Khi Chử Đồng Tử là người làng chèo Khuốc Thái Bình

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
06/10/2022 10:37 GMT+7

Những làn điệu chèo của làng Khuốc Thái Bình qua giọng ca của Chử Đồng Tử và Tiên Dung khiến công chúng yêu di sản này hơn.

Chuyện tình bằng thơ và chèo

Những cụm cỏ lau trắng muốt như say la đà trong gió lộng ven sông. Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã gặp nhau bên bờ sông như thế trong vở diễn Thiên duyên huyền tích của Nhà hát chèo Thái Bình. Đây là một câu chuyện tình yêu được hát lên bằng lời thơ và âm nhạc của chèo, trong đó có những làn điệu chèo làng Khuốc Thái Bình. Họ gặp nhau, yêu nhau, bị cha cấm cản nhưng vẫn quyết tâm đến với nhau. Họ xây lên lâu đài thành quách và tạo giao thương buôn bán tấp nập. Cuối cùng, họ hóa thành đôi hạc trắng bay về trời cũng từ triền sông này.

Chuyện tình Chử Đồng Tử và Tiên Dung được kể bằng những làn điệu chèo

ảnh trinh nguyễn

“Câu chuyện tình yêu đẹp đẽ giữa Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã bao đời nay khiến người ta rung động. Nhưng họ không chỉ yêu nhau mà còn thương dân, lo cho dân. Từ đó, chúng ta có cả câu chuyện của người làm vua, người lo cho trăm họ”, ThS Lê Thế Song, người chuyển thể kịch bản chèo vở Thiên duyên huyền tích, nói. Vở diễn sẽ dự liên hoan sân khấu chèo toàn quốc tháng 10 này.

Ông đã chuyển thể nó từ kịch bản của cố tác giả Hoàng Luyện. Sự kết hợp của hai tác giả này khiến cho vở diễn có những đoạn thơ, đoạn đối thoại rất ý nhị. Những đoạn thơ đó cũng giúp kịch bản đã có tuổi đời 60 năm vẫn toát lên được vấn đề chưa bao giờ cũ: cuộc đấu tranh thiện - ác, sự cởi mở trong giao thương, cạm bẫy của quyền lực, sự sa ngã trước những lời phỉnh nịnh ngọt ngào.

Thiên duyên huyền tích có sự tham gia của dàn diễn viên trẻ

ảnh trinh nguyễn

NSND Vũ Ngọc Cải, Giám đốc Nhà hát chèo Thái Bình, cũng rất tâm đắc với kịch bản Thiên duyên huyền tích. Ông cho biết Chử Đồng Tử là một trong bốn nhân vật được coi là tứ bất tử của Việt Nam. Qua vở diễn về vị thánh và thiên duyên của ngài, nhà hát còn muốn truyền đi thông điệp về khát vọng tự do, hạnh phúc của con người cũng như tinh thần không có sự đoàn kết thì không có triều đại nào tồn tại cả.

Bản diễn Thiên duyên huyền tích của Nhà hát chèo, đáng mừng, đã dựng lên được một không gian giàu chất thơ. Màu sắc của vở diễn cũng rất đằm thắm. Nhờ đó, không gian thanh bình của làng Chử Xá - nơi Chử Đồng Tử Tiên Dung gặp nhau và xây dựng cơ đồ trở nên ấm áp thân thuộc. Những ngọn lau, những bộ trang phục nâu, cam, vàng, trắng… nổi bật trên nền trời xanh nước xanh xa xa. Đó chính là không gian mang màu sắc đồng bằng Bắc Bộ rõ rệt.

Di sản được trao truyền

Đạo diễn Lê Thành Tùng cho biết ông tha thiết muốn giới thiệu với khán giả về làng chèo Khuốc nổi tiếng của Thái Bình. Là đất chèo, ở đó, những người dân đều hát chèo, đều nghe chèo hàng ngày và thẩm định chèo vô cùng kỹ lưỡng. Làng Khuốc có khoảng gần 100 làn điệu chèo. Nhưng hơn thế nữa, người dân và những nghệ nhân chèo ở đây vẫn duy trì chiếu chèo lớn, biểu diên hàng tháng, hàng quý để giới thiệu văn hóa bản địa cho khách du lịch.

Cứu dân, giúp dân giàu có là mong muốn của Chử Đồng Tử

ảnh trinh nguyễn

Thiên duyên huyền tích cũng là vở diễn với số bài chèo lên tới 30, trong đó có nhiều làn điệu của làng Khuốc. Điều này tạo cơ hội cho các nghệ sĩ thể hiện giọng ca ngọt ngào của mình. Những bản chèo cổ ấy khiến người nghe thư thái. Xuân sắc của Chử Đồng Tử - Tiên Dung, cũng như nét diễn rất quyền uy của mẹ Tiên Dung, Lạc Tướng khiến vở diễn có nhiều sắc thái tâm lý hấp dẫn. Với cách dàn dựng này, có thể nói, Chử Đồng Tử mang rõ nét dấu ấn văn hóa chèo làng Khuốc, đã trở thành người làng Khuốc.

NSND Ngọc Cải cũng bật mí trong suốt quá trình luyện tập, các nghệ nhân chèo giàu kinh nghiệm đã chung tay giúp đỡ các nghệ sĩ nhận vai chính trong vở. “Luyện sao cho hát hay, hát ngọt và cũng múa đẹp những bài bản của chèo”, ông Cải nói.

Nghệ sĩ Xuân Hồng, con gái của cố tác giả Hoàng Luyện, vô cùng hài lòng vì vở chèo Thiên duyên huyền tích. Bà yêu những làn điệu chèo, yêu sự sinh động của các nhân vật trong vở diễn. Bà cũng yêu cả cách dàn dựng tôn vinh văn hóa dân tộc ở đó. Không chỉ là chèo, đạo diễn đã đưa thêm cả màn hát trống quân vào cảnh hội làng. “Cách dàn dựng này đã mang tới một sinh khí mới cho kịch bản của bố tôi với một góc nhìn và khai thác khác. Tôi rất hài lòng với các đạo diễn và nhạc sĩ khi đưa âm nhạc vào làm mới trong từng bản diễn”, bà Hồng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.