Chủ quán ăn "cắn răng" tăng giá
“Giá thịt gà tăng cao, quán đã phải gồng mình chịu lỗ gần 2 tháng rồi, giờ không gồng được nữa”. Đó là lời tâm sự của chú Năm (55 tuổi), chủ quán cơm gà xối mỡ tại 702A Trường Sa, P.14, Q.3, TP.HCM.
Đây là một quán ăn có phần cơm chất lượng, nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng và giá cả phải chăng. Mỗi ngày, chú Năm bán hơn 500 suất cơm cho đa số khách là học sinh, sinh viên.
Kể từ ngày 1.8, quán cơm gà của chú Năm bắt buộc phải tăng thêm từ 3.000 - 5.000 đồng/suất. Đây cũng là lần thứ 2 trong năm 2023, quán chú Năm phải tăng giá cơm vì nguyên liệu chế biến tăng giá. Từ 28.000 đồng, nay mỗi phần cơm có giá 35.000 đồng.
“Món ăn của ở đây rất chất lượng. Mình là khách quen từ thời còn học sinh. Thấy giá cơm tăng lên, mình cảm thấy thương chủ quán. Mình biết để có quyết định tăng giá như vậy, chú chủ quán đã phải suy tính rất kỹ lưỡng”, Lê Hữu Hiếu, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM chia sẻ.
Chú Năm cho biết không chỉ giá thịt gà tăng cao, mà sắp tới gạo cũng có xu hướng tăng. May mắn chỉ có gas chưa tăng. Chú Năm rất quan tâm đến chất lượng đồ ăn vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe khách hàng.
“Có rất nhiều người từ xa hàng chục km đến đây để ăn. Khách hàng yêu quý chú nên chú cũng rất buồn vì phải tăng giá bán. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu như giá thịt giảm, chú sẽ quay về bán với mức giá cũ. May là chú không phải thuê mặt bằng, nếu không mức giá sẽ còn tăng hơn nhiều. Ở đây, chú bán chỉ lấy công làm lời", chú Năm nói.
Quán cơm sinh viên của cô Ngô Thị Hậu (55 tuổi) trên đường Trần Văn Đang, P.9, Q.3, TP.HCM, cũng phải tăng giá từ 28.000 đồng lên 30.000 đồng mỗi phần ăn. Đây là quán cơm được nhiều người lao động thu nhập thấp, học sinh, sinh viên yêu mến vì món ăn đa dạng, sạch sẽ.
Đặc biệt quán còn miễn phí trà đá và cơm thêm không giới hạn. Những tháng gần đây, lợi nhuận giảm rõ rệt vì vật giá leo thang, cô Hậu phải nghĩ đến chuyện tăng giá thêm một lần nữa. Mức giá tăng thêm 3.000 đồng/phần ăn.
“Thực phẩm gần đây tăng lên từ 10.000 - 15.000 đồng. Với đà tăng giá này, phần ăn 30.000 đồng cũng không thể mang lại lợi nhuận cho quán thêm được nữa. Cô và các nhân viên của quán đã phải cân nhắc, chứ cũng không dám tăng thêm một cách đường đột”, cô Hậu nói với giọng buồn.
Đối với cô Hậu, trong buôn bán, cô ngại nhất chuyện tăng giá món ăn vì ảnh hưởng rất nhiều đến việc thu chi và tâm lý khách hàng. Hơn 23 năm qua, quán của cô Hậu vẫn luôn giữ được sự uy tín.
Hồ Thị Sen (25 tuổi), ngụ tại P.9, Q.3, TP.HCM, một khách hàng quán cơm sinh viên của cô Hậu, chia sẻ: “Thu nhập của mình chỉ có 10 triệu đồng/tháng nên chỉ cần món ăn lên 1.000 - 2.000 đồng cũng phải suy nghĩ. Tuy nhiên, đối với những quán ăn giá rẻ như cô Hậu, mình tin việc tăng giá là có lý do chính đáng. Mình vẫn luôn ủng hộ quán vì sự uy tín lâu năm và cô chú chủ quán rất có tâm với món ăn bán cho khách hàng”.
Người trẻ chấp nhận sự thay đổi để ủng hộ hàng quán uy tín
Tại TP.HCM, một số quán ăn giá rẻ phải giảm bớt thịt trong phần ăn, cố gắng không làm khách phải thay đổi thói quen chi tiêu. Một số quán ăn giá từ 15.000 - 25.000 đồng như: bánh mì, bún, hủ tiếu... chọn cách giữ nguyên giá. Các chủ quán này cho rằng khi khách đã quá quen với mức giá, thì chỉ cần mình thay đổi sẽ làm cho khách buồn lòng.
Trần Tiến Thành (29 tuổi), ngụ tại 281 Bình Lợi, P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, hoàn toàn phải đi ăn quán vì nhà trọ không có chỗ để nấu. Mỗi tuần, Thành đi ăn tại hàng chục quán khác nhau để đổi món, đổi khẩu vị.
Thành chia sẻ: "Mình yêu quý nhiều quán vì những người chủ rất có tâm, không đặt cao lợi nhuận. Vì vậy, mình cảm nhận được nỗi buồn của họ khi phải thay đổi giá cả, họ sợ mất khách, làm khách buồn. Khi đã bắt buộc phải ăn quán, mình cũng phải chấp nhận sự tăng, giảm là một yếu tố không thể tránh khỏi".
Quán cà phê vợt có hơn 60 năm tuổi đời tại 330 Phan Đình Phùng, P.1, Q.Phú Nhuận (TP.HCM), cũng là nơi tập trung rất nhiều bạn trẻ. Quán này đã phải tăng giá nước uống từ 18.000 đồng lên 20.000 đồng, kể từ tháng 7.2023. Đối với chủ quán, đây là một sự thay đổi rất lớn vì mức giá cũ đã giữ ổn định trong nhiều năm qua, phù hợp với túi tiền của nhiều bạn trẻ. Mỗi ngày, quán phục vụ khoảng 1.000 lượt khách trẻ, khách du lịch và người dân địa phương.
"Có buồn một chút vì giờ mọi thứ đều tăng. Chi phí nhiên liệu để nấu cũng tăng, đường, sữa cũng tăng giá. Thậm chí nước đá cũng tăng, ly nhựa, ống hút, túi đựng cũng tăng. Phải tính toán kỹ lắm mới dám tăng thêm 2.000 đồng. Đó là do quán mình có lượng khách lớn, nếu không còn phải tăng lên nhiều nữa mới đủ chi phí", anh Phạm Văn Quý, chủ quán cà phê vợt, ngậm ngùi chia sẻ.
Bình luận (0)