Phát biểu của một trưởng phòng GD-ĐT tại TP.HCM về việc dạy môn tích hợp cấp THCS trong 2 năm qua rằng giáo viên mong học sinh đừng hỏi câu nào hóc búa đã phản ánh chân thực bức tranh dạy học chương trình mới hiện nay.
Cuối năm 2018, Bộ GD-ĐT họp báo chính thức công bố chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với chi tiết nội dung chương trình và lộ trình thực hiện. Theo đó, bắt đầu năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1, năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2 và lớp 6 rồi cuốn chiếu dần cho đến năm học 2024 - 2025 hoàn tất. Chưa kể thời gian trước đó đã chuẩn bị xây dựng chương trình, cứ nghĩ khi công bố và đưa ra lộ trình thực hiện sau đó vài năm thì mọi khâu chuẩn bị đã sẵn sàng. Thế nhưng bước sang năm học thứ 3 thực hiện chương trình giáo dục mới mà mọi thứ vẫn ngổn ngang từ trường lớp, sách giáo khoa, nội dung… Trong đó đáng lo nhất là đội ngũ giáo viên (GV) dù Bộ GD-ĐT rất nhiều lần khẳng định GV là lực lượng quan trọng nhất quyết định sự thành bại của chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Trước khi vào năm học mới, các địa phương đã đồng loạt phản ánh thiếu trầm trọng GV, đặc biệt với những môn cho chương trình mới như tin học, tiếng Anh, âm nhạc - mỹ thuật… Trên thực tế, khi triển khai dạy học các môn tích hợp (khoa học tự nhiên gồm lý-hóa-sinh, lịch sử-địa lý) ở cấp THCS từ năm học 2021 - 2022, các trường và GV quá bối rối vì không tìm đâu ra người dạy những môn này. GV từ trước đến nay được đào tạo để dạy đơn môn mà chương trình mới ở cấp THCS lại học tích hợp nên không thể máy móc bắt các GV này đi tập huấn vài buổi rồi có thể về dạy môn tích hợp cho “ra hồn” được.
Một thầy giáo có thâm niên dạy sử cho biết được đào tạo dạy môn sử nên bây giờ dạy tích hợp địa lý thì không thể nào đáp ứng được phần kiến thức này. Thế nhưng GV vẫn phải dạy. Sẽ là vấn đề rất lớn đối với tích hợp lý-hóa-sinh. Vậy nhưng hiện nay học sinh (HS) đang được học với những GV không hề được đào tạo chính quy môn tích hợp để dạy tích hợp. Do đó mới có câu chuyện “cười ra nước mắt” GV dạy mà sợ học trò đặt câu hỏi hóc búa vì thực tế như vị trưởng phòng GD-ĐT nói: “Làm thầy thì luôn muốn có 10 mới dạy 1, chứ có 2 mà dạy 1 nhiều khi sẽ gây lúng túng”.
Một câu hỏi đặt ra là tại sao việc triển khai chương trình mới không đồng bộ với tiến độ đào tạo của các trường sư phạm? Có nghịch lý không khi HS học môn tích hợp được 2 năm mà theo lãnh đạo 2 trường đào tạo GV lớn nhất của TP.HCM và cả phía nam là đến năm sau mới có lứa giáo sinh đầu tiên ra trường giảng dạy theo môn này?
Không có GV nhưng buộc phải dạy nên các nhà trường mạnh ai nấy làm nhưng cách nào thì phần thiệt thòi nhất là HS vì chất lượng không đảm bảo; còn GV thì vừa không tự tin vừa thấy thẹn lòng khi chưa đủ chắc kiến thức mà dạy HS.
Giáo dục đâu phải là chuyện nhất thời. Đó là một quá trình lâu dài và ảnh hưởng đến cả một thế hệ. Thay đổi chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng hiện đại, tiên tiến, phù hợp với tình hình mới là việc phải làm. Chính vì vậy, người dân thấu hiểu và hoàn toàn ủng hộ đổi mới. Bao giờ sự thay đổi cũng có những khó khăn, trở ngại ở giai đoạn đầu; thậm chí phải vừa làm vừa điều chỉnh. Nhưng khó có thể chấp nhận sự chắp vá, thiếu chuẩn bị một cách hệ thống cho lần đổi mới giáo dục rất quan trọng này.
Bình luận (0)