Khi gia đình chưa đề cao tính nêu gương

16/02/2017 10:19 GMT+7

Có nhiều nguyên nhân khiến văn hóa ứng xử của người trẻ chưa chuẩn mực, trong đó có phần trách nhiệm thuộc về phụ huynh do không coi trọng nền tảng giáo dục cho con em, xem thường và chưa đề cao “tính nêu gương”, thậm chí xuê xoa khi con em mắc lỗi, từ đó vô tình đã dung dưỡng cho cái ác, cái xấu.

Phụ huynh “có vấn đề” trong cách dạy con
Theo tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), cha mẹ nào cũng muốn con cái tốt đẹp, tuy nhiên một số phụ huynh có những cách dạy con sai lầm. 
Có thể kể như: hành xử bạo lực, quá nuông chiều, quá siết chặt con cái, chưa chú trọng tính nêu gương trong gia đình, xuề xòa bỏ qua những lỗi mà con gây ra. Ngoài ra, họ chỉ biết chăm sóc đời sống vật chất, kinh tế mà bỏ bê tâm sự, chia sẻ, quan tâm cuộc sống của con hằng ngày… Đương nhiên, với những cách làm chưa đúng, cách giáo dục “có vấn đề” như vậy thì sẽ vô tình dung dưỡng những tính xấu cho con, khiến con không thể phát triển hoàn thiện mà làm con lệch lạc trong ứng xử.
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, trong cuộc sống hiện đại, mọi giá trị trôi nhanh, dường như con người ta cũng vội vàng hơn. Nhiều người hiện nay không coi trọng nền tảng giáo dục gia đình. Nhiều người lớn chỉ cung cấp những giá trị vật chất cho con, họ coi thường tính nêu gương trong gia đình dẫn đến nhiều đứa trẻ không theo nền nếp, khi bước ra xã hội không biết trên biết dưới, chỉ chăm chăm muốn chứng minh bản thân mình trước mặt người khác.
“Giáo dục gia đình được xem là nền tảng đầu tiên hình thành nhân cách cho một đứa trẻ. Với sự vội vàng muốn giải quyết mọi sự thể trong gia đình, chính các bậc phụ huynh cũng có những hành vi gây hấn trước mặt con cái, đã để lại ấn tượng trong chúng. Do đó, nhiều bạn trẻ khi ở nhà được chiều chuộng, tới khi bước ra xã hội, yêu cầu không được đáp ứng thì sẵn sàng gây chuyện để thỏa mãn cái tôi của mình”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng cho rằng hiện nay nhiều phụ huynh chăm bẵm, bênh vực con quá mức, cái gì con mình làm cũng đúng, cũng tốt; xuê xoa cho cái sai, thiếu sự nhắc nhở, thay vào đó lại xí xóa cho qua. Chính vì tình thương yêu đặt không đúng chỗ, trong gia đình lại dung dưỡng sự thỏa mãn cái tôi quá lớn, đến khi đứa trẻ bước ra đời luôn muốn mình là số một, mình phải luôn luôn đúng. Những điều này đã làm dung dưỡng cái ác, cái xấu của đứa trẻ ngay từ lúc chập chững bước vào đời. Thêm một lần nữa những bài học về giáo dục nhân cách của các em trong gia đình cần được lưu tâm.
“Dẫu biết là cha mẹ nào cũng thương con, nhưng thương không đúng cách sẽ làm đứa trẻ hư và trở thành một nỗi lo lắng khi bước ra ngoài xã hội. Đừng nghĩ điều hôm nay ta tạo nên sẽ có thể mất đi mà có nguy cơ tồn tại dài lâu và tạo nên hiệu ứng khá tiêu cực trong thực tế…”, ông Sơn lưu ý.
Giáo dục còn lỏng lẻo
Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long, Trưởng bộ môn công tác xã hội Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM, một trong những nguyên nhân của câu chuyện đáng buồn, đáng báo động này là do giáo dục.
Ông Long phân tích: “Nhìn nhận các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nhân cách của mỗi cá nhân thì đây là một vấn đề nghiêm trọng của công tác giáo dục. Để trưởng thành và phát triển, mỗi cá nhân chịu nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài lẫn chính bản thân mình. Nếu tác động bên ngoài đã không tích cực, cộng với sự thiếu hụt về các giá trị sống cùng năng lực tự kiểm soát của cá nhân kém thì người trẻ sẽ dễ có những hành vi không tốt”.
Cũng theo ông Long, yếu tố giáo dục, trong đó có giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường, đóng vai trò chủ đạo trong sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân. Những câu chuyện buồn và văn hóa lệch lạc của người trẻ đã minh chứng cho sự lỏng lẻo trong giáo dục gia đình hiện nay và sự thiếu cân đối các nội dung giáo dục.
Còn tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân thì khuyên giới trẻ: “Khi chưa có nhiều sự trải nghiệm trong cuộc sống, sự va chạm chưa nhiều, cần phải học từng ngày, từng giờ. Và đặc biệt là phải học hỏi về văn hóa ứng xử, để nâng cao giá trị bản thân trong mắt người khác. Suy cho cùng, giá trị của mỗi con người được thể hiện ở những việc như: làm gì được cho cuộc sống này, hình ảnh của bản thân trong mắt người khác… Và tất cả đều phụ thuộc vào văn hóa ứng xử”.
Ông Long phân tích thêm, sở dĩ một bộ phận người trẻ ứng xử văn hóa “có vấn đề” có thể do chưa được mời gọi vào các hoạt động tập thể hữu ích, các tổ chức của thanh niên, chưa tìm thấy sự hấp dẫn của các lớp học để phát triển bản thân. Vì lẽ đó, các tổ chức Đoàn, Hội hay các tổ chức khác liên quan cần suy nghĩ cách thức tập hợp và thiết kế sân chơi phù hợp để người trẻ có cơ hội thể hiện một cách có tổ chức hơn. “Việc thiết kế các lớp học nhằm giúp người trẻ định hướng bản thân, xây dựng giá trị sống tích cực là vấn đề cần quan tâm”, ông Long nói.
Bia rượu làm người trẻ ẩu đả nhiều hơn
Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân nhìn nhận, tuổi trẻ là giai đoạn sung mãn, có sức khỏe thể chất, đang phát triển tâm lý, nên có xu hướng muốn thể hiện bản thân.
Cộng thêm với bia rượu thì dễ gây nên những ẩu đả dẫn đến hậu quả khó lường. “Có thể nói bia rượu chính là tác nhân khiến người trẻ khó kiểm soát cảm xúc, hành vi, dễ bốc đồng, gây nên ẩu đả”, ông Quân nói.
Tiến sĩ - bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, khuyên người trẻ cần hạn chế những thức uống có chất cồn, chất kích thích, đặc biệt là bia rượu, vì những chất này sẽ dẫn đến những hành động mất kiểm soát.
Làm gì để có thể khéo léo từ chối những lời mời nhậu nhẹt? Ông Quân tư vấn: “Tùy vào mối quan hệ để có cách từ chối hợp lý. Nếu trong tình cảnh không bị bắt buộc phải tham gia, thì ngay từ đầu nên chủ động từ chối những cuộc vui. Còn nếu bắt buộc phải tham gia, bắt buộc phải uống trong những lời rủ chân tình, thì nên đưa ra những lý do chính đáng về sức khỏe, cơ địa, an toàn giao thông khi chạy xe... Nói một cách chân thành thì có thể chối từ lời mời nhậu nhẹt”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.