Học tiếng Việt có khó?
"Tình thương sánh tựa biển trời/Có trong mắt mẹ một đời hy sinh/Cho con cho nghĩa cho tình/Quên đi vất vả thân mình sớm hôm". Đó là những câu thơ trong bài Đôi Mắt Mẹ (tác giả Đặng Minh Mai) được các bạn học sinh Đài Loan đọc diễn cảm trong hội thi đọc tiếng Việt do Trường Đài Bắc tại TP.HCM (trực thuộc Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM) lần đầu tổ chức.
Trưa 23.4, buổi thi đầu tiên đã diễn ra, dành cho học sinh lớp 5, lớp 6. Các thí sinh được chia theo hai nhóm dựa trên trình độ đang học là cơ bản hay nâng cao, mỗi nhóm đọc một bài thơ riêng nhưng đều có chung nội dung là nói về sự hy sinh của người mẹ. Ban giám khảo gồm các giáo viên trong trường chấm điểm từng em dựa trên khả năng phát âm, ngữ điệu và sự trôi chảy khi đọc tiếng Việt.
Hồ Vĩnh Niên, học lớp 6C, cho biết được giáo viên động viên nên em quyết tâm dự thi. Dù là người Đài Loan, em vẫn có thể đọc rành mạch từng câu thơ, và cảm thấy hạnh phúc vì được phát huy năng lực tiếng Việt của mình. "Vì trường cho đăng ký học tiếng Việt miễn phí nên em chủ động tham gia. Trong lớp, em thích nhất là viết đoạn văn về các dấu ấn Việt Nam như lễ tết, truyền thống văn hóa, di tích lịch sử", Niên nói.
Trương Tử Văn, học lớp 5A, cũng hào hứng khi có cơ hội đọc thơ trước nhiều khán giả. Được học tiếng Việt từ nhỏ, song Văn cũng gặp khó khi phải phân loại các từ tiếng Việt theo danh từ hoặc tính từ, vì "một từ mang nhiều nghĩa quá!". "Em muốn trở thành một luật sư sinh sống và làm việc tại Việt Nam nên em sẽ tiếp tục trau dồi hơn nữa vốn tiếng Việt của mình", nữ sinh chia sẻ.
Trong khi đó, Từ Đẳng Đồng, học lớp 6A, thú nhận tiếng Việt là ngôn ngữ giúp em có thể trò chuyện với mẹ, vì mẹ của em không giỏi tiếng Anh lẫn tiếng Hoa. "Dù mẹ không đề cập đến nhưng em vẫn tự đăng ký học tiếng Việt từ lớp 1, đến nay đã 5 năm. Với em, nhiều từ tiếng Việt hơi khó đọc, ví dụ như từ 'sểnh'. Lần đầu đọc trước nhiều người như vậy, em cũng cảm thấy hơi run", Đồng bộc bạch.
Cô Vòng Mẫn An, giáo viên bộ môn tiếng Việt, cho biết chương trình dạy tiếng Việt tại Trường Đài Bắc tại TP.HCM khác hoàn toàn so với trường công, vì ở đây tiếng Việt được xác định là ngoại ngữ. Thế nên, từ phương pháp dạy đến giáo trình đều không giống với chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam. "Như khi dạy chữ cái, chúng tôi phải dựa trên phiên âm quốc tế (IPA) chứ không dạy thẳng A Ă Â", cô An chia sẻ.
Nhìn chung, theo nữ giáo viên, tiếng Việt được dạy theo các chủ đề gần gũi với học sinh và bắt đầu từ học nói trước, sau đó mới đến viết. Giáo trình do một đơn vị ở Đài Loan biên soạn, và nhóm giáo viên có sự điều chỉnh phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Để thuận lợi cho hoạt động giảng dạy, vào năm lớp 2, học sinh sẽ được tham gia kỳ thi phân lớp, sau đó được xếp vào các lớp sơ cấp, trung cấp và cao cấp từ năm lớp 3.
