Khi chuột lên vũ trụ

23/01/2020 13:24 GMT+7

Chuột là con vật đứng đầu tiên trong 12 con giáp và cũng là một trong những loài đầu tiên được con người đưa vào vũ trụ.

Ngày 5.12.2019, tên lửa đẩy Falcon 9 của hãng ScapeX mang theo tàu vũ trụ Dragon được phóng lên từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở bang Florida. Tàu vũ trụ chở theo 2,5 tấn hàng tiếp tế và thiết bị khoa học lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Trong số hàng hóa có món hàng đặc biệt: chuột.
Không phải 1 mà là đến 40 con chuột biến đổi gien được đưa lên vũ trụ để thực hiện thí nghiệm có tên “Siêu chuột trong không gian”, nhằm tìm hiểu môi trường phi trọng lực tác động tới cơ thể con người như thế nào, theo CNN.

Các phi hành gia thường dành nhiều giờ mỗi ngày trên ISS để tập thể dục nhằm tránh bị teo xương, teo cơ và có thể thích nghi nhanh sau khi quay về môi trường trọng lực ở trái đất

Ảnh: NASA

Trong những chuyến du hành vũ trụ dài ngày, các phi hành gia thường bị teo cơ và teo xương mặc dù họ dành rất nhiều thời gian để tập thể dục. Tình trạng này kéo dài có thể gây các chứng bệnh về tim mạch và loãng xương.
Thí nghiệm được các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Jackson (bang Maine, Mỹ) tiến hành, trong đó họ tìm cách kìm hãm sự sản sinh protein myostatin, chất kiểm soát sự phát triển quá mức của cơ và xương trong cơ thể, để tìm hiểu liệu việc ngăn chặn myostatin trong chuột có giúp chống lại tình trạng teo cơ khi ở trong vũ trụ hay không.
40 con chuột bị ức chế myostatin khác cũng được nuôi ở trái đất để giúp so sánh kết quả với các con chuột được đưa lên vũ trụ.
Do bị biến đổi gien để giảm lượng myostatin nên những con chuột này có bộ cơ thường to gấp hai những con chuột bình thường, nên được gọi là siêu chuột. Tàu vũ trụ Dragon lên đến ISS vào ngày 8.12.2019 và sau quá trình nghiên cứu, các phi hành gia chuột đã được đưa về trái đất vào ngày 7.1.

Các phi hành gia thường không thể đi lại được ngay, sau khi quay về trái đất

Ảnh: AFP

Kết quả nghiên cứu có thể áp dụng để giúp cho các phi hành gia trong những chuyến du hành dài ngày lên mặt trăng hay sao Hỏa trong tương lai. Ngoài ra, nghiên cứu này còn được cho là có thể áp dụng để giúp ngăn chặn việc teo xương, teo cơ do nhiều chứng bệnh như loạn dưỡng cơ, loãng xương.
Kết quả nghiên cứu còn được cho là có thể áp dụng để giúp bệnh nhân không vận động lâu ngày hồi phục hay người già cải thiện khả năng vận động.
Con vật đầu tiên được đưa lên vũ trụ là ruối giấm, vào năm 1947 nhằm tìm hiểu tác động của phơi nhiễm phóng xạ ở trên cao. Ngày 15.8.1950, con chuột đầu tiên được đưa lên vũ trụ trên một tên lửa đạt độ cao 137 km. Trong lúc quay về, hệ thống dù gặp sự cố và tên lửa vỡ tan khiến con chuột mất mạng. Trong thập niên 1950, nhiều con chuột khác cũng được đưa lên vũ trụ để tiến hành thí nghiệm nhưng đều không sống sót, theo Space.com. Đến tháng 2.1961, Pháp phóng tên lửa đẩy đưa con chuột tên Hector vào vũ trụ. Tên lửa bay được 150 km rồi quay về và Hector còn sống.

Con chuột Hector và một con mèo được người Pháp đưa vào vũ trụ

Ảnh: chụp màn hình La Boite Verte

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.