Khi Facebook trở thành diễn đàn phỉ báng, bôi nhọ

12/10/2014 10:50 GMT+7

Những người comment tiêu cực trên mạng xã hội nói chung và mạng Facebook nói riêng không biết họ đang tự bôi xấu mình.

Những người comment tiêu cực trên mạng xã hội nói chung và mạng Facebook nói riêng không biết họ đang tự bôi xấu mình.


Có một bộ phận người sử dụng Facebook tham gia mạng xã hội nhằm phỉ báng người khác để trở thành “anh hùng bàn phím” - Ảnh: AFP

Vào trang Facebook cá nhân của một hotboy tự phong gây xôn xao dư luận gần đây để thấy rõ nhất trình độ phỉ báng và bôi nhọ của những người Việt trẻ. Chủ nhân của Facebook này cài chế độ public (công cộng) cho tất cả các chức năng trên trang cá nhân nên dễ dàng nhận thấy người này có 3.177 người trong friend list (danh sách bạn bè) và 130.243 người khác đang follow (theo dõi trang). Ngoài ra, bất kỳ ai cũng có quyền để lại comment (bình luận) trong những status (trạng thái) được đưa lên (post). Số người để lại comment thậm chí lên đến gần 3.000, nhưng một điều đáng buồn rằng các bình luận đó không phải là những ý kiến góp ý chân thành, lịch sự, tích cực mà phần lớn đó là những lời phỉ báng, thô tục, tiêu cực và những ảnh chế rất tục tĩu.

Điều đó cho thấy có một bộ phận người sử dụng Facebook đã tham gia mạng xã hội nhằm phỉ báng người khác để trở thành “anh hùng bàn phím”. Trong những năm gần đây, khi các trang mạng xã hội rầm rộ phát triển và nhanh chóng đi vào đời sống cộng đồng người dân, thì những “anh hùng bàn phím” tiêu cực xuất hiện ngày càng nhiều. Những người này cho rằng các comment của mình để lại trên mạng sẽ không bị ai xác định được người đó là mình nên đã đưa ra các ý kiến tùy tiện, phản cảm, trái thuần phong mỹ tục và thậm chí vô văn hóa. 

Những người comment tiêu cực trên mạng xã hội nói chung và mạng Facebook nói riêng không biết họ đang tự tát vào mặt của mình. Vì khi con người bày tỏ thái độ tiêu cực tức là đã phát ra một năng lượng tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tinh thần cho chính bản thân.

Ngoài ra, điều đó có thể làm ảnh hưởng đến công danh sự nghiệp của một cá nhân hay nói một cách gần gũi hơn là ảnh hưởng đến công ăn việc làm của chính mình. Vì hiện nay, các nhà tuyển dụng không chỉ đọc hồ sơ của ứng viên hay cũng không chỉ kiểm tra hồ sơ bằng cách gọi điện tới các nguồn tham khảo mà còn để ý tới cả Facebook của các ứng viên xin việc làm. Thử hỏi điều gì sẽ xảy ra khi các nhà tuyển dụng đọc được các câu status, hay các comment tiêu cực của ứng viên trên Facebook?

Chẳng hạn, khi tôi vào trang Facebook cá nhân nêu trên đã rất bất ngờ khi thấy một người bạn - hằng ngày tôi cứ ngỡ là người biết tiết chế trong cư xử - đã tham gia comment một cách vô văn hóa trong một status của chủ nhân trang Facebook ấy. Người ta nói thế giới đó là ảo nhưng qua đó, tôi đã biết được nhiều "phẩm chất" thật của vài người.

Một khi đã gọi là mạng xã hội thì bất kỳ điều gì người này tham gia vào đó thì sẽ nhanh chóng lan truyền đến nhiều người khác. Con người hiện đại có thể sống trong hai xã hội - một là xã hội thực và hai là xã hội mạng - không chỉ biết tiết chế, biết ứng xử trong đời sống xã hội thực hằng ngày mà còn nên biết cư xử có văn hóa và tích cực trong xã hội mạng. Nên ghi nhớ danh từ “mạng” là một sự kết nối liên kết vững chắc, chặt chẽ. Vì vậy bất kỳ dấu vết nào con người để lại đều có thể làm cơ sở đánh giá nhân cách bản thân mình.

Mạc Tuấn Cương (*)

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một kỹ sư đang sinh sống ở TP.HCM

>> Giận dữ vì tin Facebook thu phí người sử dụng
>> Coi chừng mất Facebook!
>> Không có chuyện Facebook thu phí
>> Facebook hoàn tất thương vụ mua WhatsApp
>> Lừa đi du lịch trên Facebook

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.