Mới đây, một học sinh lớp 6 tại một trường THCS tại TP.Quy Nhơn (Bình Định) về kể với ba mẹ: “Lớp con có 2 bạn ở lại lớp của năm học trước mới chuyển vào”.
Phụ huynh rất ngạc nhiên, đem chuyện kể với một người bạn. Người này thốt lên: “Chu choa, trường nào mà còn tử tế dữ vậy?”. Phụ huynh khác lại tấm tắc: “Đúng là của hiếm!”.
Giáo dục hiện nay không chỉ có một chuyện lạ lùng như vậy.
Một cậu bé mới vào lớp 1 nói với mẹ: “Mai mốt nghỉ hè con không đi chơi ở quê nội nữa, con muốn đi học! Các bạn biết đọc hết các chữ dài rồi mà con chỉ đọc được chữ ngắn. Các bạn viết đẹp, con viết xấu, bị cô la. Con không muốn như vậy mẹ ơi!”. Thì ra, phụ huynh này chỉ vì muốn con được vui chơi nốt kỳ nghỉ hè cuối cùng của bậc mầm non nên không cho con đi học chữ trước. Đến khi vào lớp 1, cả lớp chỉ còn vài học sinh (HS) gần như mới học từ đầu. Không theo kịp các bạn, cậu bé ức chế quá, ngủ không được!
Đã bắt đầu có những cuộc họp phụ huynh mà giáo viên không chỉ thông báo, phụ huynh không phải đến chỉ để đóng tiền hay nghe phàn nàn, mà trở thành buổi đối thoại, chia sẻ, lắng nghe.
Một lá thư lan truyền trên mạng, được cho là của một nhà văn trẻ viết: Đơn xin cho con được học dốt! Người này viết lên suy nghĩ: “Tôi viết đơn này, chỉ mong quý nhà trường, quý Bộ xem xét và cho phép con tôi được trở thành HS dốt trong năm học này. Tôi xin nhận mọi khuyết điểm về phần mình khi quyết định cho cháu nhà là HS dốt, không giỏi, không tiên tiến. Chắc chắn điều này sẽ làm thành tích thi đua của lớp, của trường ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng bằng trái tim người mẹ, tôi muốn cứu con mình ra khỏi vòng xoáy của áp lực học hành…”.
Tự bao giờ, một trường học được cho là nơi tử tế lại chính là nơi “dám” để cho HS của mình bị lưu ban?
Tự bao giờ, những phụ huynh và HS thực hiện đúng chủ trương của những người đứng đầu ngành giáo dục là trẻ lớp 1 không đi học chữ trước, muốn cho con được vui chơi thoải mái để bước vào lớp 1 với tất cả sự háo hức, mong chờ, thì con của họ lại chịu thiệt thòi đủ thứ: thua kém bạn bè, bị cô giáo gây áp lực, từ đó sợ hãi khi phải đến trường, luôn tủi thân, mất tự tin…
Tôi nhớ, khi tôi học ở Việt Nam, cô giáo đã bắt chúng tôi nghe và chép những gì cô giảng kể cả khi làm văn. Sau kỳ thi, cả lớp có những bài viết gần như giống hệt nhau. Giờ tôi mới biết các thầy cô đã dùng sách giáo khoa dạy văn để đọc cho chúng tôi chép. Vậy chúng tôi đến trường để làm gì khi có thể ở nhà đọc sách giáo khoa và tự học thuộc?
Trước kia, việc đánh giá năng lực học sinh được xếp thứ tự từ 1 cho đến hết, dựa vào điểm số các môn. Giỏi thì đứng số 1. Và cũng chỉ có 1, 2 người đứng nhất lớp. Thế nhưng giờ đây, nhất là ở các thành phố lớn, cả lớp ai cũng là “số 1”. Trước kia, những đứa trẻ học xong mầm non, tha hồ vui chơi trong kỳ nghỉ hè để rồi háo hức bước vào lớp 1. Còn bây giờ, ở các lớp dạy thêm tại gia, nhiều phụ huynh cho con đi học chữ từ năm 4, 5 tuổi.
Bao giờ thì những giáo viên, trường học, phụ huynh, HS làm đúng khả năng, lương tâm và trách nhiệm, sẽ không bị coi là lạc lõng, đi ngược, là “của hiếm”, chỉ vì số đông hơn làm sai?
Bình luận (0)