Khi đàn ông... shopping

24/12/2017 21:10 GMT+7

Có lần tôi tự hỏi, nếu mình chưa hề đi chợ thì sao? Ừ, thì sao nhỉ, có lẽ sẽ “mất hết nửa cuộc đời!”. Chợ là cái dạ dày của làng, của phố, ra đó sẽ biết hết mọi thứ.

Nhưng đi chợ không phải lúc nào cũng vui, thậm chí còn mang cả sự ấm ức về trút lên vợ con bên bàn ăn, thật vô lý! Vô lý mà cứ thích đi, thế mới lạ.
Tôi là tên nhà quê sinh ra và lớn lên ở đồng chiêm trũng, tắm nước thành phố hàng chục năm vẫn chưa hết mùi bùn, nên đi chợ cũng mang cái mặt nhà quê nồng nặc mùi bùn đó mà đi. Cũng có cái lợi là được mấy bà già thương, nên bán đúng giá; lại có cái hại là mấy cô, mấy chị sồn sồn hay bắt nạt, hét giá cao tít tận... Bà Nà! Nhưng cái thằng nhà quê tôi coi rứa mà khôn ra phết. Không tin, xin đọc tiếp đoạn sau.
Gia đình tôi vào sống ở Đà Nẵng, người ta bảo dân xứ Quảng chất phác, có một nói một, hai nói hai, tôi tin răm rắp tắp lự. Đi chợ một hồi mới phát hiện, người xứ Quảng còn có thêm một đức tính (tạm gọi thế), không phải họ nói không thật mà là hay… tư vấn cho người khác theo gu của mình.
Chuyện đi chợ kể sau, giờ kể chuyện shopping cái đã.
Kể từ khi có vợ, hầu như tôi không sắm áo quần, chủ yếu vợ mua gì mặc nấy.
Một lần, bên đài truyền hình mời lên tham gia một cuộc đối thoại, sếp đài là bạn đồng môn nên năn nỉ ỉ ôi rằng, nhờ tôi mặc cái áo sơ-mi khi lên trường quay cho nó… đàng hoàng. Tôi (vốn dĩ không có sơ-mi nên chắc là không được đàng hoàng lắm trong mắt bạn tôi thì phải) nể bạn nên đi dọc hết các shop thời trang ở Đà Nẵng để mua một chiếc áo sơ-mi. Thấy một nhãn hiệu khá nổi tiếng, tôi bước vào.
Đó là lần đầu tiên tôi... shopping.
Một cô chân dài váy ngắn liến thoắng từ trước cửa cho đến khi tôi cầm cái áo trên tay, cô này giật phăng xuống: “Anh da trắng, mặc áo màu huyết dụ này mới đẹp, đừng mặc màu này!”.Tôi chúa ghét màu huyết dụ, trông nó cứ như tiết canh vịt thời cúm gà, nên bảo cứ để từ từ cho tôi chọn. Cô chân dài không chịu “khuất phục”, lại cầm lên một chiếc áo màu nõn chuối, miệng khen tôi giống diễn viên Hàn Quốc nên mặc cho... giống Bi Rain! Có vẻ như cô này không chịu nhân nhượng nên tôi trừng mắt: “Cô đứng đó chờ Bi Rain sang mà bán! Bye bye!”.
Đến một shop khác, nghe cái tên có vẻ Tây, chắc là hiện đại, một chị sồn sồn nhìn tôi từ đầu đến chân như nhân viên an ninh sân bay nhìn khách, đoạn bảo: “Em thật biết ăn mặc, chắc người Hà Nội mới vô!” rồi liến thoắng một hồi gì đó không thể nhớ nổi. Tôi xổ giọng nhà quê ngỏ ý muốn mua một chiếc sơ-mi, chị ta giương mắt chưng hửng (có vẻ dị vì đã đoán nhầm), đoạn đưa ra một chiếc hộp, trong có chiếc áo màu trắng, xé cái rẹt rồi nhanh tay gỡ hết các loại ghim bấm, bảo tôi mặc thử. Tôi còn chưng hửng hơn chị ta, bảo: “Cái này size XL, lớn quá, sao tôi mặc được?”. Chị này quắc mắt: “Đàn ông mặc sơ-mi rộng một chút mới là model!”. Tôi cãi: “Model sao được, cái cổ to quá cỡ thế này làm sao thắt cà-vạt?”. “Cà-vạt xưa rồi em ơi, thời buổi này ai còn thắt vào cho nó cứng như que củi, tin chị đi!”.
Tôi chọn một chiếc áo size M màu đen rồi nói: “Tôi lấy chiếc này!”. Chị bán hàng rống rít: “Sao mà quê thế em. Com-lê đã màu đen lại còn mặc sơ-mi đen, thắt cà-vạt vô thì coi sao được? Tin chị đi, lấy chiếc trắng này đi!”. Tôi cắc cớ: “Sao chị biết com-lê của tôi màu đen? Mà màu đen, sơ-mi đen, thắt cà-vạt màu thẫm có được không?”. Chị sồn sồn rống to hơn: “Quê ơi là quê, dân Huế hả?”. Tôi bực mình: “Không! Dân Quảng Bọ!”. “Chị mở shop 10 năm rồi chưa có ai ăn mặc như em, com-lê đen thì phải mặc áo trắng em ơi!”. “Vậy thì chào chị đen - trắng, tôi về!”.
