Những thầy cô giáo trẻ trung và xinh đẹp

Nguyễn Điền
Nguyễn Điền
14/10/2020 07:53 GMT+7

Có những thầy cô giáo sở hữu ngoại hình xinh đẹp, trẻ trung, sôi nổi, luôn cập nhật xu hướng mới và xem học trò như những người bạn...

Khi cô giáo là “hot tiktoker”

Sở hữu gương mặt xinh đẹp, phong cách năng động, cô giáo Nguyễn Thị Thảo Phương (24 tuổi, quê Nghệ An), giáo viên dạy môn sinh của Trường THPT Phạm Phú Thứ (Q.6, TP.HCM) được học trò và các bạn trẻ ưu ái gọi là “cô giáo quốc dân”.
Cô Phương nắm bắt rất nhanh xu hướng của giới trẻ, hiểu và gần gũi học trò. Thường xuyên xuất hiện trong các đoạn phim ngắn trên TikTok với học trò, cô Thảo Phương trông như những người bạn cùng trang lứa với học sinh của mình bởi nét trẻ trung, nhí nhảnh.
Sở hữu vẻ ngoài xinh đẹp khiến học sinh yêu thích, nhưng theo Thảo Phương, điều đó chưa đủ để trở thành một cô giáo giỏi. Để đảm bảo được chất lượng giảng dạy, cô giáo trẻ phải dành rất nhiều thời gian nghiên cứu, đổi mới trong giảng dạy...
Cô Phương còn là người bạn sẵn sàng tâm sự, đưa ra lời khuyên cả trong học tập và cuộc sống cho học sinh. “Ngoài giờ học, mình rất thoải mái, gần gũi nên cân bằng được mối quan hệ của học sinh với cô giáo. Do khoảng cách giữa mình và học sinh không quá lớn nên có thể dễ hiểu tâm lý, từ đó đưa ra những lời khuyên giúp học sinh tiến bộ hơn”, cô Phương nói.

“Thầy giáo siêu mẫu”

Với sự điềm đạm vốn phải có của một thầy giáo, nhưng Đoàn Vũ Minh Nghĩa (21 tuổi, quê Phú Yên), sinh viên năm 4 ngành sư phạm toán, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM lại sở hữu một vẻ ngoài điển trai, chiều cao 1,83 m cùng cơ thể 6 múi đã làm cho học trò “điêu đứng” trong quá trình Nghĩa đi thực tập.
Những thầy cô giáo trẻ trung và xinh đẹp

Thầy giáo tương lai Đoàn Vũ Minh Nghĩa bên học trò của mình

Ảnh: NVCC

“Sở hữu ngoại hình cân đối giúp mình tự tin dù ở bất kỳ đâu. Rèn luyện thể thao giúp cơ thể mình luôn dồi dào năng lượng, tinh thần tốt, giúp ích cho việc giảng dạy”, Minh Nghĩa nói.
Ngoài thời gian học tập tại trường, thầy giáo tương lai Minh Nghĩa cũng tham gia các hoạt động chụp hình, làm mẫu cho một số nhãn hàng. Đây là công việc giúp Minh Nghĩa tăng sự tự tin thể hiện bản thân mình, khám phá những khía cạnh thú vị khác mà công việc đi dạy thêm thường ngày không có được. Bên cạnh việc hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực thiên về nghệ thuật, Minh Nghĩa vẫn dành nhiều thời gian để nghiên cứu về chuyên ngành toán của mình để chuẩn bị hành trang vững chắc cho hành trình “gõ đầu trẻ” phía trước.
Đối với Minh Nghĩa, ngoài yếu tố ngoại hình, để trở thành một thầy giáo trong tương lai, cần phải đầu tư nhiều thời gian trau dồi thêm kinh nghiệm, khả năng giao tiếp sư phạm. Việc cập nhật những xu hướng của giới trẻ, theo Minh Nghĩa cũng rất quan trọng để có thể bắt nhịp được với một thế hệ học sinh năng động như hiện nay.

Thầy trò cùng đá banh

Ngồi trên khán đài hò hét cổ vũ cho học trò trong một trận bóng, gương mặt người thầy hiện rõ đủ mọi cảm xúc từ vui sướng khi đội nhà ghi được bàn, lúc đượm buồn khi đội khách dẫn trước, bấy nhiêu cũng đủ để thấy được nhiệt huyết mà thầy giáo trẻ Nguyễn Nhật Quang (24 tuổi, quê Đồng Nai), giáo viên bộ môn sinh vật lý, Trường THPT Trí Đức (TP.HCM), dành cho học sinh.
Những thầy cô giáo trẻ trung và xinh đẹp

Thầy giáo Nguyễn Nhật Quang (giữa) trong một buổi giao lưu bóng đá của học sinh

Ảnh: Nguyễn Điền

Đam mê bóng đá nên vào mỗi dịp cuối tuần, thầy giáo Nhật Quang lại có những trận cầu giao lưu với học sinh của mình. Đây cũng là cách để nới lỏng khoảng cách giữa học trò và giáo viên. “Vì mình chưa có gia đình, có nhiều thời gian rỗi nên muốn dùng thời gian ấy để quan tâm đến các em. Với các học sinh nữ sẽ có những buổi ngồi uống nước chia sẻ về những khúc mắc trong cuộc sống cũng như học tập. Còn với học sinh nam, mình hay giao lưu bóng đá, hay đi cổ vũ mỗi khi có giải dành cho học sinh. Chính từ sự gắn kết ấy mà khi truyền đạt kiến thức trên lớp với các em dễ dàng hơn...”, thầy giáo Nhật Quang tâm sự.
Tuy gần gũi và xem học sinh như những người bạn nhưng trong tiết học, thầy Quang vẫn có sự nghiêm khắc nhất định. “Nghiêm khắc ở đây không phải là những lời la mắng nặng nề, mà là những trao đổi để tạo ra một lớp học nghiêm túc, hiệu quả. Còn ngoài giờ học, mình luôn cố gắng thoải mái chia sẻ với các em. Chính từ sự chia sẻ ấy mà mình học được ở các em nhiều điều”, Nhật Quang bộc bạch.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.