làm tên gọi, cũng như được hát trong chương trình. “Những chương trình Khát vọng trẻ của Báo Thanh Niên bao giờ cũng mang hơi thở của thời đại. Những bài hát trong chương trình không chỉ là bài hát mà còn là nhịp ca của thời đại. Bao giờ người xem cũng tìm thấy câu chuyện nhiệt huyết của mình trong đó. Nhất là người trẻ. Nhiệt huyết để gắn bó hơn với Tổ quốc, với quê hương”, ông Cẩn nói và nhìn nhận: “Ai cũng biết, một tác phẩm ra đời phải có sự đón nhận của khán giả mới trụ lại được với thời gian. Nhìn lại lịch sử âm nhạc VN luôn ở trạng thái động, không bao giờ tĩnh. Có những ca khúc từ thập niên 1940, 1950 đến giờ vẫn trụ lại trong lòng công chúng như Qua miền Tây Bắc, Như có Bác trong ngày vui đại thắng, Đất nước trọn niềm vui... không chỉ vì chúng có giai điệu và ca từ đẹp, mà còn nhờ đúng thời điểm lịch sử, nói được câu chuyện của thời đại”.
Tổ quốc gọi tên mình - âm hưởng chủ đạo trong chương trình Khát vọng trẻ lần này là một bài hát được “thời đại đặt hàng” như thế. Xuyên suốt bài ca, người nghe thấy sự khao khát bình yên, tình yêu biển đảo lan tỏa. “Điều vui nhất với bài hát là khi ra đời được sự đón nhận theo hiệu ứng domino cả trong nước và quốc tế. Tôi tin chương trình Khát vọng trẻ lần này cũng sẽ như vậy. Tôi nghĩ đây là một bài ca được đặt hàng. Đó là hiện tại đặt hàng, thúc giục tôi”, ông nói.
Khát vọng trẻ lần này không chỉ ghi dấu một bài ca như vậy. Có những tác giả đã viết do thôi thúc của chính mình trước câu chuyện thời đại, để rồi những nốt nhạc, lời thơ ngân dài lên câu chuyện ấy. Đất nước bên bờ sóng kể câu chuyện biển rộng, sông dài của ta. Đất nước lời ru nói về những người mẹ anh hùng, mà đến giờ, sau nhiều năm vẫn cần chia sẻ. Mùa hè sinh viên rạo rực trong ngực người trẻ, để màu áo xanh đã thành một biểu tượng thanh niên giản dị.
Khát vọng trẻ: Kể chuyện thời đại bằng âm nhạc 2Các vũ công Ukraine trên sàn tập ngày 26.12 - Ảnh: Nhật Trường
Viết với cảm xúc dữ dội và mãnh liệt
Tác giả của Biển khát, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, cũng là người nhiều năm sáng tác theo “đơn hàng thời đại”. Cùng cây đàn violin đi biểu diễn phục vụ chiến trường chống Mỹ từ khi mới 16 tuổi, nhạc phẩm của ông đã luôn kể câu chuyện thực tế mà ông cảm nhận. “Quan trọng nhất vẫn là xúc cảm của người nghệ sĩ. Người ta mời chúng tôi đi thực tế, rồi từ cảm xúc đó viết. Những năm 1980 - 1990 với anh em nhạc sĩ, đồng tiền chưa phải là điều kích thích sáng tác. Tất cả chỉ là công việc và cảm xúc thôi”, ông nhớ lại. Biển khát được ông viết với cảm xúc dữ dội và mãnh liệt, thậm chí thật khó tìm thấy mối dây với sự trong sáng, dịu dàng của Hạt mưa mùa xuân của cùng một tác giả.
“Tôi nghĩ một chương trình nghệ thuật cho người trẻ khó nhất là làm sao khớp với đời sống đang diễn ra”, đạo diễn Trần Vi Mỹ nói. Khớp với đời sống, theo anh chính là chuyện làm sao để những bài hát đó thật thân quen với những gì người trẻ đang quan tâm. Điều đó, phần nào có thể được thực hiện bằng sự biến tấu, bằng phối khí, bằng hỗ trợ của các loại hình nghệ thuật khác, bằng kỹ xảo sân khấu hiện đại.
Nhưng điều quan trọng nhất, theo đạo diễn Trần Vi Mỹ vẫn là sức sống nội tại của những bài ca, sự gắn kết của những câu chuyện thời đại trong đó.
Mồ hôi trên sàn tập
Chiều qua, 26.12, các vũ công Ukraine có buổi tập đầu tiên trên sân khấu chính thức của Khát vọng trẻ 8 tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Trong thời tiết giá lạnh, các vũ công vẫn ướt đẫm mồ hôi trên sàn tập.
Buổi tập bắt đầu từ 13 giờ, các vũ công chỉ có khoảng 5 phút giữa các phần tập để thay trang phục, uống nước và ăn nhẹ, trong khi đó đạo diễn Trần Vi Mỹ và biên đạo múa Tạ Hưng làm việc không ngơi nghỉ. “Các bạn đang tập rất tốt. Hưng không bất ngờ vì các bạn luôn cố gắng tốt nhất, từ khi Hưng kèm các bạn bên Ukraine”, biên đạo múa Tạ Hưng nói vội vàng trước khi quay trở lại sàn tập.
“Những ngày qua, do lệch múi giờ nên chúng tôi khó ngủ. Chúng tôi đang làm quen dần. Đồ ăn VN lại ngon quá, chúng tôi ai cũng ăn no. Việc tập luyện ban đầu hơi trục trặc, ngày mai sẽ phải ăn ít đi một chút, thật là tiếc nhưng để buổi biểu diễn được tốt hơn”, Alina, vũ công 17 tuổi vui vẻ cho hay.
Trong buổi tập chiều qua, các vũ công cũng làm quen với việc trình diễn áo dài VN. Dù chưa thử áo dài và phải đi giày cao gót biểu diễn trên sân khấu, nhưng các cô gái Ukraine vẫn rất tự tin. “Trang phục may sắp xong rồi. Chúng tôi háo hức được mặc thử vì tôi thấy con gái VN mặc áo dài trông ai cũng đẹp hơn”, vũ công Lilia nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.