Khi công viên không còn thân thiện

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
05/07/2020 07:00 GMT+7

Khi kiến trúc sư (KTS) Lê Việt Hà đi ngang qua công viên Thống Nhất (Hà Nội), ông bỗng giật mình. Trên cổng công viên là một lời chào được thắp đèn sáng lóa “Công viên Thống Nhất kính chào quý khách”.

Nhưng công viên lại không mến khách như lời chào này. Các hàng rào được dựng vây kín công viên. Trong khi, không gian này cần được mở tối đa để người dân tiếp cận cây xanh, mặt nước càng nhiều càng tốt. “Rào công viên là biện pháp an ninh, tuy nhiên nếu quản lý tốt thì việc rào hay không chẳng liên quan gì đến an ninh cả. Người dân càng đến đông thì an ninh càng tốt. Xã hội cần được tiếp cận công viên tối đa”, KTS Trần Huy Ánh, Hội KTS Hà Nội, nói.
Công viên Thống Nhất giờ đây đã không còn như chính nó thời kỳ những năm 1980 - 1990. Đó là thời kỳ mỗi cuối tuần, trẻ em ở Hà Nội lại rất muốn đến đây để vui chơi. Những vòng đu quay với đủ con thú đẹp đẽ khiến bất kỳ đứa trẻ nào cũng thích thú. Nhà gương trở thành thế giới kỳ diệu với đủ loại gương khi soi vào mỗi đứa trẻ sẽ biến hình, lúc dài ngoằng ra, lúc ngắn chũn lại... Rất nhiều hoa phong lan, rất nhiều cá vàng trong khu vườn cảnh bên kia cây cầu trắng. Đó là khu vườn trong mơ của tất cả các gia đình.
Theo KTS Trần Huy Ánh, công viên Thống Nhất giờ đã tụt hẳn xuống về sự thân thiện, gần gũi. Khi các công viên rất thoáng đãng, thân thiện cho tập thể dục, cho trò chơi nhiều lên, người ta ít thấy công viên này hấp dẫn nữa. Chưa kể, dường như việc rào công viên hiện tại chỉ để dễ sử dụng đất trong công viên làm dịch vụ và thu tiền kiểu “mắt nhắm mắt mở”. “Tôi ở cạnh công viên bao năm. Nhiều người đi ra đi vào không sao, nhiều người khác lại phải trả vé. Thì như thế là không công bằng trong tiếp cận không gian công cộng này, chưa kể còn chia vùng để làm dịch vụ”, ông Ánh nói.
Cũng theo KTS Lê Việt Hà, Hà Nội nếu vẫn muốn tự hào thủ đô văn hiến từ xưa, TP sáng tạo tới đây, thì cần dẹp ngay các chi tiết mang tính khẩu hiệu nhàm chán, trả lại tên đã trở thành ký ức cho những chốn vốn tử tế như công viên này.
Trong khi đó, ông Ánh cho rằng công viên vẫn có thể có thu để bù lại các chi phí chăm sóc cây cối, cảnh quan và đầu tư tiếp. Tuy nhiên, việc đầu tư đó phải hướng nhiều tới cộng đồng, các hoạt động chung cho cộng đồng. Để làm điều đó, nếu cần, có thể đấu thầu công khai việc quản lý công viên. Các tổ chức phi chính phủ phải được tham gia nhiều hơn vào việc tổ chức hoạt động tại không gian công cộng này.
“Điều quan trọng nhất của công viên không phải là lời chào máy móc trên cổng. Nó phải thực sự mở cửa, mở cửa thân thiện bằng các không gian dễ tiếp cận của mình với mọi người dân”, ông Ánh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.