Mà lại hát thế này: “Hôm nồ chống mình ngồi dzới nhau, dừng treng lẹng lẽ soi hai má đào. Có gì sâu lạc dzồ mét biếc, ngước lên nhìn nha, anh thì thầm ngần năm sa mét em còn sau…” - tạm phiên âm theo những gì nghe được từ album mới phát hành Duyên kiếp.
May mà đĩa bolero bằng giọng Quảng Nam chỉ là bản tặng kèm. Nhờ có bản chính, nhiều người nhận ra bài Em chờ anh trở lại: “Hôm nào chúng mình ngồi với nhau, vầng trăng lặng lẽ soi hai mái đầu. Có vì sao lạc vào mắt biếc, ngước lên nhìn nhau, anh thì thầm, ngàn năm sau mắt em còn sâu…”.
Điều ngộ nghĩnh nữa là lần đầu tiên Ánh Tuyết trở thành “hot girl” trên mạng. Do sau khi thu nghịch mấy bản bolero bằng tiếng Quảng Nam, chị hứng chí gửi cho bạn bè, có người bèn đưa Mưa chiều kỷ niệm lên trang YouTube mà không đưa tên người hát.
|
Clip Giọng hát cô gái Quảng Nam gây một cú sốc nho nhỏ trong thế giới mạng, nhất là khi người nghe đoán ra người hát là ai. Nửa tháng sau khi đĩa phát hành, Ánh Tuyết bắt gặp những người bán báo dạo ở Đà Nẵng mang Duyên kiếp của chị theo để bán (tất nhiên là đĩa lậu). Dù sao điều này cũng chứng tỏ “cô gái Quảng Nam” không chỉ hot trên mạng.
Từ hồi nào tới giờ, người ta chỉ dùng tiếng Quảng khi hát dân ca xứ này. Nhưng ngay cả dân ca Quảng giờ cũng được hát bằng ngôn ngữ phổ thông. Chẳng hạn “Trên trời có đám mây xanh, chính giữa mây trắng, xung quanh mây vàng…” (Lý trách chồng) - nếu hát đúng tiếng Quảng (theo Ánh Tuyết) thì phải là: “Chừ trên trời chừ có đốm ma xanh chính giữa ma trắng…”.
Chính vì thế, lần đầu tiên có người đưa tiếng Quảng vào tân nhạc, không tránh khỏi điều ra tiếng vào. Nhưng Ánh Tuyết tính ra 98% những bình luận cho clip Giọng hát cô gái Quảng Nam là tích cực.
“Người ta xúc động, may mắn ở chỗ đó. Tôi sợ mọi người sẽ cười. Tất nhiên cũng vài người không hiểu, nói tôi giả giọng không tới. (cười) Tôi giả giọng không tới thì còn ai?! Tôi không giả giọng”.
Tuy vậy, Ánh Tuyết cũng tâm sự: “Ở đây, tôi phát âm hoàn toàn Quảng nhưng rất nhẹ và ngọt. Còn nếu hát theo kiểu vùng nông thôn nữa thì nó như nạt nộ người ta vậy”.
Việc Ánh Tuyết hát nhạc bolero đã có vẻ tình cờ, thì việc ra đĩa tiếng Quảng lại càng không định trước. Tháng 6-2012, trong lần về Đà Nẵng thăm nhạc sĩ Minh Kèn (bạn cùng học ở Học viện m nhạc Huế), Ánh Tuyết hát vu vơ một câu trong Chuyến tàu hoàng hôn, Minh Kèn đệm ghi ta.
Hai người thấy thú, thu thử luôn. Vì nhạc bolero hát tương đối dễ nên chị thu liền 8 bài, hôm sau 12 bài, hôm sau nữa 13 bài. Và hôm kế tiếp thì… thu lại từ đầu vì đã quyết định thu thật để ra đĩa.
Chắc hẳn nhiều người con xứ Quảng sẽ hiểu tâm trạng của Ánh Tuyết: “Thường trong vở kịch hay câu chuyện người ta hay đem giọng Quảng cũng như các giọng của miền Trung Nam Bộ ra để gây cười. Giọng Quảng quá đặc biệt, là thử thách với những người bắt đầu nghe nó. Nhưng rồi đây, nếu để giọng Quảng phổ biến trong âm nhạc như giọng Bắc, giọng Nam, giọng Huế thì là cả một câu chuyện khác.
Tuy nhiên, xét trên khía cạnh bảo tồn văn hóa, việc làm của Ánh Tuyết sẽ mang ý nghĩa đặc biệt. Chị cho hay: “Bây giờ hầu như Đà Nẵng không còn nói giọng Quảng nữa. Hội An cũng đang mất dần giọng Quảng. Người ta nói trung tính, nhẹ đi cho du khách hiểu nhanh hơn, hầu như pha 70-80% với giọng Nam, bỏ những từ địa phương rất nhiều. Chính vì vậy tự nhiên tôi nghĩ, thôi mình hát cái gì đó để lại…”.
Nói thêm là Ánh Tuyết hát nhạc bolero theo kiểu nhẹ nhàng, sâu lắng, trong khi giọng hát đậm màu dân ca của chị có thể làm cho những bài hát cũ kỹ trở nên đúng kiểu “sến” hơn nữa.
Chị bày tỏ: “Để mùi mẫn thì tôi thừa sức. Nhưng tôi không muốn quá bi lụy. Trong sự mất mát đau thương đó phải có cái gọi là "tỉnh giấc sau cơn mê" để không làm người nghe cảm thấy mệt mỏi, buông xuôi, chán chường”.
Ánh Tuyết cũng hy vọng đóng góp phần nào để công chúng không nghĩ bolero - dòng nhạc ngấm vào chị từ thuở lên ba - là sến hay bình dân, mà chỉ như một dòng nhạc bình dị.
Theo N.M.Hà / Tiền Phong
>> Nghe Ánh Tuyết hát boléro
>> Ánh Tuyết ra mắt album bằng giọng Quảng Nam
>> Những bức ảnh tuyệt đẹp được chụp từ iPhone 5
>> Ánh Tuyết hát trên “cung trăng”
Bình luận (0)