Khẩu chiến xoay quanh kế hoạch hạt nhân của Nga ở Belarus

28/03/2023 06:51 GMT+7

Trong khi phương Tây lên án việc Nga dự định đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus, một số quan chức phương Tây và chuyên gia nhận định kế hoạch này khó có thể được triển khai trong tương lai gần.

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 25.3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này dự kiến hoàn tất việc xây dựng một cơ sở để triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus vào đầu tháng 7. Theo ông Putin, việc này về bản chất không có gì khác việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở các nước châu Âu thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Xem nhanh: Ngày 396 chiến dịch, Ukraine nói Bakhmut "cần thiết về quân sự", Nga xác nhận mất tàu đổ bộ

Khẩu chiến bùng nổ

"Luận điệu về vũ khí hạt nhân của Nga là nguy hiểm và vô trách nhiệm", phát ngôn viên NATO Oana Lungescu bình luận ngày 26.3, đồng thời cho biết NATO đang theo dõi sát sao tình hình và vẫn chưa thấy dấu hiệu nào từ phía Nga khiến liên minh phải thay đổi đánh giá. Bà Lungescu cũng cho rằng cách tổng thống Nga đề cập đến chính sách chia sẻ vũ khí hạt nhân trong NATO "hoàn toàn gây hiểu nhầm", cáo buộc Moscow "liên tục phá vỡ các cam kết về kiểm soát vũ khí", theo Reuters.

Khẩu chiến xoay quanh kế hoạch hạt nhân của Nga ở Belarus - Ảnh 1.

Quân đội Belarus trong một cuộc tập trận chung với Nga năm 2022

The New York Times

Cao ủy Đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) Josep Borrell cho rằng việc Belarus tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Nga sẽ là "hành động leo thang vô trách nhiệm, đe dọa an ninh châu Âu". Ông cảnh báo EU sẵn sàng tung ra các lệnh trừng phạt mới nếu Minsk không thay đổi quyết định. Trong khi đó, Ukraine kêu gọi HĐBA LHQ tổ chức họp khẩn về vấn đề này.

NATO chỉ trích phát ngôn của Tổng thống Putin về triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus

Về phía Moscow, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định phản ứng của phương Tây sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus. "Đương nhiên là những phản ứng kiểu như vậy không thể làm lung lay kế hoạch của Nga. Tổng thống [Putin] đã giải thích mọi thứ trong phát biểu của mình… và không có gì để nói thêm", Hãng tin RIA Novosti dẫn lời ông Peskov nói với các phóng viên hôm 27.3.

Cùng ngày, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev cáo buộc NATO đã trở thành một bên trong xung đột ở Ukraine.

"Họ biến Ukraine thành một doanh trại quân đội lớn. Họ gửi vũ khí và đạn dược cho quân đội Ukraine, cung cấp thông tin tình báo cho nước này", ông Patrushev nói với báo Rossiyskaya Gazeta của chính phủ Nga trong một cuộc phỏng vấn. Ông cũng tuyên bố Nga có vũ khí để tiêu diệt bất kỳ kẻ thù nào, kể cả Mỹ, nếu sự tồn tại của mình bị đe dọa.

Hoài nghi về lộ trình

Trong khi đó, giới chức Mỹ đã cố gắng xoa dịu những lo lắng. Theo ông John Kirby, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, Washington cho đến nay vẫn chưa phát hiện bất cứ bằng chứng nào cho thấy Nga đã di chuyển vũ khí hạt nhân hoặc lên kế hoạch sử dụng chúng ở Ukraine. "Chúng tôi không thấy bất cứ điều gì khiến chúng tôi phải thay đổi thế trận răn đe chiến lược", ông nói trên Đài CBS ngày 26.3.

Tổng tư lệnh Ukraine công bố video bắn tên lửa đánh chìm tàu đổ bộ Nga

Theo ông Putin, việc xây dựng kho tàng ở Belarus sẽ hoàn tất trước ngày 1.7, nhưng một số chuyên gia đã bày tỏ hoài nghi về mốc thời gian này. Trả lời báo The Guardian, họ chỉ ra việc Nga đã triển khai xây dựng một cơ sở chứa vũ khí hạt nhân ở Kaliningrad trong ít nhất 7 năm qua và hiện vẫn chưa rõ liệu Moscow đã thực sự đưa được các đầu đạn tới đó hay chưa. Đến nay, không có hình ảnh vệ tinh nào cho thấy một cơ sở tương tự đang được xây dựng ở Belarus.

Pavel Podvig, một trong những chuyên gia độc lập hàng đầu thế giới về kho vũ khí hạt nhân của Moscow, cho biết hiện vẫn chưa rõ liệu quá trình xây dựng ở Belarus đã bắt đầu hay chưa. "Lộ trình 3 tháng [để hoàn thành trước tháng 7] có vẻ thực sự rất căng", tờ The Guardian dẫn lời ông Podvig. 

Phản ứng của Trung Quốc

Khi được đề nghị bình luận về kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhắc lại tuyên bố chung của lãnh đạo 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hồi tháng 1.2022, rằng "một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ không có người thắng và không được phép xảy ra".

"Trong hoàn cảnh hiện tại, tất cả các bên cần tập trung nỗ lực ngoại giao để giải quyết khủng hoảng Ukraine bằng biện pháp hòa bình và cùng nhau xuống thang", bà Mao nói trong họp báo thường kỳ ngày 27.3, theo website Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.