Khi giáo viên nổi nóng

07/08/2015 14:27 GMT+7

Là người thì ai chả có lúc nóng giận nhưng giới hạn sự nóng giận với người làm nghề giáo thì hẹp hơn rất nhiều. Chúng ta cũng không có quyền dùng những cái sai của học trò để bào chữa cho những vi phạm chuẩn mực nghề giáo của mình. Éo le ở chỗ đó nhưng đã theo nghề thì phải chấp nhận.

Vẫn biết là người thì ai chả có lúc nóng giận nhưng giới hạn sự nóng giận với người làm nghề giáo thì hẹp hơn rất nhiều. Chúng ta cũng không có quyền dùng những cái sai của học trò để bào chữa cho những vi phạm chuẩn mực nghề giáo của mình. Éo le ở chỗ đó nhưng đã theo nghề thì phải chấp nhận. 

Cơn nóng giận có thể khiến con người không kiểm soát được bản thân. Vì thế, với nhà giáo thì bình tĩnh, kiên nhẫn luôn là điều cần ghi nhớ - Ảnh minh họa: Shutterstock
Gần đây, dự một hội thảo giáo dục tại Anh, tôi gặp một giảng viên người Anh đang dạy môn 'Classroom Management' (quản lý lớp học, đại loại dạy mọi điều để giáo viên tổ chức, kiểm soát được mọi hoạt động của học sinh trong lớp). Tôi chia sẻ rằng mình cũng dạy nội dung đó ở Việt Nam và nói vui: “Anh biết không, tôi dạy sinh viên có ba bài: Bài một, kiên nhẫn (patience). Bài hai, kiên nhẫn. Bài ba, kiên nhẫn. Làm giáo viên, không có phẩm chất này thì sớm muộn cũng thất bại hoặc bỏ nghề thôi”.
Anh ấy gật gù đồng ý: “Tôi biết, không dễ gì, nhưng đã là giáo viên, đó là điều bắt buộc. Lý do lớn nhất khiến giáo viên ở Anh bỏ nghề đó là họ nhận ra, họ không đủ sự kiên nhẫn. Nhiều sinh viên sư phạm của Anh khi xuống trường thực tập, hoặc những giáo viên mới, họ nhận ra, họ không có phẩm chất này và không tự tin là họ có thể cải thiện, họ cũng từ bỏ nghề giáo. Nếu họ tiếp tục, rất có thể họ phạm sai lầm, mà cô biết đấy, sai lầm trong giáo dục là sai lầm khó tha thứ nhất.”
Tôi hoàn toàn đồng ý với anh và khi dạy sinh viên sư phạm, tôi thường nhắc đi nhắc lại chuyện 'bình tĩnh, kiên nhẫn'. Thực ra, trong tiếng Việt, tôi thêm cụm 'bình tĩnh' cho rõ, chữ 'patience' trong tiếng Anh đã bao gồm cả điều này. Một trong những nghĩa của 'patience' (kiên nhẫn) là khả năng kiềm chế, chịu đựng trong những tình huống khó khăn mà không giận dữ, thất vọng. Mở ra những điều lưu ý giáo viên ở đây, 'patience' cũng được đề cập đến đầu tiên.
"Tôi dạy sinh viên có ba bài: Bài một, kiên nhẫn. Bài hai, kiên nhẫn. Bài ba, kiên nhẫn. Làm giáo viên, không có phẩm chất này thì sớm muộn cũng thất bại hoặc bỏ nghề thôi”.
Vẫn biết là người thì ai chả có lúc nóng giận nhưng giới hạn sự nóng giận với người làm nghề giáo thì hẹp hơn rất nhiều. Chúng ta cũng không có quyền dùng những cái sai của học trò để bào chữa cho những vi phạm chuẩn mực nghề giáo của mình. Éo le ở chỗ đó nhưng đã theo nghề thì phải chấp nhận. Tôi cũng hay hỏi các đồng nghiệp là giáo viên phổ thông lâu năm ở Anh rằng có khi nào nổi điên với học trò không. Họ bảo, có lúc cũng gần như bốc hỏa nhưng phải kiềm chế, có khi người ra khỏi lớp không phải là học sinh mà là giáo viên. Ra ngoài để hít thở, để bình tĩnh rồi vào nói chuyện tử tế với học trò. Học sinh ở đâu thì cũng có đủ trò để thử thách sự kiên nhẫn của giáo viên cả.
Tôi từng là người rất nóng tính, tôi cũng la học trò khi học trò lười học, thiếu trách nhiệm với việc đã nhận, thiếu hợp tác với nhau... Tuy nhiên, không bao giờ có chuyện 'mày, tao', không có chuyện xỉa tay vào mặt học trò, không có chuyện so sánh học trò với 'con này, con kia', hay mắng 'đồ này, đồ nọ'. Nói to, giọng gắt lên là về nhà mất ngủ mấy đêm vì xấu hổ và ân hận.
Nhớ nhất một lần tôi dạy sinh viên khoa Lý. Hôm đó gần 20.11, lớp có phần thuyết trình. Bước vào lớp, dù dặn dò kỹ nhưng các nhóm thuyết trình đều chuẩn bị sơ sài, tinh thần cả lớp thì lơ là. Cuối buổi, tôi nhận xét nghiêm khắc và đề nghị chấn chỉnh ngay thái độ học tập như thế. Tôi nói xong, vẫn còn giận, thì một em đại diện cả lớp lên tặng một tấm thiệp và một gói quà nhỏ nhân dịp 20.11. Tôi thẳng thừng: “Cô không nhận. Cái cô cần là sự nghiêm túc trong học tập của các em, không phải là những món quà này.” Nói xong, đi thẳng ra khỏi lớp. Xuống văn phòng khoa, gặp cô giáo đồng nghiệp, ấm ức vẫn tràn trề nên tôi xổ một tràng, gào to lắm, bày tỏ tất cả sự thất vọng về sinh viên. Tóm lại là giận quá, mất cả khôn, quy kết, phán xét học trò rất tiêu cực. Nói vừa xong, quay lưng lại, thấy em lớp trưởng đứng ngây người, mắt đỏ hoe. Cơn giận như làn khói, bay mất. Em ấy chưa nói gì thì tôi đã cảm thấy mình hồ đồ quá.
Sự việc cô giáo trung tâm ngoại ngữ ở Hà Nội gần đây là một bài học về sự bình tĩnh, kiên nhẫn. Cô giáo ấy đã sai trong tình huống này và cách tốt nhất là cô ấy phải xin lỗi học trò. Còn học trò, nếu có sai chỗ nào thì các em ấy cũng cần xin lỗi lại. Cái sai lớn nhất là cô ấy không giữ được bình tĩnh khi đối diện với học trò. Bất kể học trò có khiêu khích, vô lễ thì cũng không được phép đáp trả bằng những lời nói đe doạ, chửi bới, xưng hô 'tao, mày', kiểu cao giọng đanh đá, bề trên. Những điều này không được chấp nhận trong môi trường sư phạm.
Đừng ai bảo 'gớm, nhiều giáo viên còn chửi học trò tệ hại hơn', 'thiếu gì giáo viên cũng mày tao với học trò', 'ai học cô ấy rồi thì thấy việc cô ấy chửi thế này là bình thường'... Những kiểu bào chữa đó chính là chất keo khiến những thói quen ứng xử thiếu chuẩn mực của giáo viên tồn tại. Đừng biến cái sai thành những điều bình thường khiến cái sai tiếp tục tồn tại.
Bài học của tôi hay của cô giáo kia cũng là bài học cho tất cả những ai làm nghề giáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.