Khi báo chí “phong thánh” cho một người phụ nữ bình thường

12/05/2015 10:26 GMT+7

Từ khi người mẫu Duy Nhân phát bệnh rồi mất, số lượng các bài báo viết về Kiều Oanh, người vợ của Duy Nhân nhiều không kể hết. Từ một người phụ nữ bình thường lo cho chồng như bao phụ nữ khác, qua báo chí, cô bỗng trở thành một phụ nữ phi thường.

Từ khi người mẫu Duy Nhân phát bệnh hồi năm ngoái cho tới ngày anh ra đi vĩnh viễn, số lượng các bài báo viết về cô Kiều Oanh, người vợ của Duy Nhân nhiều đến mức không kể hết. Từ một người phụ nữ bình thường lo cho chồng như bao phụ nữ khác, qua báo chí, cô bỗng trở thành một phụ nữ phi thường.  

Do báo chí quan tâm quá mức tới Duy Nhân và gia đình anh đã khiến cuộc sống riêng tư của các thành viên trong gai đình, nhất là vợ anh không còn được bình thường. Ảnh: Hà Ngân
Về nhan sắc, báo chí cơ hồ như muốn đưa cô lên hàng “đại mỹ nhân” với bao ngôn từ mỹ miều. Về hạnh kiểm, báo chí cũng như muốn đặt cô ngang hàng với những phụ nữ được vua sắc tứ “tiết hạnh khả phong” thời xưa với bao lời ca ngợi công đức của cô.
Ô hay, cô ấy đâu có gì đâu mà làm ồn ào quá vậy? Nhan sắc thì cũng bình thường như hàng vạn cô gái khác. Công đức thì cô ấy cũng chỉ làm những việc mà hầu như ai rơi vào hoàn cảnh của cô ấy cũng đều làm như vậy. Chồng bệnh thì đến bệnh viện chăm chồng, chồng mất thì khóc chồng, để tang chồng và cùng gia đình chồng lo phần hậu sự. Chỉ có thế thôi mà, đâu có gì ghê gớm! Ngay cả chuyện cô ấy là vợ của người mẫu Duy Nhân thì Duy Nhân cũng chỉ là một người mẫu, diễn viên bình thường thôi! Có chăng chỉ là một số phận đáng thương.
Thế nhưng báo chí thì lại không muốn coi cô ấy là người bình thường, mà phải là một người phi thường.
Sở dĩ tôi đặt vấn đề như vậy là vì tôi tin chắc, báo chí chưa thể buông tha cho cô ấy. Sẽ có những bài báo tiếp tục đi sâu vào đời tư của cô sau này như là Kiều Oanh ở với mẹ chồng hay với mẹ ruột sau ngày Duy Nhân mất, Kiều Oanh sẽ về Huế hay ở lại Sài Gòn,… Có một ngàn lẻ một lý do để báo chí tiếp tục quấy rầy một người phụ nữ đáng thương. Và chắc chắn cũng sẽ có những thông tin giật gân hay thất thiệt kiểu như Kiều Oanh mang thai bằng thụ tinh trong ống nghiệm như vừa rồi mà tang gia phải nhờ báo chí cải chính.
Báo chí thỏa mãn việc khai thác thông tin, còn số phận một cô gái mới 24 tuổi đầu thì sao? Cô ấy không thuộc giới showbiz để cần sự nổi tiếng. Ngược lại, cô ấy bị một áp lực đè nặng do sự nổi tiếng bất đắc dĩ đưa đến. Mỗi một hành động, một việc làm của cô ấy sau này sẽ bị báo chí theo dõi, săm soi, phán xét. Do bị đưa lên hàng “đại mỹ nhân” và “tiết hạnh khả phong”, tôi tin chắc khi cô ấy có một thay đổi gì đó trong đời sống tình cảm, thí dụ như quen một người đàn ông khác, hoặc bước thêm một bước nữa, sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với những cô gái bình thường khác.
Báo chí nhân văn không chỉ nghĩ đến việc thỏa mãn thông tin, mà còn cần nghĩ đến số phận một con người mà anh viết về họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.