Vậy nên bạn sẽ đi từ ngỡ ngàng sang bị thuyết phục khi nghe cách giải thích của TS.Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Trách nhiệm của giáo viên là phải làm cho mọi học trò đều… tròn
TS Hồng giải thích : "Đầu kim nhọn của cây compa làm trụ là cái “tâm” của thầy, đầu bút chì để vẽ là “năng lực” của người thầy. Giá trị của người thầy được xác lập trên hai vị trí ấy. Những vòng tròn lớn nhỏ được vẽ ra là sự thành công của trò. Nhiệm vụ của người thầy không có trách nhiệm làm cho mọi trò đều là những vòng tròn lớn được cả, và cũng không thể vẽ những vòng tròn đều nhau cho mọi trò. Mà trách nhiệm của người thầy là phải làm cho mọi học trò đều… tròn., không được vẽ méo. Vòng càng lớn mà méo thì càng nguy hại…!
Đó là một trong nhiều ví dụ sâu sắc mà TS.Nguyễn Thị Bích Hồng đã đem đến cho giáo viên phổ thông trong chuyên đề “Kỹ năng xử lý tình huống sư phạm”. Theo TS.Bích Hồng, để ứng xử hiệu quả với học sinh, phụ huynh, giáo viên cần chú ý đến 3 kỹ năng: định vị, định hướng và điều khiển.
Kỹ năng định vị giúp giáo viên xác định vị trí của chủ thể (bạn là ai?); vị trí, tư thế của đối tượng (họ là ai?); xác định hình ảnh bản thân mình trong cái nhìn của đối tượng. Kỹ năng định hướng giúp giáo viên xác định được “chân dung tâm lý” đối tượng và nhằm đạt “mục tiêu” xử lý tình huống ấy. Kỹ năng điều khiển giúp giáo viên biết làm chủ bản thân, làm chủ cảm xúc, hành vi; kiểm soát tình huống…
Giáo viên phải biết mình là ai
TS Hồng cho rằng giáo viên phải biết nghĩ mình là ai nhưng cũng phải thấy được rằng người khác nghĩ thế nào về mình. Định vị không đúng bản thân sẽ làm giáo viên thiếu tự tin, khó làm tròn trách nhiệm. Chẳng hạn nhiều giáo viên mầm non tự hạ mình, coi mình như “vú em” là chưa hợp lý. Mà phải xác định mình là “cô nuôi dạy trẻ”, là “nhà giáo dục”… Khi ấy bản thân giáo viên sẽ thấy được ý nghĩa lớn lao của công việc mình, và sẽ không có những cảnh bạo hành đau lòng như thời gian qua.
Vì thế, theo TS Hồng, việc đào tạo giáo viên cũng cần phải thay đổi. Nếu giáo viên từ trung học trở lên coi mình là những “nhà giáo dục sáng tạo” thì sẽ không có cảnh áp đặt kiến thức một chiều lên học sinh, không có những bài văn mẫu, sẽ không “tạo ra những sản phẩm đồng nhất”, mà sẽ xây dựng được những nhân cách độc đáo, đa dạng… Giáo viên sẽ dễ chấp nhận những tình huống “phản biện” của trò...
Các nguyên tắc “vàng” TS.Nguyễn Thị Bích Hồng khuyên giáo viên ứng xử với đối tượng phụ huynh quá khích:
1. Chăm chú lắng nghe, không ngắt lời; 2. Bình tĩnh và nhìn thẳng vào họ; 3. Thỉnh thoảng nhắc lại lời họ nói (kỹ thuật “hạ hỏa”); 4. Khoan có thái độ trước sự than phiền (trong mọi sự rắc rối nào đó cũng cần phải kiểm chứng); 5. Xin lỗi và lấy làm tiếc về việc đã xảy ra; 6. Bất luận họ đúng hay sai, đều phải cảm ơn họ về sự việc…
Giáo viên không nên nóng vội, giận dữ với phụ huynh và học sinh, bởi vì: “Nếu bạn ứng xử đáng được tôn trọng, thì người ta sẽ tôn trọng bạn. Nếu bạn đúng thì bạn không cần giận dữ; nếu bạn sai, bạn không được quyền giận dữ…!”.
|
Bình luận (0)