Khi công nghệ kỹ thuật quyết định kết quả trận đấu

29/03/2017 13:40 GMT+7

Hiện LĐBĐ thế giới (FIFA) đang áp dụng công nghệ 'trọng tài video' để can thiệp sâu hơn vào các quyết định của trọng tài trên sân bóng.

Công nghệ này được áp dụng ngay sau công nghệ xác định bàn thắng đã được áp dụng rộng rãi và thành công, như ở giải Ngoại hạng Anh. Tuy nhiên, công nghệ “trọng tài video” hiện đang được thử nghiệm từ giải World Cup các CLB hồi cuối năm ngoái cũng gây nhiều tranh cãi: như làm gián đoạn trận đấu, hoặc can thiệp quá sâu vào các quyết định của trọng tài trên sân dù có thể chuyển sai thành đúng, phần nào đó đã làm mất đi tính tranh cãi vốn có là một phần của lịch sử bóng đá thế giới.

Mặc dù vậy, để giảm thiểu tối đa các tranh cãi ngày càng nhiều trên sân bóng, FIFA đã cải tiến và áp dụng công nghệ “trọng tài video” ở các trận giao hữu quốc tế và nhiều khả năng sẽ áp dụng luôn tại vòng chung kết World Cup 2018.

Trong công nghệ “trọng tài video”, một tổ trọng tài ngồi riêng tại một căn phòng trên sân vận động sẽ theo dõi diễn biến trận đấu qua truyền hình, phân tích từng tình huống nghi ngờ có tranh cãi và đánh giá đúng sai các tình huống có liên quan tới: bàn thắng (có bị việt vị hay không), thổi phạt 11m, thẻ đỏ và các tình huống khác mà trọng tài mắc sai sót hoặc không phát hiện được.

Một nhân viên kỹ thuật đang kiểm tra các thiết bị phục vụ cho “trọng tài video” AFP

Từ đó, khi phát hiện sai sót “trọng tài video” sẽ truyền tín hiệu tới trọng tài chính trên sân để xem lại tình huống và quyết định lại cho đúng tình huống vừa xử lý hoặc sẽ nhận yêu cầu từ trọng tài chính trên sân xem lại tình huống để xử lý cho đúng.

Công nghệ này vừa trực tiếp quyết định tới kết quả thắng thua trong trận giao hữu Pháp thua Tây Ban Nha 0-2 trên sân Stade de France rạng sáng ngày 29.3. Đầu tiên là “trọng tài video” đã từ chối bàn thắng mở tỷ số của tiền đạo Antoine Griezmann ghi cho đội Pháp ở đầu hiệp 2 (do người chuyền bóng cho Griezmann, hậu vệ Layvin Kurzawa đã rơi vào thế việt vị), dù trước đó trọng tài chính đã công nhận bàn thắng.

Tình huống dẫn tới bàn thắng của Griezmann, nhưng hậu vệ Kurzawa (3) rơi vào thế việt vị Cắt từ clip

Xem lại tình huống, “trọng tài video” đã xử lý đúng tình huống vì thực tế là Kurzawa đã việt vị nhưng chỉ trong tích tắc rất dễ khiến trọng tài trên sân không xử lý kịp. Từ lúc “trọng tài video” ra tín hiệu cho trọng tài chính để xử lý lại tình huống thay đổi quyết định này là khoảng 30 giây.

Sau đó “trọng tài video” tiếp tục xử lý một tình huống tranh cãi nữa ở phút 77. Lần này thì ngược lại. Khi tiền đạo Gerard Deulofeu ghi bàn nâng tỷ số lên 2-0 cho tuyển Tây Ban Nha (trước đó Silva mở tỷ số ở phút 68 từ chấm 11m), thì trọng tài biên căng cờ báo việt vị.

Trọng tài chính Felix Zwayer tham khảo "trọng tài video" trước khi quyết định bàn thắng của Deulofeu là hợp lệ Cắt từ clip

Tuy nhiên, trọng tài chính phân vân nhờ “trọng tài video” xem lại tình huống này, thì xác nhận chính xác là Deulofeu không việt vị và bàn thắng được công nhận.

Nếu không sử dụng công nghệ “trọng tài video”, rõ ràng với những tình huống thế này sẽ bị tranh cãi từ người hâm mộ cho đến giới truyền thông, HLV và cầu thủ… xem đúng sai ra sao. Lịch sử bóng đá thế giới đã chứng kiến quá nhiều các cuộc tranh cãi như vậy.

Công nghệ “trọng tài video” sẽ giúp giảm thiểu các cuộc tranh cãi như trên. Và trong tháng 8 tới đây, FIFA sẽ đánh giá lại một lần nữa hiệu quả của công nghệ này trước khi quyết định có áp dụng luôn ở World Cup 2018 hay không.

"Trọng tài video" sử dụng công nghệ như Hawk-eye (mắt diều hâu) trong môn quần vợt AFP

Hiện cũng có nhiều người ủng hộ sử dụng công nghệ này vì tránh những cuộc tranh cãi và xác định chính xác từng diễn biến trên sân bóng. Nhưng cũng có không ít người cho rằng, nó (công nghệ kỹ thuật) can thiệp quá nhiều đã làm mất đi tính ngoài lề của môn bóng đá vốn có lâu nay đó là các cuộc tranh cãi, chỉ trích, tranh luận… vốn cũng là phần hồn của môn thể thao vua này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.