Khi anh hùng dân tộc đi vào trường ca

Hà Tùng Sơn
Hà Tùng Sơn
29/09/2022 13:47 GMT+7

Quả thật tôi đã rất lấy làm khâm phục và thú vị khi cầm trên tay tập Trường ca về anh hùng dân tộc (NXB Đà Nẵng, 2022) của tác giả Phạm Văn Thành, một nhà giáo có nhiều năm giảng dạy văn học ở Quảng Ngãi .

Ở nước ta, việc đưa lịch sử vào thơ, tái hiện lịch sử bằng thơ là một hình thức đã có từ rất sớm và khá hiệu nghiệm trong phổ biến kiến thức lịch sử đến công chúng, đặc biệt là đến với lứa tuổi thanh niên, học sinh. Từ năm 1942, Bác Hồ đã có những vần thơ rất hay về lịch sử Việt Nam trong bài thơ Lịch sử nước ta của Người:

… Hồng Bàng là Tổ nước ta

Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang

Thiếu niên ta rất vẻ vang

Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời…

(Hồ Chí Minh -Lịch sử nước ta)

Và cũng trong bài thơ trên, Bác Hồ đã dạy:

Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam

Thấm nhuần lời dạy của Bác kính yêu, tác giả - thầy giáo Phạm Văn Thành đã dày công nghiên cứu tìm hiểu về các nhân vật lịch sử nổi tiếng từ thời Hồng Bàng đến thời cách mạng tất cả gồm 68 nhân vật và anh đã đưa tên tuổi, sự nghiệp lẫy lừng của các đấng anh hùng dân tộc đó vào trong bản Trường ca về anh hùng dân tộc dài 1.108 câu thơ chứa đựng trong 80 trang sách của mình. Đó có thể xem là một kỳ công trong sáng tạo nghệ thuật.

Trường ca về anh hùng dân tộc của Phạm Văn Thành

Với thể thơ truyền thống song thất lục bát, một thể thơ dễ đi vào lòng người bởi dễ đọc, dễ nhớ và dễ thuộc, Trường ca về anh hùng dân tộc đã nêu bật được sự nghiệp, công lao to lớn của các bậc anh hùng dân tộc ta qua các thời đại lịch sử với tất cả lòng kính trọng và ngưỡng mộ. Mỗi nhân vật được Phạm Văn Thành đưa vào trường ca đều có đủ 3 nội dung: quê quán, sự nghiệp và công trạng với những đặc điểm điển hình và họ đều đã trở thành những hình tượng văn học.

Dù số lượng các nhân vật anh hùng lịch sử khá nhiều nhưng với mỗi bậc anh hùng, tác giả đều nhắc đến những nét cơ bản để từ đó làm hiện rõ vóc dáng của họ. Chẳng hạn công lao của An Dương Vương, vị vua lập nên nhà nước Âu Lạc đã được Phạm Văn Thành viết:

Dân Âu Việt kề bên có nước

Và có người họ Thục xưng vương

Thừa cơ đánh chiếm Văn Lang

Lập nên Âu Lạc vẻ vang một thời...

(Trang 9)

Mặc dù công trạng của An Dương Vương to lớn là vậy nhưng từ câu chuyện tình yêu của con gái ông là công chúa Mị Châu với Trọng Thủy, tác giả vẫn không quên nhắc đến bi kịch cuộc đời của vị vua này khi ông rút kiếm chém chết con gái và để lại cho hậu thế một câu hỏi lớn về công và tội của ông:

An Dương Vương với Mị Châu

Ai làm mất nước đời sau luận bàn

(Trang 10)

Đó chính là thái độ khách quan, tôn trọng lịch sử của tác giả khi viết về người anh hùng dân tộc. Điều đó được thể hiện khá rõ nét trong bản Trường ca về anh hùng dân tộc.

Có thể nói, việc trường ca hóa các anh hùng lịch sử, đưa các anh hùng lịch sử vào trường ca của Phạm Văn Thành đã góp phần làm phong phú, đa dạng thêm cách thức tiếp cận lịch sử. Đây được xem là một giải pháp có hiệu quả và mang tính bền vững cho việc phổ cập kiến thức lịch sử vào các tầng lớp nhân dân lao động mà trước hết là cho thế hệ trẻ. Mỗi câu thơ trong Trường ca về anh hùng dân tộc đều chứa đựng nhiều thông tin, sự kiện của lịch sử được thể hiện bằng ngôn ngữ trữ tình, cô đọng. Điều đó đã khiến cho những kiến thức lịch sử tưởng chừng khô khan, kể lể bỗng trở nên mềm mại, giàu tính hình tượng và dễ đi vào lòng người đọc.

Cái hay của Trường ca về anh hùng dân tộc là khi viết về các nhân vật lịch sử tác giả đã khắc họa được những chiến công làm nức lòng người. Phạm Văn Thành đã viết về Trưng Vương với những câu thơ hào sảng:

Chị em phất ngọn cờ hồng

Cùng quân tượng mã tấn công Luy Thành

Tên Tô Định thất kinh tháo chạy

Cùng tàn quân trốn tại quận Nam

Hai Bà đuổi hết quân tham

Nước Nam thu trọn sáu lăm thành trì...