Đến nước này, chị chủ mới hạ giọng bảo tôi thôi thì cứ lấy cái áo màu đen, nhưng tôi cú nên cứ thế đi thẳng. Có lẽ thấy việc tư vấn của mình không thành, chị ta phun ra một câu: “Cái ông nhà quê, mất công người ta gấp lại cái áo trắng, xui xẻo!”.
Tôi tiếp tục cuộc hành trình đi tìm sự đàng hoàng (như bạn tôi nói) bằng việc mua bằng được chiếc áo sơ-mi. Lần này tôi vào siêu thị cho nó chắc. Ở đó tôi tha hồ chọn, màu gì cũng được, size nào cũng được, chỉ tiếc hàng không được xịn, giá không cao tận Bà Nà nhưng cũng ngang cỡ ăng-ten đài truyền hình thành phố. Mặc kệ! Dù sao, hôm sau trên truyền hình, tôi cũng đã trở thành người đàng hoàng. Sếp đài là bạn tôi mừng hết lớn. Thôi, có “nhuận mồm” show đối thoại coi như huề vốn!
*
Lại kể, cái thằng nhà quê tôi được khen mặc sơ-mi đẹp nên mũi sưng to bằng quả cà chua. Dịp đi nước ngoài, tôi quyết tâm dốc hầu bao mua bằng được chiếc áo sơ-mi của một hãng thời trang danh tiếng giá 210 đô Singapore (nhưng chỉ “khai” với vợ 21 đô) . Về mặc, chả thấy ai ơi hời gì. Trong mắt họ, chắc cái áo này cũng chỉ ngang giá hàng tồn kho là cùng, ấm ức chẳng biết nói sao.
Nhưng dịp may đã tới.. .
Một hôm, tôi đi shop thời trang để mua cho con trai một chiếc áo sơ-mi loại dành cho tuổi mới lớn. Trong shop, mấy ông nước ngoài đang chọn áo, cô chủ cũng đang tư vấn cho họ bằng một thứ tiếng Anh bồi. Thấy tôi, tất thảy họ đều nhìn như thể nhìn người hành tinh khác đến. Đoạn không kiềm chế được, một anh Tây “sorry” rồi hỏi tôi mua chiếc sơ-mi đang mặc ở đâu. Tôi vừa nói đau cả mồm, mỏi cả tay, mấy ổng mới hiểu được. Họ có vẻ phục tôi lắm!
Cô chủ shop tất nhiên cũng vì thế mà nể tôi (mặc chiếc áo gần 2,5 triệu đồng không nể mới lạ). Được dịp, tôi ba hoa rằng thời trang hãng nào danh tiếng, giá bao nhiêu tôi cũng rành hết, vì tôi “chỉ mặc đồ của các hãng ấy thôi” (đúng là trạng cóc). Nhờ câu chuyện ba hoa đó mà cô chủ shop sau đó đã bán cho (con) tôi chiếc áo sơ-mi tuổi mới lớn với giá khá mềm (trước đó tôi khảo giá ở một shop khác, họ hét đến 480.000 đồng nhưng ở đây chỉ lấy có 280.000 đồng).
Vừa gói đồ, cô chủ vừa nói, anh toàn dùng hàng hiệu ha, cả đồng hồ Rolex và điện thoại Vertu ha. Tôi không dám nói cho cổ biết là tôi mua cái đồng hồ hàng Tàu đó 800.000 đồng, lại còn được khuyến mãi thêm cái điện thoại. Không phải chỉ cô ấy nhầm tưởng mà chẳng ai nói tôi dùng hàng dỏm cả. Vui phết.

tin liên quan

Sáng nay anh quên hôn em!
Trong bộ phim Thương nhớ ở ai đang phát trên VTV có một nhân vật tên Đột. Đột là cố nông, không biết chữ, sau cải cách ruộng đất thì làm chủ tịch xã. 
Từ đó, muốn mua áo quần, tôi đều dẫn đến shop này. Ở đó có hai cái lợi, thứ nhất, giá (bán cho gia đình tôi) khá mềm; thứ hai, cô chủ không bao giờ dám tư vấn cho tôi nên có thời gian để tư vấn cho người khác. Lúc ấy, tôi lại nghĩ, nếu những lời tư vấn đó mà dành cho tôi, chắc tôi cũng bye bye luôn!
“Trông mặt mà bắt hình dong” là vậy! Bạn thấy cái thằng nhà quê tôi có nhà quê không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.