Khi con gái hâm mộ thần tượng hơn người thân

18/06/2016 20:32 GMT+7

Một bữa ghé thăm nhà người quen, đi ngang qua phòng ngủ của cô con gái mười lăm tuổi của họ, thấy trước cửa và khắp phòng dán đầy ảnh của một ca sĩ trẻ đang rất nổi tiếng.

Không dừng lại ở không gian riêng của mình, cô bé còn dán ảnh của anh chàng ca sĩ tràn lan ở cầu thang, phòng khách, phòng ăn. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, mẹ cô bé chia sẻ “Ui, nó mê lắm em ơi. Bỏ ăn thì được chứ bỏ làm fan của ca sĩ này là nó chết. Chị mà tháo mấy tấm hình xuống là nó bỏ ăn bỏ uống ngay!”.
Hơn một lần tôi đã thấy rất nhiều bạn trẻ chen chúc nhau ở sân bay để chờ đón thần tượng của mình, trong số ấy có không ít còn mặc đồng phục học sinh, sinh viên. Các bạn đến từ rất sớm với băng rôn, hoa và gấu bông…
Thế nhưng khi thần tượng của họ xuất hiện, hầu hết chỉ được nhìn từ xa chứ không thể tiếp cận vì rào cản bảo vệ, vệ sĩ hoặc thần tượng của họ quá bận rộn để có thể dừng lại, nhất là ở những nơi như sân bay.
Đôi lần tôi tự hỏi, những bạn trẻ ấy có bao giờ đón chờ người thân của mình bằng thái độ háo hức, ngập tràn yêu mến và trân trọng như thế…? Tôi cũng từng chứng kiến màn khóc lóc vật vã của một cô bạn thời phổ thông vì vuột mất tấm vé xem thần tượng biểu diễn tại tỉnh nhà.
Bạn có thể nhịn ăn sáng hàng tháng liền để dành tiền mua vé và mua quà tặng thần tượng, thế nên khi không có được chiếc vé vào cửa, với bạn là một nỗi tuyệt vọng kinh khủng.
Một người bạn của tôi kể, có lần anh nhìn thấy một cô gái trẻ hôn lên chiếc ghế mà thần tượng vừa rời đi, những người khác thì xúm vào tranh giành một chiếc cài áo mà ca sĩ vô ý làm rớt trên sân khấu, họ lao vào nhau như kẻ thù chỉ để lấy bằng được món đồ ấy và có vài bạn nữ ngất xỉu vì bị chen lấn xô đẩy dẫn đến ngạt thở.
Thỉnh thoảng trên Facebook chúng ta vẫn bắt gặp những màn đấu khẩu không khoan nhượng giữa những nhóm người lớn tiếng bênh vực thần tượng của mình. Chỉ cần ai đó chê bai hay nói một điều tiêu cực về thần tượng của mình, bất kể là đúng hay sai, họ lập tức xù lông lên và sẵn sàng lao vào “cuộc chiến” một mất một còn để bảo vệ vị chúa tể trong trái tim họ.
Nhớ thời đại học, trong lớp tôi có anh bạn rất mê nhà kinh tế học Alfred Marshall, tác giả của Những nguyên lý cơ bản của Kinh tế học. Anh hay “bê nguyên si” những câu nói của thần tượng và thậm chí còn bắt chước kiểu tóc của ông ấy. Giờ đây, tuy không nổi tiếng như thần tượng của mình, anh ta cũng đã là một doanh nhân thành đạt và có vị trí nhất định trong lĩnh vực mà mình lựa chọn.
Gặp lại nhau, anh tâm sự, việc thần tượng một ai đó có khi mang lại cho một người nhiều hơn những gì họ mong đợi, điều cốt lõi là cần phải sáng suốt và có tư duy trong việc lựa chọn thần tượng - mẫu hình mà mình muốn học hỏi và vươn đến.
Thiết nghĩ, nếu các bạn trẻ biết lựa chọn cho mình những thú vui lành mạnh, những người bạn tử tế, và trên hết là một thần tượng xứng đáng… thì có lẽ không phụ huynh nào ngăn cấm hay phản đối.
Vấn đề là, hình như giới trẻ hiện nay đang định nghĩa hai từ “thần tượng” theo một cách rất hời hợt, sáo rỗng. Sự dễ tính ấy bắt nguồn từ sự thờ ơ, thiếu định hướng của gia đình và môi trường giáo dục, cũng như sự non nớt trong tư duy của những người trẻ.
Thật ra, thần tượng một ai đó là chuyện hết sức bình thường và thậm chí còn mang lại nhiều điều tích cực khi người ta biết noi theo những đặc điểm tốt đẹp của thần tượng, hướng đến những giá trị nhân thiện mỹ… chứ không phải là để bản thân bị lôi kéo vào thứ ánh sáng ma mị mà hai tiếng “thần tượng” có thể mang lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.