(Trang 12)

Những câu thơ như thế của Phạm Văn Thành đã làm thức dậy lòng tự hào dân tộc ở mỗi người đọc.

Cũng vì thế mà Trường ca về anh hùng dân tộc khi viết về mỗi anh hùng lịch sử đã có ý nghĩa như là một sự tạo dựng nên những tấm bia đá vĩnh cửu về con người và công trạng của họ. Đó là những tấm bia đá bằng thơ của Phạm Văn Thành.

Chẳng hạn, nữ anh hùng Triệu Thị Trinh được hiện lên rõ nét trong những câu thơ lẫm liệt:

Mặc giáp phất cờ vàng tiến tới

Đánh quân thù cùng với anh trai

Quân Ngô khiếp vía chạy dài

Giao Châu thứ sử sợ oai Nhụy Kiều...

(Trang 14)

Từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến nay, viết trường ca và đưa lịch sử vào trường ca trong văn học Việt Nam hiện đại đã trở thành một sự chuyển biến mới mẻ trong sáng tạo nghệ thuật của nhiều nhà thơ. Đó cũng một bước tiến đáng ghi nhận cả về hình thức thể hiện cũng như trong sự khám phá mới về nội dung. Chính những bản trường ca về lịch sử như Trường ca về anh hùng dân tộc của Phạm Văn Thành đã góp phần làm cho trường ca trong văn học Việt Nam đương đại mang thêm một nét diện mạo mới. Vì thế khi đọc Trường ca về anh hùng dân tộc, độc giả sẽ có được những cảm hứng thấm đẫm lòng tự hào dân tộc. Phạm Văn Thành đã viết về người anh hùng Ngô Quyền với những câu thơ như thế:

Người anh hùng không sợ lũ ngông

Ái Châu phất ngọn cờ hồng

Tiến quân ra Bắc tấn công La Thành

Kiều Công Tiễn thất kinh tháo chạy

Bị Ngô Công chém tại sa tràng

La Thành sạch bóng sói lang

Giang sơn ta lại rỡ ràng như xưa

(Trang 25)

Đó là một cách đi sâu vào hiện thực lịch sử trong những câu thơ của Trường ca về anh hùng dân tộc. Chính những tấm gương anh hùng trong lịch sử đất nước ta đã góp phần làm tăng thêm sự nhận thức về đất nước và con người Việt Nam cho người đọc. Nói cách khác, trong tác phẩm này, lịch sử đã được phản ánh một cách khách quan như nó vốn có.

Có thể nói, viết Trường ca về anh hùng dân tộc, tác giả Phạm Văn Thành đã có một cảm hứng về cái rộng lớn và sâu thẳm; một nguồn cảm hứng mạnh mẽ, tuôn trào về những trang sử hào hùng của đất nước suốt bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đặc biệt những nhân vật anh hùng lịch sử khi đi vào thơ của Phạm Văn Thành đã mang tính khái quát cao. Vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) trong thơ anh là một bậc anh hùng cái thế điển hình cho lòng yêu nước của người Việt từ ngàn xưa:

Từ lúc khoác áo vàng xưng đế

Vua nêu cao vị thế non sông

Đại Hành là bậc anh hùng

Mấy phen đánh giặc chiến công lẫy lừng

(Trang 28)

Trên thực tế, sáng tác trường ca, nhất là về những đề tài, những nhân vật lịch sử đã thành công quá nhiều trong thơ ca chẳng hạn khi viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh, tác giả dễ rơi vào tình trạng bị hụt hơi và khi đó họ tạo ra những câu thơ mang tính vần vè ít chất nghệ thuật. Thế nhưng với Trường ca về anh hùng dân tộc, Phạm Văn Thành đã rất thành công khi anh hạ bút viết những câu thơ chân phương nhưng tràn đầy xúc cảm về Bác Hồ, một vị anh hùng kiệt xuất trong lịch sử đất nước thời kỳ cách mạng:

Người lập nước Cộng hòa Dân chủ

Chế độ xưa phá bỏ từ đây

Nhân dân các chốn vui vầy

Một lòng theo Bác dựng xây nước nhà

...Người lãnh tụ tình sâu nghĩa nặng

Luôn nêu cao lẽ sống vì dân

Hồ Chí Minh, bậc vĩ nhân

Cuộc đời tỏa sáng như vầng thái dương

(Trang 75)

Xây dựng hình tượng Bác Hồ với những câu thơ giản dị mà mang tính khái quát cao như vậy, đó là một thành công lớn của Phạm Văn Thành trong Trường ca về anh hùng dân tộc.

Phạm Văn Thành quê Quảng Ngãi, anh tốt nghiệp đại học từ khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn và trở thành một giáo viên văn có nhiều năm giảng dạy ở bậc THPT. Ngay từ khi còn là một sinh viên khoa văn anh đã chí thú học hành và thích sáng tác thơ ca. Nhiều bài thơ của anh đã được đăng báo và đi vào lòng người đọc. Với sự ra đời của Trường ca về anh hùng dân tộc, thêm một lần nữa Phạm Văn Thành khẳng định tài năng và sự đóng góp đáng kể cho sự phát triển của thể loại trường ca mang tính sử thi trong thơ ca hiện đại Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.