Không ngại tranh luận với học trò
Khác hẳn với tiết dạy theo kiểu truyền thống, giáo viên với hình ảnh mô phạm, cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), bắt đầu tiết dạy của mình bằng việc giải đáp những câu hỏi mà học sinh (HS) gắn sẵn trên bảng, phản biện lại những luận điểm mà HS đề cập đến cho bài học ngày hôm đó.
Cứ vào đầu năm học mới, ngay từ ngày nhận lớp, tiếp xúc với học trò, cô Huyền Thảo tạo lập sự gắn kết, thúc đẩy và khuyến khích HS đọc sách và các tài liệu lịch sử, phản biện lại sách giáo khoa, đặt câu hỏi sao cho gợi mở, thể hiện tư duy, trí tuệ của người hỏi... Không ngần ngại, lo sợ học trò giỏi hơn mình, với cô giáo của Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, mục tiêu tiên quyết vẫn là bồi đắp kiến thức và giáo dục kỹ năng cho HS.
Đã có những tiết học, vừa bước vào lớp, giáo viên bất ngờ và thích thú trước cách đặt vấn đề của học trò lớp 7 về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. “Để học trò không “thất vọng” với câu trả lời của mình, có thể dẫn tới chán nản với môn học lịch sử, tôi luôn phải đọc, phải học, trau dồi, mở mang kiến thức để tự tin và tranh luận văn minh với các em”, giáo viên này chia sẻ.
Nhờ cách học đó, môn lịch sử đã không còn khô khan chỉ với sự kiện cùng những số liệu. Cô giáo Huyền Thảo cũng không phải là “bà giáo nghiêm túc” mà trở thành người bạn, thậm chí còn được HS “nhờ vả” làm người truyền tin đến “crush” (người mình thích).
Để có thể gần gũi với học trò, để học trò mạnh dạn, thoải mái trò chuyện, chia sẻ, tâm sự, xin ý kiến, theo cô Huyền Thảo, mọi thứ cần đến một cách tự nhiên, không gượng ép. Giáo viên này cho hay ngày mới ra trường cô đã từng có suy nghĩ “mình phải xây dựng hình ảnh để trở thành một “bà cô giáo” nghiêm túc”, nhưng sau thời gian thực tế giảng dạy đã nhận ra suy nghĩ đó là sai lầm. Bỏ qua khuôn mẫu, cô Thảo đã chọn cách là người dẫn dắt kiến thức, người bạn học tập của học trò. “Đừng ngại những phản biện của học trò, sẵn sàng chia sẻ để từ những buổi trò chuyện, hiểu thêm xu hướng của lứa tuổi học trò để “chế biến” những bài giảng, truyền tải kiến thức qua một góc nhìn mới, phù hợp. Khi đó tự thân các em sẽ hứng thú và thêm yêu môn học”, cô Thảo cho biết.
Những bài học đạo đức từ kiến thức hóa học
Từ suy nghĩ “điều gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim học trò”, thầy giáo Phạm Lê Thanh, Trường THCS - THPT Tân Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM), đã xây dựng những bài học về giá trị đạo đức thông qua các kiến thức hóa học.
Thầy Phạm Lê Thanh cho rằng mỗi sự vật, hiện tượng hóa học trong đời sống đều gắn với sự biến đổi tự nhiên xung quanh chúng ta, có thể chúng ta không để tâm đến nhưng nếu chịu khó quan sát thì hóa học chính là cuộc sống của chúng ta. “Tôi muốn đưa những hình ảnh liên hệ đó một cách sáng tạo nhất vào từng bài giảng của mình để HS thấy rằng hóa học không hề chai sạn, không đơn thuần là những bài toán vô hồn mà nó là công cụ để kiến tạo cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần”, thầy Thanh nhắn gửi.
Với kiến thức liên kết hóa học giữa các nguyên tử cacbon trong tinh thể than chì và kim cương, thầy Thanh đã liên hệ bài học về sự đoàn kết, giá trị của việc chung tay xây dựng một tập thể vững mạnh sẽ tạo nên những điều kỳ diệu.
Hay hình ảnh bọt bia tạo ra từ quá trình lên men tinh bột tạo ra cấu trúc hợp chất CO2 bền vững và khó vỡ hơn so với bọt nước ngọt có gas từ việc nén CO2 bão hòa cũng là một bài học đạo đức mà thầy giáo này truyền tải đến học sinh về giá trị của sự chân thực, trung thực trong học tập. “Điều gì do chính chúng ta tạo ra, luôn bền bỉ, vẹn nguyên theo năm tháng, trái lại những thứ vay mượn, giả tạm sẽ mau chóng tan biến mất”, thầy rút ra bài học với học trò.
Bình luận