Sáng nay anh quên hôn em!

Trong bộ phim Thương nhớ ở ai đang phát trên VTV có một nhân vật tên Đột. Đột là cố nông, không biết chữ, sau cải cách ruộng đất thì làm chủ tịch xã.

Đột quyền lực đến mức ưa bắn ai là bắn. Đột treo cổ bố Hơn rồi ra lệnh bắn Hơn, không phải vì Hơn là con địa chủ - cải cách đã hoàn thành, mà bắn Hơn vì “không bắn thì còn ai coi tao ra gì”.
Làng có cô Nương làm ca kỹ ở thành phố về, cả làng ai cũng gọi là con đĩ. Mỗi khi buồn, Nương lại mang phách ra gõ và hát ca trù. Tiếng hát của Nương lay động trái tim sắt đá của Đột. Đột yêu.
Rồi Đột hỏi người làng Đông đã ai biết yêu bao giờ chưa? Cả làng Đông bừng tỉnh. Dù người có ba vợ, người có bốn con đều thao thức, ừ nhỉ, có ai biết yêu bao giờ đâu? Lấy vợ, đẻ con tì tì như ông Bánh, đêm đó cũng nắm tay vợ mà hỏi, mình à, tôi đã nói yêu mình bao giờ chưa nhỉ?
Tất nhiên là chưa rồi.
Đột nói với xã đội trưởng Vạn rằng, lắm lúc anh ta muốn bỏ quách cái chức chủ tịch xã để được yêu (vì chủ tịch xã ai lại yêu con đĩ?).
Đó là trường đoạn mà tôi thích nhất vì nó rất người.
Thế hệ sau Đột chắc ai cũng đã từng yêu. Tuy nhiên, không phải ai cũng nói ra từ yêu. Không được như bây giờ, lớp trẻ mạnh dạn hơn, tỏ tình và nói từ yêu cho hàng vạn người biết.
Điều kỳ lạ là, khi đã trở thành vợ chồng, từ yêu ngày càng xa dần, xa dần, có lúc quên hẳn. Khác với người phương Tây, hiếm có đôi vợ chồng nào nói “Anh yêu em” hoặc “Em yêu anh!” như ngày chưa phải vợ chồng.
Trong tình yêu, không có gì linh thiêng hơn nụ hôn đầu. Bao nhiêu nhà văn không thể tả nổi về nụ hôn đầu tiên, họ bí đến mức chỉ viết được rằng “có một cái gì đó rất khó tả”. Nhiều nhà văn sợ nhàm chán nên mô tả đó là nụ hôn nóng bỏng, nụ hôn này nọ... đều thấy nó dung tục và không đúng. Khi trao nhau nụ hôn đầu, đó là một cử chỉ tự hiến, rằng từ giây phút đó, mình đã thuộc về người khác, là một nửa của người khác, mình không còn trong trắng, mình đã dâng hiến cái mà mình cho là trân quý nhất. Có một cảm giác vừa hạnh phúc vừa có sự mất mát.
Có lẽ vì thế mà nhiều người không lấy được nhau cũng mãi mãi không thể nào quên được nụ hôn đầu đời.
Những người yêu nhau, có cơ hội là quấn quýt, hôn nhau say đắm, nụ hôn kéo dài thiên thu, không bao giờ muốn ngưng lại.
Thế nhưng, khi đã thành vợ chồng, nụ hôn xa dần, xa dần... thậm chí là mất hẳn.
Người phương Tây, nhất là người Pháp, họ có sự lịch lãm cần thiết khi ứng xử với phụ nữ, nhất là vợ mình. Trước khi đi làm hay khi về nhà, họ đều hôn vợ, hôn chồng và nói “anh yêu em”, “em yêu anh”.
Nhưng tôi không thích người Pháp khi họ nói những câu đó cho phải phép, kiểu như họ ôm hôn người khác cho phải phép. Cái hôn của họ lắm lúc rất nhiêu khê. Ví dụ tổ chức sinh nhật, bạn bè đến, ôm hôn từng người, mỗi người đều hôn hai bên má. Khi được tặng quà, họ lại ôm hôn mỗi người tặng hai lần hai bên má. Khi chia tay, họ lại ôm hôn y như thế...
Tôi chỉ thích họ trước khi rời khỏi hay khi về nhà, họ đều hôn vợ, hôn chồng và nói “anh yêu em”, “em yêu anh”.
Đừng nói con gái yêu bằng tai, con trai cũng thế, không ai không thích thú khi nghe vợ mình nói câu “em yêu anh”.
Nhưng vì sao nụ hôn và lời nói ấy cứ xa dần, đó là điều đáng nói.
Ơ hay, chúng ta đã từng yêu nhau thế cơ mà?
Trong đời, không gì dễ hơn bàn chuyện thiên hạ. Trong đời, không gì khó hơn bàn chuyện vợ chồng.
Hai con người hằng ngày gặp nhau, biết hết ngõ ngách về nhau, lâu dần tất nhiên sẽ trở nên nhàm chán. Đó là quy luật tự nhiên. Vì thế đừng trách nhau vì sao không còn nồng nhiệt như thuở ban đầu. Cũng phải nhận ra được vấn đề là mỗi cuộc hôn nhân đều có những giai đoạn của nó, trước là tình yêu, sau là trách nhiệm, trong trách nhiệm có cả tình yêu nhưng nó không đơn thuần chỉ là tình yêu. Vì thế người ta hay có câu “hâm nóng tình yêu”.
Hâm nóng, hai từ đó nghe dễ nhưng mà rất khó.
Chỉ nghĩ một chuyện thôi, làm thế nào để mỗi ngày người sống cùng mình thấy mình có thêm một điều thú vị. Cứ thế ít nhất nửa thế kỷ, đó là chuyện khó vô cùng.

tin liên quan

Hãy tiếp tục đọc sách đi con!
Cuộc đời của mỗi con người, có lẽ, hầu hết cũng chỉ phấn đấu vì con. Từ khi sinh ra cho đến cả khi về già, cha mẹ nào cũng dõi theo mỗi bước trưởng thành của con cái.
Khó mà làm được mới là chuyện khó.
Mọi cuộc chia tay, suy cho cùng, cũng vì không còn thấy thú vị như ban đầu nữa mà thôi.
Chúng ta không phải như anh Đột, không phải như người làng Đông thuở đó, chúng ta biết yêu, đã yêu, biết hôn, đã hôn say đắm, như có một lúc nào đó, nếu vợ hỏi: “Đã bao lâu rồi anh chưa hôn em?”, chắc hẳn ta phải giật mình như người làng Đông, ừ nhỉ, đã bao lâu rồi anh chưa hôn em?
Giả sử, có một ngày nào đó, ta nhận được tin nhắn của vợ: “Sáng nay anh quên hôn em!”. Bạn nghĩ đi, lâng lâng biết nhường nào.
*
“Em yêu!
Chúng ta thật giống nhau.
Khi cả hai ra đời, ta khóc, mọi người cùng nở nụ cười.
Và chúng ta sống với nhau, sống với mọi người làm sao để đến khi trăm tuổi, ta từ giã họ, mọi người khóc, hai chúng ta cùng nở nụ cười.
Anh yêu em”.
Vậy thì, sáng nay ra khỏi nhà, hãy ôm hôn vợ và nói: “Anh yêu em”.
Đâu có gì quá khó?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.