"Khó khăn nhất là tùy vào trình độ mỗi lớp, giáo viên phải áp dụng một phương pháp giảng dạy riêng biệt. Song song đó, vì thời gian học tiếng Việt khá ít, chỉ 2 tiết mỗi tuần và 40 phút mỗi tiết, chưa kể trừ hao thời gian tổ chức các hoạt động, nên thời lượng thực tế các em được học tiếng Việt không nhiều. Thế nên, chúng tôi chú trọng dạy học và giúp các em nhớ mặt chữ thông qua hình ảnh, nhất là ở lớp sơ cấp", cô An nói.
Cũng theo cô An, những hoạt động có quy mô toàn trường như cuộc thi đọc tiếng Việt giúp học sinh nước ngoài có thêm cơ hội phát huy và ứng dụng tiếng Việt trong thực tế. "Trước đây, chúng tôi cũng tổ chức cho các em làm báo tường bằng tiếng Việt, nhưng chỉ dừng lại ở phạm vi lớp học", cô An cho hay, cho biết thêm trường mong muốn học sinh sử dụng được 3 ngôn ngữ khi tốt nghiệp là tiếng Hoa, tiếng Anh và tiếng Việt.
Tạo động lực học tiếng Việt
Ông Giang Xuân Nhân, Hiệu trưởng Trường Đài Bắc tại TP.HCM, chia sẻ quyết định tổ chức cuộc thi về tiếng Việt xuất phát từ hai mục đích. "Thứ nhất, thông qua các kỳ thi, bài kiểm tra, giáo viên sẽ có mục tiêu giảng dạy, đánh giá được chất lượng đào tạo. Thứ hai, học sinh có động lực học tiếng Việt và cơ hội đánh giá trình độ. Điều này tương tự như khi các em tham gia các kỳ thi đánh giá trình độ tiếng Anh", ông Nhân nói.
Cũng theo nam hiệu trưởng, dù chỉ mới tổ chức lần đầu nhưng ông cũng mong cuộc thi đọc tiếng Việt có thể duy trì thường niên, từ đó tăng sự phổ biến của tiếng Việt và chất lượng dạy học ngôn ngữ này. Hiện, ngôn ngữ chính để dạy học tại trường là tiếng Hoa, còn tiếng Anh, tiếng Việt là ngoại ngữ. Tuy nhiên, nhiều gia đình có cả cha mẹ là người Đài Loan hoặc Hàn - Đài, Nhật - Đài đều mong con học tiếng Việt, ông Nhân nói.
Hiệu trưởng Giang Xuân Nhân cho biết thêm, bộ môn tiếng Việt có 4 giáo viên là người Việt phụ trách. Các giáo viên đều đã tốt nghiệp ĐH và có chuyên môn sư phạm, đồng thời phải biết tiếng Hoa ở một trình độ nhất định. "Một số tài liệu dạy học cũng do chính nhóm giáo viên tại trường biên soạn, một số khác thì chọn lọc trong sách tiếng Việt hiện hành", ông Nhân chia sẻ.
Thời gian tới, ông Nhân cho biết trường sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa và ngoại ngữ cho học sinh. Chẳng hạn, vào tháng 6, Trường Đài Bắc tại TP.HCM sẽ phối hợp cùng một số trường THCS, THPT khác ở Đài Loan và Việt Nam để tổ chức một hội trại quốc tế, tạo môi trường cho các em có thể giao lưu 3 ngôn ngữ là tiếng Hoa, tiếng Anh và tiếng Việt.
Trường Đài Bắc tại TP.HCM được thành lập năm 1997, hiện giảng dạy khoảng 1.300 học sinh từ bậc mẫu giáo đến THPT nước ngoài. Hiện, tiếng Việt được dạy cho học sinh từ bậc tiểu học, theo ông Nhân.
Bình luận (0)